Liệu có “cơn sốt” áo phao cứu sinh?

(PLVN) - Trong những ngày mưa lũ diễn biến phức tạp ở miền Trung, áo phao cứu sinh là mặt hàng được nhắc đến nhiều nhất. Cầu tăng một cách đột biến khiến cho giá mặt hàng này trên thị trường, có thời điểm, có dấu hiệu bị đẩy lên cao.
Phao cứu sinh đang được các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện đặt mua để chuyển đến miền Trung.
Phao cứu sinh đang được các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện đặt mua để chuyển đến miền Trung.

Giá đã “nhảy múa” 

Áo phao cứu sinh là một trong số những đồ dùng thiết yếu được những nhóm làm công tác thiện nguyện tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế quyên góp hoặc cần mua để ủng hộ trực tiếp cho đồng bào trong  những ngày qua.

Anh Trần Thành Dũng - một người dân sinh sống ở TP Huế khẳng định, thời điểm này, áo phao là thứ cần thiết nhất để có thể đưa những người ở những khu vực ngập lụt đến nơi an toàn. Chính vì thế đến ngày 20/10, tình hình mưa ở các tỉnh Bắc miền Trung có giảm chút ít, nhưng những dòng trạng thái “cần mua gấp áo phao để chuyển vào miền Trung” cũng vẫn được chia sẻ khắp các mạng xã hội.

Do cầu của thị trường tăng nên những ngày gần đây, mặt hàng này trên thị trường đã có hiện tượng “đội” giá gấp vài lần so với mức giá bình thường tại một số đại lý nhỏ lẻ cung cấp mặt hàng này. Chị Nguyễn Thu Dung - một cá nhân đang kết nối mua áo phao để gửi theo xe hàng cứu trợ đi miền Trung cho biết, giá áo “nhảy” liên tục. Cụ thể, sáng ngày 19/10, giá vẫn ở mức 50.000 đồng.chiếc, gần trưa hỏi lại đã lên 80.000/chiếc, chiều lên tận… 120.000 đồng.

“Tôi hỏi vài nơi để xem ở đâu giá tốt nhất để tiết kiệm tiền, mua được số lượng nhiều hơn cho bà con, nhưng chỉ vài tiếng sau đã không còn giá tốt để mua. Nghĩ cảnh đồng bào mình đang dầm trong mưa lũ mà một số nơi lợi dụng để tăng giá trục lợi thì không nên” - chị Dung chia sẻ.

Thậm chí, có người muốn mua nhưng được báo giá lên tới 150.000 đồng/chiếc nên cũng chưa biết xoay sở như thế nào để mua đủ hàng.

“Không nhẽ mình đi thu mượn ở các công viên nước quanh Hà Nội để chuyển vào cho bà con, rồi chờ cơn sốt giá “hạ nhiệt” sẽ mua lại trả sau?” - chị Dung nói. Tuy vậy, phương án này không được thực hiện vì áo phao tại các công viên đều đã cũ, chất lượng sợ không còn đảm bảo trong khi nước lũ miền Trung thì đang hung dữ. 

Theo tìm hiểu của PLVN, trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mặt hàng áo phao cũng được tìm kiếm khá lớn nhưng hầu hết đều ở trạng thái “cháy hàng” hoặc nếu chưa kịp cập nhật thì cũng không còn hàng để đặt vì các gian hàng đều báo “hết” ngay cả khi người mua chưa kịp hỏi về mặt hàng cần mua. Các công ty chuyên cung cấp đồ bảo hộ lao động như Đại An, Inmex cũng ở tình trạng “hết hàng”. 

Phải đặt hàng trước

Chuyển đẩy giá áo phao cứu sinh diễn biến khá nhanh, dường như chỉ trong một thời gian khá ngắn. Theo một số người quan tâm mặt hàng này, khả năng là họ cũng không còn hàng để bán vì mặt nó không phải là hàng hóa mà ai cũng cần nên các cửa hàng chỉ trữ với số lượng vừa phải, khoảng vài trăm chiếc và đã bán hết sạch chỉ sau vài lời kêu gọi. Do đó, chỉ sau một vài ngày cao điểm hôm đầu tuần tình trạng đẩy giá áo phao đã không còn xuất hiện. 

Dường như số cá nhân lợi dụng tình hình lũ lụt để trục lợi cũng không phải nhiều thay vào đó là những nguồn cung cũng sẵn sàng cung cấp hàng đúng giá xưởng để chia sẻ với đồng bào miền Trung. 

Ghi nhận vào hôm 20/10, một số người cho hay, đã cố gắng liên lạc với các gian hàng đăng bán trên các sàn thương mại điện tử để biết đâu có thể có nguồn cung khác thì chỗ nào cũng báo hết hàng do“đầu nguồn hết thì không chỗ nào còn”. Tuy nhiên, nếu đặt thì họ vẫn lấy giá 60.000 đồng/chiếc và có thể cung cấp khoảng 200 chiếc sau 2 ngày.

Những ngày gần đây, giá áo phao cũng dần ổn định nhưng người mua được hẹn lấy hàng sau. Một số nơi, có mức giá cao hơn 5.000 đồng/chiếc, với lý do nhiều nơi đang thiếu hàng ở đầu nguồn cung nên các đại lý cạnh tranh nhau mua, nên một số cửa hàng chấp nhận trả cao hơn một chút để có thể sớm lấy được hàng giao cho các nhóm thiện nguyện mang.

Đại diện Công ty Inmex cho biết, do hàng áo phao cứu sinh không phải là mặt hàng chủ lực của đơn vị nên không sản xuất nhiều mà chỉ sản xuất để bán theo các đơn đặt hàng lớn do đó trong kho hàng cũng không có nhiều, chỉ có vài trăm chiếc đã xuất bán cho các nhóm thiện nguyện và giá cũng ở mức giá ưu đãi hơn so với giá bán ra niêm yết tại xưởng.

Đọc thêm