Khi nào xóa sổ cây xăng trong “danh sách đen“?

(PLO) - Liên tiếp các vụ cháy nổ tại các cây xăng trên cả nước khiến người dân sống quanh khu vực nơm nớp lo âu. Kế hoạch di dời các cây xăng đã được bàn thảo từ lâu, song phải đến tháng 10/2013 mới bắt đầu triển khai.
Tại sao “lọt lưới”?
Ngay sau vụ cháy Trạm xăng dầu số 9 - Công ty Xăng dầu Quân đội ở số 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội), các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại hơn 50 cây xăng trên địa bàn. Tiếp đó, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa ra danh sách 12 cây xăng cần phải di dời, dỡ bỏ do không đảm bảo điều kiện quy chuẩn an toàn.
Người dân sống quanh khu vực đó, vốn “sống trong sợ hãi” nhiều năm, tưởng đã thở phào nhẹ nhõm. Nhưng nhìn vào danh sách 12 cây xăng, họ lại… giật mình, bởi trong số đó không có những cây xăng trong “danh sách đen” của người dân.
Người dân "sống trong sợ hãi" khi cây xăng mọc giữa khu dân cư
 Người dân "sống trong sợ hãi" khi cây xăng mọc giữa khu dân cư
Trong số 32 cây xăng được phê duyệt cải tạo để tồn tại thì nhiều cửa hàng không đảm bảo về khoảng cách an toàn đối với khu dân cư nhưng “lọt lưới” di dời: 
Cây xăng số 4 Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng) của Cty CP Xăng dầu chất đốt Hà Nội, nằm trên con phố chật hẹp gần khu dân cư đông đúc và liền kề với các cơ quan công sở, khu công viên Thống Nhất. Cây xăng này được phép hoạt động và phải cải tạo với lý do: “Cty có kế hoạch phối hợp với ban ngành đảm bảo việc bán hàng không ảnh hưởng tới an toàn giao thông, trang bị thêm các thiết bị để đảm bảo an toàn cho cửa hàng ở mức cao nhất”.
Cây xăng số 171 Trường Chinh (quận Thanh Xuân  - Cty XD công trình hàng không ACC) nằm trong danh sách phải di dời, nhưng lại được phép tồn tại đến tháng 5/2014. 
Hay cây xăng tại số 9 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) nằm ở nút giao trọng điểm giữa các tuyến phố Trần Hưng Đạo - Hàn Thuyên - Lò Đúc - Lê Thánh Tông được liên ngành đề xuất cho phép tồn tại để cải tạo với lý do “qua kiểm tra thực trạng đã có giải pháp và có khả năng khắc phục về phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông...”. 
Một số khác như Cây xăng số 249 Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Cây xăng km6 đường Giải Phóng-Giáp Bát; Cây xăng km9 QL 1A Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai)… cũng đang khiến người dân lo lắng như… “thoát án”.

Anh Bùi Đức An - một cán bộ văn phòng trên đường Nguyễn Đình Chiểu chỉ ra: “Mức độ nguy hiểm có thể nhìn thấy, vì nó quá gần khu dân cư, nếu không muốn nói là sát vách. Vậy mà không hiểu sao vẫn được phép hoạt động”. 

Chung quan điểm này, một người dân khác trong khu vực tên Trần Văn Quân chỉ ra: “Tôi nghĩ để tình trạng các cây xăng “ẩn” trong khu dân cư là bất cập lớn. Và chuyện các cây xăng đe dọa đến an toàn của người dân thoát danh sách di dời cũng cần được xem xét lại. Người dân có quyền đặt câu hỏi nghi ngờ”.

Kế hoạch ì ạch

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng gần 500 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu; riêng trong khu vực nội thành có hơn 100 cửa hàng. 
Do quỹ đất chật chội nên hầu hết các cửa hàng xăng, dầu không đạt quy chuẩn an toàn. Nhiều cây xăng “mọc” từ trước giải phóng, khi xây dựng thì đạt chuẩn, về sau người dân lấn ra, kinh doanh buôn bán gây không chỉ nguy hiểm cho cây xăng mà cho cả chính người dân.
Ngược dòng thời gian, ngày 5/11/2012, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Số lượng cửa hàng xăng, dầu phải xóa bỏ, di dời là 56...
Kế hoạch là như thế, nhưng đến nay sau một chặng đường khá dài của giai đoạn mà các phương án gần như vẫn nằm… trên giấy. Và đến nay, sau rất nhiều kiến nghị, chia sẻ của người dân, kế hoạch của thành phố đã được đưa ra, song việc triển khai vẫn rất ì ạch. “Lợi nhuận là trên hết” - một người dân cho biết ý kiến của mình khi nhìn vào bản danh sách này.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, kế hoạch di dời trước 15/9, nhưng vì các doanh nghiệp “kêu khó” nên buộc phải lùi thời gian. Tuy nhiên, đến nay vẫn chậm thực hiện.
Cũng phải khẳng định nhu cầu sử dụng xăng dầu của người dân là vô cùng lớn. Bằng chứng là ở các cây xăng này lúc nào cũng đông đúc người mua. Sự tiện lợi của chúng là cần thiết, song cũng cần bảo đảm an toàn. 
Sở Công Thương Hà Nội chỉ ra, hiện tại các quận nội thành không còn quỹ đất bố trí cho các cửa hàng xăng dầu, việc dỡ bỏ, di dời cây xăng ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, do đó, cải tạo lại, đáp ứng quy chuẩn, áp dụng công nghệ mới trong PCCC là cần thiết.

Với những hậu quả nghiêm trọng từ các vụ cháy, nổ cây xăng, việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho cán bộ, công nhân làm việc trong cây xăng, người dân quanh khu vực là cực kỳ cần thiết. Do đó, đòi hỏi sự nỗ lực, dứt khoát hơn để không “lọt lưới” những cây xăng thuộc diện nguy hiểm. 

Đọc thêm