Hãy để lan đột biến về với đúng giá trị của nó

(PLVN) - Trên khắp các trang mạng xã hội thời gian qua, dòng lan đột biến đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Đặc biệt là thông qua những cuộc chuyển nhượng, giao dịch lan diễn ra công khai với giá trị hàng tỷ đồng, cao nhất còn lên đến 250 tỷ đồng. Vậy giữa vô vàn mức giá, đâu mới là giá trị thật sự của lan đột biến?
Hình ảnh xử lý băng nhóm lừa đảo lan đột biến.
Hình ảnh xử lý băng nhóm lừa đảo lan đột biến.

Những cái giá trên trời

Lan đột biến vốn không phải là cái tên xa lạ với nhiều người, bởi cách đây vài năm những cuộc giao dịch lan với giá trị 2 - 3 tỷ đã xuất hiện nhiều và khiến cho dư luận xôn xao. Nói sơ qua về dòng lan đột biến, khác với lan thường phổ biến ở Việt Nam với hàng ngàn chủng loại và giá cũng rất bình dân, thường chỉ vài chục, vài trăm ngàn thì lan đột biến gen lại có màu sắc, hình dáng độc, lạ thu hút sự quan tâm của nhiều người chơi lan, dần dà lan đột biến trở nên quý giá và có giá trị “đắt như tôm tươi”. 

Mấy năm trở lại đây, lan đột biến gen bắt đầu “lên cơn sốt”, trở thành đối tượng săn lùng của dân chơi lan. Dù giá lan đột biến cao chót vót nhưng thị trường vẫn sôi động. Cho đến năm ngoái, tưởng như “bong bóng” lan đột biến đã “xẹp” xuống, thị trường im ắng hơn thì năm nay lại được thổi bùng lên một cách mạnh mẽ và gây chấn động dư luận với những cái giá không tưởng.

Đỉnh điểm là vào ngày 15/03, cộng đồng mạng xôn xao với thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh. Có thể nói đây là thương vụ mua bán lan đột biến có giá cao nhất từ trước đến nay. Trên Facebook của anh Nguyễn Văn Minh, người được cho là chủ nhân mua cây lan trị giá 250 tỷ đồng đã đăng tải thông tin về việc nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với vườn lan var Đất Mỏ với tổng giao dịch là 288.500.000.000 đồng. Trong đó có 1 cây Ngọc Sơn Cước có giá 250 tỷ đồng, 1 lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng và 2 lá non Cờ đỏ giá 18 tỷ đồng.

Ngay sau khi cuộc giao dịch lan var Ngọc Sơn Cước diễn ra đã có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra trên các trang mạng xã hội. Nhiều người cho rằng đây là mức giá phi lý, không có trên thực tế. Nhiều người còn khẳng định đây là chiêu trò giao dịch giả nhằm “thổi giá” lan lên cao chót vót.

Các độc giả bình luận: “Hầu hết là dàn cảnh để đẩy giá ảo nhằm lừa gạt những người thiếu hiểu biết. Mong các cơ quan chức năng có thể tiêu diệt được vấn nạn đã tồn tại rất lâu này”. Hay những bình luận như: “Có những cái cực kỳ vô lý như tiền ảo vẫn được cộng đồng đón nhận thì cây lan vớ vẩn nó là một thực thể thì nó hét triệu tỷ còn được. Có điều xã hội không nên mù quáng dồn tiền vào nó hy vọng sinh lời... Vì nó không đẹp đẽ gì cho lắm”. Tuy nhiên, đây mới chỉ là suy đoán của mọi người, còn thực hư thế nào thì chưa rõ. 

Không chỉ là ý kiến của dư luận mà ngay cả những đại gia chơi lan đột biến lâu năm cũng nghi ngờ về tính xác thực của cuộc giao dịch này. Một đại gia đam mê cây cảnh khi được Báo Dân Trí phỏng vấn cho biết: “Ngoài Hà Nam ra, thời gian gần đây những cuộc giao dịch lan đột biến diễn ra ở nhiều tỉnh, thành khác, có nơi giao dịch tới 60 tỷ đồng. Nếu như năm ngoái, năm kia giá trị một ki khoảng 1-2 tỷ đồng thì đến năm nay giá trị lên đến 16 tỷ đồng. Tôi và một số người rất bức xúc trước trường hợp này, không hiểu vì sao vấn đề bức thiết này lại tiếp tục diễn ra và không có sự can thiệp của nhà chức trách. Sau những cuộc giao dịch lan giá trị cao như thế này, hệ lụy nó đem lại sẽ rất lớn…”.

Nhiều nhận định cho rằng, có thể trong thời gian sắp tới sẽ xuất hiện càng nhiều cuộc giao dịch như trên. Chính những cuộc giao dịch với giá tăng cao bất thường như vậy đang đánh trúng vào tâm lý muốn kiếm hời của nhiều người, với suy nghĩ mua lan đột biến rồi đợi đến lúc bán ra lời lãi được vài tỷ. Với suy nghĩ đó, nhiều người tiền chưa chắc đã có nhưng bán nhà, bán xe để đua theo thú chơi lan nhưng liệu giá trị thu về có hay không?

Nói là vậy, bởi ví dụ khi mua một mắt lan giá 1 tỷ đồng nhưng phải đợi đến sang năm mới biết được có ra hoa hay không. Nếu không ra hoa mà chỉ dài mắt lan thì người bán phải đền tiền nhưng liệu họ có đền hay không lại là chuyện khác. Vậy nên những giao dịch mua bán ở đây đều là dựa vào lòng tin chứ không ai biết được thật giả như nào. Có thể thấy rằng tất cả những người giao dịch lan trong các thương vụ trên đều là kinh doanh thu lợi nhuận chứ không phải vì đam mê. Vậy lợi nhuận cuối cùng đi về đâu? Một phần của mục đích này có thể là rửa tiền. Lượng tiền đổ vào lan đột biến như đa cấp lừa đảo. Việc này thật sự bất công với người nghèo.

Vị đại gia đam mê cây cảnh cũng cho biết thêm: “Trong hàng triệu cây lan mới có 1 cây đột biến, không thể có lắm đột biến như thế được. Vậy nhưng mỗi một năm ai cũng thấy trên thị trường xuất hiện hàng loạt cây đột biến. Nếu so sánh với năm ngoái, chỉ có vài loại đột biến thì năm nay phải có đến 30 loại đột biến. Đặc biệt một loại đột biến dài 5 phân vừa được giao dịch ở Phú Thọ với giá 60 tỷ đồng khiến nhiều người xôn xao. Như vậy, tính ra giá trị của nó còn cao hơn cả kim cương, trên thế giới không có loại kim cương nào giá lại đắt đến thế”.

Thương vụ bán lan var 250 tỷ gây xôn xao.
Thương vụ bán lan var 250 tỷ gây xôn xao.

Những hệ luỵ đi kèm

Trở lại với cuộc giao dịch lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng gây xôn xao dư luận thời gian qua. Vào ngày 19/03, Chủ tịch UBND TX Đông Triều yêu cầu lực lượng công an chủ trì, phối hợp cùng Chi cục Thuế và UBND phường Mạo Khê xác minh cụ thể thông tin trên, tham mưu UBND thị xã xử lý theo quy định. Cho đến ngày 22/03, Trưởng Công an TX Đông Triều Nguyễn Thanh Sơn cho biết, qua công tác xác minh, vụ việc này là có thật nhưng hai bên mua bán mới chỉ dừng lại ở việc bắt tay và trao đổi nói chuyện, chứ hoạt động chuyển tiền thì chưa có.

Ông Sơn cho hay, bản chất vụ giao dịch là hai người chơi với nhau rồi có thoả thuận “miệng” với nhau. Sau một năm, bên mua sẽ từ từ chuyển các mục yêu cầu trong hợp đồng giao dịch cho bên bán, chứ không chuyển tiền một lúc, nên rất khó xử lý. Bên cạnh đó, Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ Cục Thuế Quảng Ninh Hoàng Văn Mạnh cho biết, nhà vườn “vườn lan var đất mỏ” đang nuôi trồng 12ha lan các loại. Nếu đối tượng là hộ gia đình phát triển nông nghiệp thì không thuộc quản lý của cơ quan thuế.

Có thể thấy rằng, lợi dụng vào việc không thuộc quản lý của cơ quan thuế cũng như chỉ toàn thoả thuận “miệng” với nhau nên nhiều người chơi lan quyết tâm đẩy giá lan lên cao đến độ trăm tỷ mà không sợ bị xử lý. Chính nhưng vụ việc như trên đang khiến cho nhiều người mất niềm tin vào thú chơi lan và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn trong xã hội.

Bởi như đã nói ở trên, với mong ước đổi đời, làm giàu nhanh chóng từ hoa lan, dễ dàng kiếm tiền tỷ trong thời gian ngắn khiến nhiều người dân đầu tư vào hoa lan đột biến. Không ít người vì không có đủ tiền mua mà đã bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí huy động cả nguồn “tín dụng đen” để đầu tư. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản...

Bên cạnh đó còn hình thành nên những băng nhóm lừa đảo và những vụ lừa đảo nhưng không biết kêu ai. Khi mà có những trường hợp bỏ ra cả tỷ đồng để mua giống lan quý, sau hàng năm trời chăm sóc kỳ công, cây lan lại trổ ra mặt hoa phổ biến, giá trị thấp hay là không ra hoa. Chính những điều này dẫn đến những sự việc tố lừa đảo, bắt đền nếu không bắt đền được thì dẫn đến tranh cãi và phải dùng bạo lực để thanh toán với người bán. 

Từ một thú chơi lúc “trà dư tửu hậu”, người chơi hoa lan để thưởng thức cái đẹp thì giờ đây lan đột biến đang dần trở thành một món hàng được đem ra để kiếm tiền với những cái giá vô lý. Điều này không chỉ đem đến những hệ luỵ cho xã hội mà nó còn gây ảnh hưởng đến chính cộng đồng chơi lan. Khi mà giờ đây đối với những người coi lan như thú vui, tức là chơi chỉ để thỏa đam mê thì cũng bị đánh đồng như lừa đảo, làm màu. Vì vậy, chỉ mong rằng đừng thổi phồng những cái giá trên trời mà hãy để cho lan đột biến về với đúng giá trị của nó. 

Đọc thêm