Ít nhất 2 năm nữa mới có vaccine chống dịch tả lợn châu Phi

(PLVN) - Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Bá Hiên, thuộc Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Hình minh họa
Hình minh họa

Trả lời báo chí, ông Hiên cho biết, thời gian qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phân lập và sàng lọc, lựa chọn những chủng virus gây bệnh từ thực địa để bước đầu nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh.

Hiện tại, các nhà khoa học thuộc Khoa Thú y của Học viện (do PGS.TS Lê Văn Phan làm trưởng nhóm) đã nghiên cứu, sản xuất được một số mẫu vaccine vô hoạt từ chủng virus dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) phân lập từ thực địa, bước đầu thử nghiệm trên lợn tại quy mô thí nghiệm cho kết quả khả quan.

Để tiến hành những nghiên cứu nhằm khống chế dịch bệnh DTLCP, Học viện đang triển khai nhiều hướng nghiên cứu khác nhau và khá toàn diện. Sau khi bước đầu tạo ra được mẫu vaccine vô hoạt đầu tiên có kết quả khả quan, Học viện sẽ tiếp tục có những nghiên cứu cần thiết khác với mục tiêu sản xuất được thành công vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Hiên khẳng định, đúng là việc nghiên cứu thành công vaccine phòng DTLCP là mong đợi của cả đất nước và nhiều nước trên thế giới. Điều này trước hết là khống chế được thiệt hại do bệnh, sau đó đánh giá được bước tiến nổi trội về khoa học trong lĩnh vực sinh học.

Tuy nhiên, cũng cần xác định rõ đây là đề tài rất khó, cần quá trình nghiên cứu bài bản, công phu và lâu dài. Mấu chốt của việc sản xuất thương mại loại vaccine này là việc tìm ra được loại môi trường sinh học phù hợp để virus có thể thích ứng, nhân lên được.

Nhân được virus lên với số lượng nhiều thì mới có thể sản xuất được vaccine ở quy mô lớn. Đây là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, hiện Học viện chưa tìm ra được loại môi trường này.

Khi có được môi trường nuôi thích hợp thì mới có hy vọng sản xuất thành công vaccine thương mại. Từ khi có tế bào nuôi virus thích hợp đến khi sản xuất thành công vaccine cũng phải mất ít nhất 2 năm nghiên cứu và thí nghiệm.

Dự trù thời gian như vậy, theo ông Hiên, cũng đã quá lạc quan, bởi vì có thông tin công bố từ Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 22/5 cho biết, Bộ này bảo đảm cung cấp đầy đủ cho việc nghiên cứu về DTLCP nhưng để có một vaccine có hiệu lực sớm nhất thì cũng mất 8 năm nữa và phải mất nhiều năm để trả lời những câu hỏi chính về cách thức lây lan của virus này. 

Đọc thêm