Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi, TP HCM): Nghịch lý “có miếng nhưng không có tiếng”

(PLVN) - . Đã hơn 20 năm “đem chuông đi đánh xứ người”, bánh tráng Tân Hoà Đông vẫn chưa chính danh. Còn trong nước, bánh tráng nơi này cũng giật được danh hiệu cao quý về hàng hoá, nhưng vẫn mang tên của một doanh nghiệp xứ người…
 Một góc xưởng của hộ làm bánh tráng tại Củ Chi
Một góc xưởng của hộ làm bánh tráng tại Củ Chi

“Hồn Việt, xác Úc”

Nội dung email của một cô bạn có nick muctim2… viết hồi cuối năm 2018: “Tôi đi Sydney, Úc và được họ chiêu đãi món bánh tráng Củ Chi ngon tuyệt. Đây là loại bánh tráng nhúng vào bát nước ấm rồi cuốn cùng rau, thịt, bún... Lần đầu tiên tôi được thưởng thức loại bánh tráng ngon đến như vậy, mặc dù tôi thường xuyên đi các miền và đã từng ăn bánh tráng Thanh Đa, bánh tráng Tràng Bảng, nhưng không thể sánh bằng bánh tráng Củ Chi tôi đã ăn bên Úc”. 

Vẫn lời người bạn: “Tiếc rằng công ty Grand Continental Food Co. P/L ở Úc (ghi trên nhãn bánh) họ nhập bánh từ Việt Nam nhưng đóng gói tại Úc, vì vậy trên bao bì có ghi là bánh tráng Củ Chi, product of Vietnam, tuyệt nhiên không ghi là nhập từ công ty nào của Việt Nam cả”. 

Vì vậy, người bạn muốn nhờ tôi nếu có thông tin về nơi có thể mua sản phẩm xuất khẩu này, giới thiệu giúp. Cuối email, cô bạn còn viết thêm “chán thế chứ, sản phẩm của nước mình mà mình lại phải gửi mua ở Sydney đem về”. 

Bao bì tuyệt nhiên chẳng thể tìm thấy một dòng chữ nào dù nhỏ nêu bánh tráng được làm từ Phú Hoà Đông, Củ Chi. Chỉ một số trên đống bao bì có dòng chữ “product of Vietnam”. Hoá ra, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài chỉ đến đây đặt hàng và bao bì in tên công ty họ. Còn hồn “bánh tráng Phú Hoà Đông” vẫn chỉ ở trong nước, dù xác đã đi chu du ở bốn cõi

Email này khiến tôi nhiều ngày thấy tiêng tiếc như vừa mất một cái gì. Nhớ hồi mười mấy gần hai chục năm trước, lúc sống chung với hai người bạn sinh viên quê Phú Yên, bánh tráng là một thứ thức ăn để dành, cứu đói cho cả phòng trọ. Thành lệ, bữa khuya là một xấp bánh tráng được bẻ làm tư, nhúng thẳng vào xô nước lã chừng năm giây, cuộn suông, chấm nước mắm mặn ớt thật cay. 

Chẳng rau cỏ, thịt cá để cuốn nhưng cái vị ngọt của gạo, khi nhai vừa giòn và hơi dai cứ ám đầu lưỡi tôi nhiều năm. Bánh tráng của làng Hoà Đa nổi tiếng xứ Phú Yên nhìn cũng lạ, to bằng vành nón lá, dày, đục màu gạo, được buộc ngay ngắn từng xấp, nhét vào bao tải lớn. Ăn thì ngon nhưng chỉ cực cho những những chàng sinh viên nhảy xe đò tha bánh từ quê vào Sài Gòn sau mỗi kỳ nghỉ. 

Làng Hoà Đa cũng gợi lắm tò mò, Tết đến có lúc gần 300 trăm hộ đồng loạt tráng bánh. Theo chân những người tha hương, bánh tráng Hoà Đa đi khắp nơi, ra tận nước ngoài. Ai người ngoài đó cũng khoe như vậy, nhưng khi được nhờ chỉ một chỗ bán giữa đất Sài Gòn, nhiều người ngắc ngứ, lắc đầu.

Xuống chợ Bà Hoa, phường 11, quận Tân Bình, nơi được coi như cái chợ của người miền Trung, cũng chẳng tìm thấy bánh tráng Hoà Đa đâu. Dù nơi này, bày bán đầy rẫy bánh tráng chính gốc các xứ Quảng, Bình Định, Ninh Thuận… 

Người bạn sinh viên năm nọ mách nước: đến quán Phú Yên trên đường Cộng Hoà chắc có, vì đây là một món đặc sản của quán. Nhưng cư dân cạnh quán cũng lắc đầu: Họ dẹp quán mấy tháng rồi, không biết đi đâu.

Hết đường, cậu ta an ủi “để Tết về, em mang cho anh một ít ăn dần”. Không lẽ, bánh tráng Hoà Đa trăm năm tuổi mãi vẫn chỉ là một món quà quê, nằm nặng trên lưng của người đi làm ăn xa, như những cậu học trò trên căn gác trọ hồi tám năm trước?

1400 hộ làm bánh “vô danh” 

Như người mắc nợ vì những dòng email của cô bạn, tôi tìm về xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi, TP HCM, tìm vị cái bánh tráng đi sang Úc. Một chị cán bộ xã tận tình chỉ đường đến gần chục lò làm bánh tráng xuất khẩu sau khi đưa ra hàng loạt con số: Hơn 1.400 hộ làm bánh, mỗi ngày có gần 40 tấn bánh ra thị trường, 80% bánh xuất khẩu…

Không ai còn nhớ tại sao và khi nào người dân nơi đây chọn tráng bánh làm nghề, nhưng bánh tráng đã có hàng trăm năm rồi. Một cụ già nghiệm, Phú Hoà Đông nổi tiếng bánh tráng ngon là do nguồn nước, thế thôi. Bánh tráng nơi đây pha với bột mỳ, mỏng, trắng trong, hơi mềm chứ không dày, đục, cứng như bánh tráng Hoà Đa, phải nhúng thẳng vào nước.

Bánh tráng cuốn, một món ăn không thể thiếu trong đời sống người Nam bộ.
Bánh tráng cuốn, một món ăn không thể thiếu trong đời sống người Nam bộ.

Ngon nhất là bánh tráng nhấp nước, cuốn thịt ba rọi luộc, kèm với gần chục loại rau, chấm nước mắm chua ngọt. Ăn như thế cân bằng giữa gạo – rau - thịt, cá, không sợ chán miệng hay khó tiêu. 

Những năm trước, thương hiệu bánh tráng Trung Tín của ông Út Đuộc có lẽ là cơ sở lớn nhất đất Củ Chi này. Nhìn cơ ngơi hàng chục tỷ đồng, sáu dàn máy tráng bánh, hơn trăm công nhân, mỗi tháng xuất khẩu được 200 tấn cũng đủ thấy sức tiêu thụ bánh tráng Việt mạnh như thế nào. 

Trong khi, hầu hết các lò bánh khác phải nhờ một doanh nghiệp nhà nước để xuất khẩu, người quản lý của doanh nghiệp Trung Tín khoe đã mang bán bánh trực tiếp ra nước ngoài từ nhiều năm nay.

Nhìn dàn máy tráng đều đặn đùn ra một lớp bánh mỏng dài cỡ 2m, vừa khớp với độ dài của cái vỉ tre và cái máy dập khuôn khi bánh khô, người ta hay tưởng tượng đến hình ảnh quen thuộc nhưng sẽ dần xa lạ: Người mẹ ngồi cạnh bếp lò, tay thoăn thoắt tráng và gỡ bánh lên vỉ. Giờ máy làm thay, đẹp và đều tăm tắp. Chiếc máy dập khuôn bánh ra đủ thứ hình vuông, tam giác...theo ý khách, đâu chỉ mỗi hình tròn.

Căn phòng triển lãm của Trung Tín là nơi trưng hàng chục loại bánh tráng đã xuất khẩu đi cả năm châu lục. Trăm cái như một, đều như một cuốn sách. Bao bì sáng choang, sang trọng, ghi tên hàng loạt công ty của nước ngoài và bằng nhiều thứ tiếng, nhưng tuyệt nhiên chẳng thể tìm thấy một dòng chữ nào, dù nhỏ: Bánh tráng được làm từ Phú Hoà Đông, Củ Chi.

Chỉ một số trên đống bao bì có dòng chữ “product of Vietnam”. Hoá ra, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài chỉ đến đây đặt hàng và bao bì in tên công ty họ. Còn hồn “bánh tráng Phú Hoà Đông” vẫn chỉ ở trong nước, dù xác đã đi chu du ở bốn cõi.

Đã hơn 20 năm “đem chuông đi đánh xứ người”, bánh tráng Tân Hoà Đông vẫn chưa chính danh. Còn trong nước, bánh tráng nơi này cũng giật được danh hiệu cao quý về hàng hoá, nhưng vẫn mang tên của một doanh nghiệp xứ người…

Tôi đành lỗi hẹn với cô bạn vì chưa thể tìm ra chính xác cái vị bánh tráng cô đã nếm ở Úc, cũng như tôi sẽ phải chờ sau Tết mới ăn được bánh tráng Hoà Đa. Nhưng tôi tin, thời gian sẽ giúp tôi làm việc này, như thương hiệu bánh tráng Phú Hoà Đông sẽ thành quen thuộc với bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi đâu, chứ không như nỗi xót xa của cô khi ở Sydney. 

Đọc thêm