Hậu dịch Covid, kiểm tra an toàn thực phẩm gắt gao

(PLVN) - Hết giãn cách xã hội là đến dịp chuẩn bị nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhu cầu hàng hóa và ăn uống dự kiến sẽ sôi động trở lại ngay lập tức. Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có kế hoạch để lành mạnh hóa thị trường vốn rất nhạy cảm này. 
Lực lượng QLTT kiểm tra an toàn thực phẩm
Lực lượng QLTT kiểm tra an toàn thực phẩm

Kiểm soát chất lượng, giá sản phẩm 

Trong gần 3 tháng qua, lực lượng QLTT tập trung mạnh vào công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch. Số liệu mới nhất cho thấy, trong dịp kiểm soát vật tư y tế, nhà thuốc vừa qua, toàn lực lượng đã tiến hành hơn 8.500 vụ kiểm tra, giám sát, phạt vi phạm hành chính khoảng gần 4,5 tỷ đồng và khui được rất nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang, thiết bị phòng dịch giả ở nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 

Ngoài thực hiện các công tác liên quan đến sản phẩm phòng dịch, lực lượng QLTT vẫn phân bổ lực lượng kiểm soát các vấn đề khác và triển khai được nhiều vụ việc khá lớn như phát hiện được các vụ vận chuyển lậu, phát hiện kho chứa hơn 70 tấn lòng lợn đông lạnh ở Hải Dương, các vụ bán hàng giả qua tài khoản facebook, zalo và livestream trên mạng xã hội…

Lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết, hậu Covid-19 sẽ là những ngày khó khăn cho lực lượng QLTT vì sẽ phải tung lực lượng ở nhiều mặt trận, từ kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) đến phòng chống hàng giả cả ở các tụ điểm sản xuất lẫn buôn bán hàng giả và trên môi trường mạng.

Ông Linh dự đoán, những ngày tới các cửa hàng, hàng quán được mở lại số lượng lớn, nhu cầu của người dân đối với lương thực, thực phẩm sẽ tăng cao, đặc biệt là việc ăn, uống sẽ nhiều lên. Do đó, công tác kiểm tra, kiểm soát ngay thời điểm hiện nay, dịp nghỉ lễ và sau nghỉ lễ sẽ sôi động trở lại, đặc biệt là vấn đề liên quan đến ATTP. 

Gần một tháng qua, hàng hoá thực phẩm bán rất chậm, thậm chí có những mặt hàng không được bày bán, sẽ bị lưu trữ, lưu đông lạnh để bảo quản thực phẩm. Điều này có thể khiến thực phẩm bị biến chất hoặc kém phẩm chất nên khi các hàng quán được mở lại cần phải chú ý kiểm soát gắt gao chất lượng thực phẩm.

Về vấn đề này, Tổng cục đã yêu cầu các Cục phối hợp với các lực lượng trên địa bàn tập trung vào kiểm soát vấn đề ATTP, chất lượng thực phẩm và các nhà hàng, để đảm bảo tránh xảy ra những vi phạm về ATTP.

Ngoài ra, vấn đề kiểm soát giá thịt lợn ở các chợ dân sinh cũng đang gặp nhiều khó khăn do các quy định pháp luật. Tuy nhiên, trước mắt, để tránh các hiện tượng bán với giá quá cao ở các chợ, Tổng cục QLTT đã có chỉ đạo hoả tốc đến toàn lực lượng về vấn đề này.

Theo đó, toàn lực lượng phải tăng cường công tác quản lý địa bàn và triển khai những biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình diễn biến cung - cầu và giá bán của mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn để lên phương án kiểm tra và đề xuất giải pháp để bình ổn thị trường. 

Bên cạnh đó, các Cục phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để kiểm soát và kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho lạnh để kiểm soát nguồn cung, kiểm soát cả giá bán, đặc biệt là ngăn chặn ngay các hành vi vi phạm về niêm yết giá đầu cơ, găm hàng, bán giá bất hợp lý.

Việc tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh thịt lợn không rõ nguồn gốc cũng sẽ được thực hiện gắt gao đề phòng dịch bệnh trong khi nguồn cung thịt lợn trong nước đang thiếu.

Tiếp tục kế hoạch tấn công các tụ điểm hàng giả

Việc phòng ngừa hàng giả ra thị trường dịp này cũng là vấn đề được lực lượng QLTT quan tâm. Bởi thực tế, ngoài nhu cầu về ăn uống, đi lại thì nhu cầu các mặt hàng như quần áo, giày dép… cũng sẽ sôi động trở lại. Đây có thể là dịp để nguồn hàng giả được bung ra mạnh mẽ hơn vì nhu cầu người dân tăng cao sau dịch. Do đó, việc tập trung vào công tác chống hàng giả ở các tụ điểm lớn và trên mạng xã hội sẽ được tăng cường mạnh hơn. 

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, kế hoạch tấn công 20 tụ điểm buôn bán hàng giả đã được chuẩn bị khá kỹ càng nhưng vì phát sinh dịch Covid-19 nên công tác này cũng bị ảnh hưởng. Ngoài việc lực lượng mỏng do phải kiểm tra mảng thị trường, vật tư thiết bị phòng dịch thì còn do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không lớn nên việc sản xuất các mặt hàng này cũng không được triển khai nhiều.

Tới đây, khi công tác phòng chống dịch đã ổn định, các hoạt động sản xuất buôn bán hàng giả sẽ sôi động trở lại, thậm chí mạnh hơn, do đó, theo đại diện Tổng cục QLTT, toàn lực lượng sẽ phải tập trung vào nhiều mặt trận trong cùng thời điểm để đảm bảo kế hoạch năm 2020, trong đó việc tấn công vào các tụ điểm hàng giả sẽ được ưu tiên nhất vì đây là kế hoạch trọng tâm của năm. 

Đọc thêm