Khó khăn trong quản lý tài xế xe ôm công nghệ

(PLVN) - Việc ra đời và phát triển mạnh mẽ về số lượng của xe ôm 4.0 tạo sự thuận lợi, tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng khi có nhu cầu di chuyển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, xe ôm công nghệ vẫn còn nhiều bất cập.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều vụ tấn công hành khách

Vài năm trở lại đây, lực lượng xe ôm công nghệ ngày càng trở nên đông đảo hơn, bao gồm đủ giới tính, độ tuổi. Với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng của xe ôm 4.0 tạo sự thuận lợi, tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng khi có nhu cầu di chuyển. Sự ra đời của xe ôm 4.0 đã giảm bớt tình trạng “chặt chém”, chèo kéo hành khách. Đồng thời mở ra cơ hội việc làm cho nhiều người.

Bên cạnh những tích cực, xe ôm 4.0 vẫn còn nhiều bất cập như cách hành xử thiếu văn hoá, thậm chí là hành vi mang tính côn đồ đối với hành khách của một số tài xế. Điển hình trong thời gian gần đây, liên tiếp các vụ tài xế công nghệ có hành vi bạo lực với khách hàng được nêu lên như một hồi chuông gióng lên để cảnh báo về thực trạng này.

Mới đây trên trang mạng xã hội, một nữ diễn viên chia sẻ về việc cô bị tài xế xe ôm công nghệ đánh ngất xỉu. Theo chia sẻ của nữ diễn viên này, khi cô huỷ chuyến đi thì tài xế lầm bầm chửi rủa cô và gọi cô là con này, con kia. Do không thể chấp nhận thái độ của tài xế này, nữ diễn viên quay ra chụp biển số xe nhằm báo về tổng đài của hãng thì liền bị nam tài xế lao vào hành hung đến ngất xỉu.

Trước đó, đầu tháng 2/2019, tại TP HCM một tài xế GrabCar cũng bị tố đánh hành khách. Cụ thể, theo lời kể của khách hàng M.K, khi về gần tới nhà tài xế GrabCar này cố tình không dừng ngay địa chỉ anh đã đặt xe, trong khi trời nắng, anh lại có con nhỏ. Vì vậy, hai bên có xảy ra cự cãi và tài xế GrabCar đã hành hung, đánh vào đầu anh MK.

Không chỉ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với hành khách, nhiều tài xế xe “ôm” còn dùng mũ bảo hiểm làm hung khí. Theo chia sẻ của anh Trần Minh Cường (Trà Vinh) cho biết, ngày 12/1/2019 anh có đặt xe từ đường 166 Đặng Chất, quận 8 về 108 đường số 22, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM. Sau đó, tài xế mang biển số xe 59C1 -... của hãng Go-viet đến đón.

Tuy nhiên, đến đường Tạ Quang Bửu, phường 5, quận 8 thì tài xế đã báo đến đúng điểm và yêu cầu khách xuống xe. Khi xem qua ứng dụng thì không đúng địa điểm đặt xe nên anh Cường yêu cầu tài xế chở đến xã Bình Hưng nơi anh cần đến rồi mới trả tiền. Thế nhưng, tài xế liền lấy mũ bảo hiểm đập hai phát mạnh vào đầu khiến anh Cường choáng váng, ngất đi. Anh Cường sau đó được người dân đưa vào bệnh viện để điều trị.

Thiếu hành lang pháp lý

Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng là một nước có tỷ lệ vận tải hành khách bằng xe máy lớn như Việt Nam. Chính phủ Thái Lan đã chính thức ban hành quy định về quản lý xe ôm từ năm 2005, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện điều này.

Các quy định của Thái Lan chủ yếu liên quan đến quản lý ở khâu đăng ký cung ứng dịch vụ, bảo đảm chất lượng dịch vụ và tiêu chuẩn hành vi của lái xe. Người lao động muốn trở thành tài xế xe ôm phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được cấp 1 thẻ hành nghề, đồng thời, khi làm việc phải mặc áo chuyên dụng theo quy định.

Còn tại Việt Nam, vấn đề tạo hành lang pháp lý để quản lý xe ôm vẫn là một vấn đề khó đối với cơ quan chức năng và đang gây nhiều tranh cãi. Việc quản lý xe ôm đã được Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương và nhiều ban ngành đưa ra bàn bạc và lập dự thảo quy định quản lý. Nhưng thực tế, hiện nay các thông tư, quy định cho việc quản lý này vẫn chưa đi vào cuộc sống.

Hầu hết các dự thảo đều vấp phải phản đối bởi lẽ những người hành nghề tài xế công nghệ hầu hết họ là những lao động có thu nhập thuộc diện thấp nhất trong xã hội. Và mọi biện pháp quản lý có thể gây khó khăn cho việc kiếm sống của họ đều bị coi là phản cảm và khó chấp nhận.

Mới đây, TP Hà Nội đưa ra đề xuất xe ôm hành nghề phải có thẻ cũng vấp phải sự phản đối của giới tài xế. Họ cho rằng, thủ tục cấp thẻ gây mất thời gian, gây phiền hà còn dễ phát sinh tiêu cực như "chạy" thẻ, thẻ giả…

Cùng với đó, về mặt pháp lý thì nghề lái xe ôm hay chở hàng cũng giống như người tham gia giao thông thông thường. Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, các giấy tờ lái xe máy cầm theo là bằng lái, giấy đăng ký xe, bảo hiểm. Như vậy, việc yêu cầu cấp thêm thẻ hành nghề xe ôm không nằm trong quy định của pháp luật.

Hành xử thiếu văn minh vì nhiều áp lực?

Nhiều tài xế xe ôm công nghệ tại  TP.HCM chia sẻ: Những hành động của nhiều tài xế trong đội ngũ xe công nghệ quả thật đáng trách, tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, họ có phần đáng thông cảm bởi họ chịu áp lực lớn không chỉ từ % doanh số phải chia cho hãng, còn có áp lực phải thay đổi cách thức phục vụ cho hợp với yêu cầu của dịch vụ này; rồi áp lực không được hủy chuyến, thu nhập phụ thuộc vào từng đánh giá của khách hàng…

Trên một diễn đàn dành cho giới xe ôm công nghệ, nhiều tài xế sau khi bị hãng phạt vì nhắn tin trách móc, chửi khách hàng đã đánh giá xấu cho mình đã chia sẻ, lúc đó vì quá áp lực đã nổi nóng, không kiềm chế được bản thân.

Đọc thêm