Kì thị du khách - vết thương cho ngành du lịch

(PLVN) - Lúc bình thường, du khách là đối tượng được săn đón, là nguồn thu cho các địa phương. Nhưng ở thời bệnh dịch, du khách cũng đi kèm với rủi ro lây nhiễm và bỗng trở thành đối tượng bị né tránh, thậm chí kì thị. Điều này sẽ khiến nhiều quốc gia “mất điểm” về du lịch trên chặng đường dài.
Việt Nam từ nhiều năm nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách phương Tây.
Việt Nam từ nhiều năm nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách phương Tây.

Phân biệt đối xử sẽ ảnh hưởng hình ảnh du lịch Việt

Lo lắng về sự lây lan dịch bệnh khiến người dân trở nên bất an. Tại một số địa phương, đã có thông tin về một vài phản ứng thái quá đối với du khách nước ngoài. Điều này dấy lên nỗi lo ảnh hưởng không nhỏ đến “điểm du lịch” của Việt Nam về lâu dài. 

Thông tin du khách phương Tây bị người dân tẩy chay tại một số địa phương đã rộ lên những ngày gần đây, khi mà Covid-19 đang lan rộng khắp châu Âu. Thái độ khó chịu, phản ứng, tránh né du khách Tây cũng được ghi nhận xảy ra đơn lẻ tại một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng.

Câu chuyện mang hơi hướng kì thị này cũng không hề mới mẻ. Trước đó, khi dịch đang lan rộng ở Vũ Hán, khi mà khách Tây vẫn là đối tượng được chào đón nồng nhiệt, thì du khách Trung Quốc nói riêng và khách nói tiếng Hoa nói chung trở thành đối tượng bị phân biệt đối xử.

Tại Hội An thời điểm ấy, cơ quan chức năng ghi nhận được nhiều trường hợp du khách Trung Quốc phàn nàn mình bị các khách sạn từ chối không cho vào ở, có trường hợp đã đặt phòng trước nhưng bị hủy. Thời điểm dịch bệnh lây lan đến các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, đã ghi nhận có thái độ không hay đối với du khách hai nước này tại một số địa điểm lưu trú và ăn uống.

Sự phân biệt đối xử cũng không chỉ với người ngoại quốc đến từ vùng dịch. Thời điểm Vĩnh Phúc công bố có người từ vùng dịch trở về, có nhiều ca lây nhiễm, một khách sạn tại Hà Nội đã treo biển “Chúng tôi không nhận khách đến từ Vĩnh Phúc”. Khách sạn này sau đó đã nhận phản ứng mạnh của cộng đồng, phải hạ biển và xin lỗi. 

Thực tế, từ trước đến nay, Việt Nam tuy còn một số tồn tại về chất lượng du lịch, nhưng luôn là một điểm đến thu hút du khách toàn cầu bởi thắng cảnh đẹp, ẩm thực phong phú và thái độ thân thiện của người dân.

Dù cho hiện nay, Việt Nam đã hạn chế du khách đến từ các nước châu Âu do tình hình dịch bệnh, nhưng số lượng du khách đã nhập cảnh và còn trong nước là không nhỏ. Sự kì thị, dù là trong thời điểm dịch sẽ ảnh hưởng đến thiện cảm, hình ảnh của du lịch Việt trong lòng du khách quốc tế, gây ra những hệ lụy về sau.

Kì thị đẩy người ta xa nhau

Đã xảy ra một số trường hợp có đối xử phân biệt, phản ứng thái quá đối với du khách trong mùa dịch. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đó vẫn là hiện tượng nhỏ lẻ, thi thoảng khởi phát đây đó. Ở mối lo toan dịch bệnh lây nhiễm toàn cầu, tình trạng kì thị cũng đã diễn ra ở khắp nơi trên trái đất.

Khi dịch mới bùng phát, nhiều khách sạn, nhà hàng tại châu Á và Mỹ, Âu đã có biển “cấm du khách Trung Quốc”. Tại châu Âu, tình trạng kì thị du khách Trung Quốc bùng phát mạnh trước thời điểm dịch bùng phát tại châu lục này.

Du khách Trung Quốc bị từ chối tại một số nơi thời điểm đầu đại dịch.
 Du khách Trung Quốc bị từ chối tại một số nơi thời điểm đầu đại dịch.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, người dân châu Á nói chung chứ không chỉ người Trung Quốc trở thành đối tượng bị phân biệt đối xử tại châu Âu. Một nữ bồi bàn người Việt tại Pháp kể lại, chị đã bị khách từ chối, không cho phục vụ bởi vì là người châu Á. 

Người dân châu Á thường có thói quen khác người Âu, Mỹ, họ đeo khẩu trang khi ra ngoài vào mùa dịch và điều này càng trở thành lý do tăng cao sự kì thị trong cộng đồng các châu lục trên. Le Courier Picard, một tờ báo của Pháp đã đăng bức ảnh một người phụ nữ gốc Á đeo khẩu trang kèm theo dòng chữ "dịch bệnh da vàng" và "cảnh báo da vàng".

Một đoạn video được đăng lên Twitter ngày 4/2, trong đó một người đàn ông tấn công một phụ nữ châu Á đeo khẩu trang tại ga tàu ở Manhattan, New York, văng tục và gọi cô là đồ bệnh dịch.

Và đến nay, châu Âu trở thành tâm điểm dịch bệnh. Nhiều du khách Ý, Pháp, Anh… bỗng chốc trở thành mục tiêu bị né tránh, xúc phạm bởi các đất nước còn tương đối an toàn trong mùa dịch. 

Trên nhiều trang mạng, một số người bình luận của người Việt cho rằng, trước đây người châu Âu kì thị người châu Á, nay đến lượt họ phải nhận những gì đã cho. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản ứng, cho rằng không thể lấy cái sai của người khác để mình cũng sai theo.

Và thực sự, một vài không phải là tất cả. Dịch bệnh gây ra lo lắng, có thể hiểu hành xử một bộ phận người dân khi mà nỗi lo sợ lên đến cực điểm, cộng với tâm lý phân biệt đã tạo nên hành vi tiêu cực. 

Về phần Việt Nam, từ rất sớm, ngành du lịch đã luôn lên tiếng khẳng định không nên có hành vi, thái độ kì thị với bất kì du khách nào. Một số địa phương có hành vi kì thị xảy ra đã được chấn chỉnh kịp thời, nhằm hướng đến việc gìn giữ hình ảnh đẹp cho du lịch Việt Nam.

Sự kì thị đang gây ra những vết thương cho không chỉ ngành du lịch. Thái độ phân biệt đối xử không giúp giải quyết nỗi lo hay vấn nạn dịch bệnh. Giữa cơn bão phân biệt, kì thị, lo lắng, du lịch Việt một khi quyết tâm gìn giữ được hình ảnh thân thiện và đẹp đẽ, đó là sẽ những dấu ấn tốt đẹp giữ chân, khiến du khách tìm đến, một khi mọi sự bình an.

Đọc thêm