Hàng Việt bước vào cuộc cạnh tranh lớn trên sân nhà

(PLVN) - Với việc thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới, hàng Việt có thuận lợi lớn trong xuất khẩu hàng hóa. Ngược lại, thị trường trong nước cũng sẽ đón một lượng lớn hàng hóa tương ứng từ các quốc gia phát triển. Cạnh tranh trên sân nhà sẽ ngày càng khó khăn hơn khi nhận định “thua trên sân nhà” vẫn còn ám ảnh doanh nghiệp Việt.
Hàng Việt sẽ phải vào cuộc đua hút khách Việt với hàng ngoại. (Ảnh minh họa).
Hàng Việt sẽ phải vào cuộc đua hút khách Việt với hàng ngoại. (Ảnh minh họa).

Sức ép lớn đổ bộ vào thị trường nội địa

Với khoảng 100 triệu dân, thị trường nội địa được đánh giá là một thị trường khá lớn, là một lợi thế để doanh nghiệp (DN) Việt có thể khai thác. “Tuy nhiên, hiện nay DN Việt đang bị phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu (XK), chưa biết cách tận dụng thị trường trong nước với khoảng cách cung ứng hàng hóa gần, giá cả phù hợp và có thể tiếp cận, nghiên cứu tâm lý khách hàng tốt hơn” - bà Nguyễn Việt Hồng, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam nhận định. 

Trước đây, những đánh giá hàng Việt thua trên sân nhà đã được nói lại nhiều năm liên tục. Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đã mang lại một số kết quả cụ thể cho hàng Việt nhưng để có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại từ các nước phát triển không phải là vấn đề dễ dàng, nhất là trong điều kiện thuế quan không còn là lợi thế để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu khi hầu hết sẽ về mức 0% trong vài năm tới. 

Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam đánh giá, hàng XK của châu Âu (EU) sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29% (tương đương khoảng 15 tỷ euro) vào năm 2035. “Như vậy, nếu chỉ tính riêng với hàng hóa từ EU vào Việt Nam đã tạo ra mức độ cạnh tranh rất lớn cho hàng Việt tại nội địa, chưa kể hàng hóa từ các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng (NTD) ngày càng muốn sử dụng những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh vì thế sẽ tạo thêm nhiều áp lực cho DN Việt” - Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (TTTN - Bộ Công Thương) nói. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, mặt hàng rau quả từ Mỹ vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 đã tăng 44% so với cùng kỳ. Một nhận định khác từ Vụ TTTN cho thấy, ngành thực phẩm sẽ phải cạnh tranh rất lớn với hàng nhập khẩu từ EU, đặc biệt là các mặt hàng trái cây. Dược phẩm cũng được đánh giá là một ngành chịu áp lực cạnh tranh cực lớn khi các hiệp định thế hệ mới có hiệu lực tại Việt Nam. 

Đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, trong cùng một số tiền mà NTD bỏ ra, hàng Việt sẽ phải cạnh tranh làm sao để NTD sẵn sàng bỏ số tiền ấy ra để mua hàng hoá của mình chứ không phải hàng nhập từ các nước khác. Chính điều này sẽ thúc đẩy DN Việt phải có chiến lược phát triển để cạnh tranh khách hàng với hàng ngoại, để người Việt phải tin dùng và tự hào tìm mua hàng Việt. 

DN cần chuẩn bị gì để có lợi thế cạnh tranh?

Bà Nguyễn Việt Hồng đặt ra câu hỏi: “Tại sao người Việt Nam lại bay sang Hong Kong (Trung Quốc) để mua đồ của hãng IKEA do chính người Việt làm ra tại Việt Nam? Liệu có phải là do sản phẩm xuất sang Hong Kong là tiêu chuẩn quốc tế dành cho thị trường các nước phát triển hay ở Hong Kong không lo vấn đề hàng nhái, hàng kém chất lượng?”. Câu trả lời lại chính là sản phẩm này phù hợp với thị hiếu người Việt. 

Do đó, nếu DN Việt Nam nghiên cứu, nắm bắt xu thế và tâm lý khách hàng có thể tạo ra số lượng không nhỏ khách hàng nội địa cho sản phẩm của mình. Hiện Hiệp hội đang nghiên cứu một đề án liên minh hàng Việt để đưa hàng Việt XK vào từng gia đình Việt, có như vậy, hàng Việt mới có lợi thế cạnh tranh với hàng ngoại trên sân nhà. 

Bà Lê Việt Nga cho biết, một DN ở Sóc Trăng đã sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để áp dụng trong sản xuất bánh kẹo. Điều này chứng tỏ DN Việt đã bắt đầu chú ý đến những công nghệ hiện đại, chấp nhận đầu tư để đưa ra được những sản phẩm ưu việt nhất.

Vì thế, để có thể cạnh tranh sòng phẳng trên sân nhà, DN Việt cần phải đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục NTD Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước. 

Tuy nhiên, theo bà Nga, ngoài việc cải tiến về chất lượng, mẫu mã, thương hiệu, giá cả thì việc phân phối sản phẩm như thế nào cũng là một chiến lược cạnh tranh quan trọng nhằm giữ vững thị trường nội địa với sức mua hơn 100 triệu dân. Việc đa dạng các kênh phân phối, tiến tới tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NTD tiếp cận sản phẩm chính là mấu chốt để hút khách hàng trước áp lực cạnh tranh từ hàng hóa ngoại. 

Ngoài ra, DN Việt cũng cần chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa DN, hợp tác xã và người nông dân, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới NTD, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và chiếm lĩnh vị thế “sân nhà”.

Đọc thêm