Khâu phân phối: Yếu tố then chốt với chất lượng sản phẩm sữa

(PLO) - Thời gian gần đây, một công ty sữa Nhật Bản đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng của Việt Nam cảnh báo hiện tượng sản phẩm của doanh nghiệp này đang bán trên thị trường Việt Nam  dưới hình thức “hàng xách tay” không đạt chuẩn và có nguy cơ là hàng giả. Câu chuyện này một lần nữa dấy lên nỗi lo ngại trước thực trạng các sản phẩm sữa không được phân phối chính thức vẫn đang trôi nổi trên thị trường, dẫn đến chất lượng sản phẩm xuống cấp, có nguy cơ gây hại đến sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng.
Khâu phân phối: Yếu tố then chốt với chất lượng sản phẩm sữa

Khi khâu phân phối không đảm bảo…

Viện Kiểm Nghiệm An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm Quốc Gia (Bộ Y Tế) mới đây công bố, kết quả kiểm tra trong 2 năm cho thấy: chỉ có 1% sữa kém chất lượng có nguyên nhân xuất phát từ nhà sản xuất, 4% có nguyên nhân từ phụ gia thực phẩm, song lại có đến 72% từ việc bảo quản không đúng cách, 18% từ việc sử dụng sản phẩm không theo chỉ định.

Rõ ràng, chính sự chặt chẽ của khâu phân phối, bảo quản sữa góp phần không nhỏ đến việc bảo đảm cho chất lượng sản phẩm và an toàn của người tiêu dùng. Với các sản phẩm nhập lậu, phân phối bởi một hệ thống bên ngoài dây chuyền cung ứng chính thức của nhà sản xuất thì không thể đảm bảo sản phẩm đó sẽ không bị suy giảm chất lượng trong quá trình phân phối lưu thông.

Một ví dụ cụ thể, khi mua những sản phẩm trôi nổi “xách tay” (không được phân phối chính thức và chịu sự quản lý chặt chẽ từ nhà sản xuất), người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với nhiều hiện tượng đáng ngại như: mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hạn sử dụng bị chỉnh sửa, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị dinh dưỡng sản phẩm bị giảm do không đáp ứng những điều kiện chuẩn về nhiệt độ, thời gian vận chuyển, môi trường lưu trữ… của quá trình phân phối lưu thông trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Sử dụng sản phẩm phân phối chính thức: Khuyến cáo từ các hãng sữa tên tuổi

Lo ngại trước tình trạng sản phẩm “xách tay” không đảm bảo chất lượng, không loại trừ hàng giả bị trà trộn, việc quản lý hạn sử dụng và quản lý chất lượng không được thực hiện đúng cách, một công ty sữa Nhật Bản nổi tiếng đã gửi công văn đề nghị các cơ quan liên quan của Việt Nam không cấp phép nhập khẩu và thông quan với hàng bán trong nội địa Nhật Bản với hình thức “xách tay” vào thị trường Việt Nam.

Tương tự, với những nhãn hàng dinh dưỡng uy tín khác trên thế giới, khâu bảo quản - phân phối cũng luôn được nhà sản xuất kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt.  Một trường hợp khác của Abbott Hoa Kỳ, để đảm bảo sản phẩm lưu thông từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng vẫn đạt chất lượng và sự an toàn tối ưu, công ty đặc biệt khắt khe trong việc tuyển chọn đối tác vận chuyển và phân phối, đồng thời thường xuyên kiểm tra đánh giá để đảm bảo việc duy trì những tiêu chuẩn nghiêm ngặt này.

Tại Việt Nam, Abbott đã ủy quyền cho Công ty 3A, một nhà phân phối uy tín với cơ sở vật chất đạt các tiêu chuẩn khắt khe của Abbott toàn cầu, để mang các sản phẩm an toàn và chất lượng cao đến tay người tiêu dùng. Ông Đỗ Thái Vương - Giám đốc Đối ngoại Abbott Việt Nam cho biết: “Abbott khuyến nghị khách hàng chỉ nên sử dụng sản phẩm được Abbott chứng nhận là chính hãng, do nhà phân phối chính thức của chúng tôi tại Việt Nam - công ty TNHH Dinh dưỡng 3A nhập khẩu và cung cấp. Những sản phẩm này có thể dễ dàng được nhận biết bởi tên của công ty 3A được in hoặc dán trên nhãn”.  

Cũng theo ông Đỗ Thái Vương, là công ty chăm sóc sức khỏe đa ngành hàng đầu thế giới, Abbott không chỉ chú trọng đến nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, kiểm định chặt chẽ từng lô hàng… mà còn dành sự chú trọng đến sự chuyên nghiệp của nhà phân phối.

Đây là cách làm chuyên nghiệp mang lại an toàn và lợi ích cho người tiêu dùng. Chỉ khi giải quyết được vấn đề hàng trôi nổi xách tay, quản lý tốt khâu phân phối chính thức, người tiêu dùng chọn mua sản phẩm chính hãng mới tránh được rủi ro về chất lượng sản phẩm, để mỗi hộp sữa công thức đều thật sự là nguồn dinh dưỡng quý báu, chăm sóc sức khỏe con người.

Đọc thêm