Hiểm họa từ thiếu kiến thức an toàn về điện

(PLO) - Dù đã có cảnh báo nhưng nhiều vụ tai nạn thương tâm do điện vẫn liên tiếp xảy xa khiến nhiều nạn nhân lâm cảnh tàn phế suốt đời, thậm chí tử vong. Nguyên nhân của những tai nạn này chủ yếu vẫn là do thiếu kiến thức an toàn về điện.
Các nạn nhân do bỏng điện chủ yếu trong độ tuổi lao động
Các nạn nhân do bỏng điện chủ yếu trong độ tuổi lao động

Nhiều vụ tai nạn điện thương tâm

Tại Khoa Phỏng – Tạo hình, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP HCM, bệnh nhân V.C.T (26 tuổi, quê Bình Thuận) vẫn chưa nguôi đau đớn bởi những vết bỏng sâu ở hai tay, hai chân và rải rác ở trên cơ thể. Anh T. kể, ngày 24/10 trong lúc đang thi công công trình gần đường dây điện cao thế, anh chuyển cây inox lên tầng 2 thì bất ngờ bị điện giật, đẩy văng ra xa và bất tỉnh. Đến khi tỉnh dậy anh T. đã thấy mình ở trong phòng cấp cứu của BV, người đầy vết bỏng cháy sém. Đã nhiều ngày được điều trị tích cực anh vẫn chưa thể hoàn hồn sau cơn thập tử nhất sinh, hiện có nguy cơ phải cắt cụt 1 tay. 

Cùng phòng với anh T. là anh Trần Thanh H. (39 tuổi, ngụ Kiên Giang) với những vết bỏng sâu ở 2 cánh tay và 2 chân. Nằm trên giường bệnh, chốc chốc anh H. lại nhăn nhó vì những cơn đau. Anh kể, có hiểu biết chút ít về an toàn điện, đồng thời nhiều năm làm việc ở công trình đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn điện đau lòng nên thường nhắc các đồng nghiệp cẩn thận tai nạn điện giật, nhưng không ngờ có lúc anh cũng bất cẩn. Anh H. kể: “Trưa ngày 6/10, khi đang lợp nhà, tôi thấy đường dây điện nên đã rất cẩn thận. Công việc cần phải dùng đến cây thước nhôm, tôi thận trọng không lại gần nhưng cũng bị điện giật và bị phóng thêm nhiều tia lửa điện. Tôi tưởng mình đã chết ngay lúc đó…”. 

Theo các bác sĩ, anh H. ngoài các vết bỏng sâu ở tay chân, hiện nay còn bị biến chứng suy thận. Không chỉ anh T. và anh H., tại Khoa Phỏng – Tạo hình, BV Chợ Rẫy hiện đang điều trị cho hàng chục bệnh nhân bị bỏng vì điện giật, nhiều người có nguy cơ phải cắt cụt chi, tàn phế suốt đời. 

Trước đó, nhiều vụ tai nạn do điện thương tâm cũng đã được cảnh báo. Cụ thể, mới đây nhất, ngày 26/10 một vụ tai nạn điện thương tâm do điện thế phóng điện đã xảy ra trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh khiến 4 người tử vong. Theo đó, 4 nạn nhân đều là công nhân thời vụ đang đào móng thi công cột viễn thông dưới đường điện cao thế 35KV, vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Trong quá trình đào móng, chôn cột, điện thế phóng làm 4 người bị điện giật dẫn đến tử vong. Cả 4 nạn nhân đều trong độ tuổi lao động, là trụ cột chính trong gia đình, trong đó có 2 nạn nhân là anh em ruột.

 Còn ngày 13/10, vụ việc học sinh sau khi tan học đi ngang vũng nước trước cổng trường thì bị điện giật khiến 2 em tử vong, 4 em còn lại phải nhập viện cấp cứu cũng khiến dư luận bàng hoàng. Theo nhân chứng thì trước thời điểm xảy ra sự việc trên địa bàn có mưa kèm theo sấm chớp khiến một số sợi dây điện trung thế trước cổng trường rơi xuống đất, một số dây điện rơi vào vũng nước đọng trước cổng trường không được phát hiện kịp thời dẫn đến sự cố. 

Tăng cường truyền thông về an toàn điện

Theo BS Ngô Đức Hiệp (Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình BV Chợ Rẫy), mỗi năm tại Khoa Phỏng – Tạo hình tiếp nhận khoảng 1.500 ca bỏng, trong đó số ca phỏng do điện chiếm 15%, (khoảng 225 ca mỗi năm). Tỷ lệ bệnh nhân phải cắt cụt chi từ 60 đến 70%. “Bệnh nhân bỏng do điện nhập viện có rất nhiều nguyên nhân, tuy xảy ra nhiều nhất là do xây dựng gần đường điện cao thế. Tại đây, hầu như tuần nào cũng có những bệnh nhân nhập viện do nguyên nhân này, nhiều trường hợp vì tổn thương quá nặng phải cắt cụt chi.

Nguyên nhân thứ 2 là do công nhân kéo dây điện, lắp ráp bảng quảng cáo ngay gần cột điện nhưng không sử dụng các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng chống tai nạn do điện. Ngoài ra, tại đây cũng gặp nhiều trường hợp bị nạn do những tai nạn hàng ngày vi phạm khoảng cách an toàn về điện như leo lên mái nhà, sơ suất trong quá trình sinh hoạt, hoặc câu cá dưới đường dây điện… Hầu hết các bệnh nhân đều trong độ tuổi lao động chính, thanh thiếu niên, do đó khi gặp phải tai nạn bị cắt chi dẫn đến cả cuộc sống về lâu về dài phải chung sống với tật nguyền, rất đau đớn”- BS Hiệp chia sẻ. 

Cũng theo BS Hiệp, bỏng điện có 2 loại là bỏng do dòng điện và bỏng do tia lửa điện. Đối với những bệnh nhân nhập viện do bỏng dòng điện thường mang những tổn thương rất nặng nề trên toàn thân và tại chỗ trên đường đi của dòng điện, gây tổn thương các cơ quan quan trọng khác của cơ thể như xương khớp, gan, ruột, não, tim… “Cường độ dòng điện trên 25mA khi qua tim có thể gây rung thất, ngưng tim. Tình trạng sốc bỏng còn làm thiếu máu tới thận gây suy thận. Nếu ngưng thở chưa ngưng tim không cấp cứu kịp thời sau 10 phút sẽ tử vong. Bỏng do tia lửa điện tổn thương thường nhẹ hơn nhưng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng rất lớn”. 

BS Hiệp nhấn mạnh: “Tai nạn do điện có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc, đặc biệt là trong mùa mưa khả năng mất an toàn về điện càng cao hơn. Trong khi đó người sử dụng lao động, thậm chí bản thân người lao động không ý thức, không chủ động sử dụng các biện pháp an toàn. Do đó cần có sự phối hợp từ nhiều nguồn để tăng cường truyền thông về an toàn điện cho người lao động, người sử dụng lao động và người dân nói chung, đảm bảo làm việc thi công đúng quy định, sử dụng các dụng cụ bảo hộ… để hạn chế những tai nạn thương tâm do điện giật”.

Ngoài ra, trong tình huống thấy người bị nạn do điện cần có kiến thức sơ cấp cứu đúng cách.

Theo đó, trước hết phải tìm mọi cách an toàn tách nạn nhân khỏi nguồn điện (ngắt cầu dao, cầu chì, sử dụng vật cách điện...); dập lửa (nếu tình huống có cháy quần áo...); ngay sau đó kiểm tra chức năng sống của nạn nhân. Nếu ngưng thở, ngưng tim phải hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Kiểm tra các tổn thương khác (gãy tay, chân, cột sống ...); che phủ tổn thương bỏng bằng gạc, áo sạch…; sau đó cần nhanh chóng chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất (lưu ý giữ nạn nhân ở tư thế thẳng, giữ cố định đầu, cổ; cố định chi gãy). 

Đọc thêm