Lo ngại kỹ năng “khai sinh” tên mới cho hoa quả

(PLO) - Chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội vốn nổi tiếng với việc buôn bán hoa quả, nhộn nhịp từ nửa đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Có mặt từ lúc 12h đêm, phóng viên dạo quanh một vòng quanh khu chợ đầu mối và tận mắt chứng kiến nhiều điều…
Hoa quả đựng trong thùng nhãn mác Trung Quốc nhưng được “khai sinh” nguồn gốc Việt Nam (ảnh do PV chụp tại chợ đầu mối Long Biên).
Hoa quả đựng trong thùng nhãn mác Trung Quốc nhưng được “khai sinh” nguồn gốc Việt Nam (ảnh do PV chụp tại chợ đầu mối Long Biên).

Từ chuyện nhập nhèm ngay tại chợ đầu mối…

Vào vai một chủ buôn hoa quả, PV có mặt tại chợ đầu mối Long Biên lúc tinh mơ, hỏi giá mua các loại quả ở một xe hàng, bà chủ xe tên Tâm nhanh nhẹn giới thiệu: “Hàng nhà mười thùng như mười không phải chọn. Giá cả thì tùy vào nguồn gốc hàng. Nho có 2 loại, một loại 230 nghìn/thùng 10kg, loại hàng đầu có giá 320 nghìn/thùng 10kg; táo Trung Quốc có giá dao động trong khoảng 180 – 250kg/thùng 7kg không tính bì, táo Mỹ có tem giá 1 triệu/thùng quả đỏ mọng bảo quản vô tư. Hay lấy mắc coọc, loại này có xuất xứ ở Hà Giang em nhé”.

Theo quan sát của PV thì thùng hàng nào cũng có chữ Trung Quốc mà sao giá lại chênh nhau quá lớn. Trả lời thắc mắc,  bà chủ xe tên Tâm vừa cười vừa nói: “Đúng là em mới đi buôn nên không biết, hàng ở đây làm gì có hàng Mỹ, toàn  hàng Trung Quốc thôi, còn em lấy về bán gắn tem hàng gì nó thành hàng đấy, muốn lấy hàng nhập khẩu thì tìm đến siêu thị chứ ra chợ này làm gì có”. 

Dừng lại ở một xe hàng bày các loại quả từ na, thanh long có mác Ninh Thuận, chủ xe là anh Hà cho biết: “Tháng này hoa quả phục vụ rằm tháng 7 và Tết Trung thu, hàng Trung Quốc đổ về cũng nhiều hơn, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý. Hàng trong nước tuy đảm bảo chất lượng nhưng mẫu mã không bắt mắt, nhanh hỏng nên rất khó bán”.

Anh Hà chia sẻ thêm kinh nghiệm cho chúng tôi rằng hàng hoa quả Việt, như na, hồng, thanh long tuy giá không cao, lãi ít nhưng buôn về mình còn ăn được, những loại quả kia thì ăn phải chọn, rửa sạch mà chưa chắc đã đảm bảo”. 

Khoảng 6h sáng, chợ đã vãn người, một lượng lớn hoa quả được các tiểu thương trong chợ nhập về bán buôn. 

Đến kỹ năng “khai sinh” tên mới cho hoa quả

Theo quan sát của phóng viên thì các xe hàng đổ ra phố, rồi từ phố theo xe thồ bán dạo khắp ngóc ngách Hà Nội. Vẫn loại nho Trung Quốc có giá hơn 300.000 nghìn/thùng 10kg mua tại chợ Long Biên nhưng đến khi bán lẻ người bán hàng y “quảng cáo” là nho Việt Nam và hét giá 90.000 đồng/1kg. Loại táo có giá 180.000 đồng/thùng 7kg được “chào giá” 60.000 đồng/kg. Khi được hỏi về nguồn gốc loại quả như mắc coọc, những người bán hàng khẳng định là mắc coọc Hà Giang, nho Ninh Thuận nên nhiều người dân tin tưởng vẫn đổ xô vào mua. 

Cách chợ đầu mối Long Biên chưa đầy 3km, những sạp hoa quả xung quanh chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày bán cherry đỏ với giá 550.000 đồng/kg, kiwi: 350.000 đồng/kg. Những chiếc thùng xốp nhãn Trung Quốc vứt đầy trong sạp nhưng chủ sạp hàng vẫn tuyên bố hoa quả nhập khẩu từ… Canada. Với giá nhập từ đầu mối, sau khi “khai sinh” tên mới cho hoa quả tiểu thương tại đây lãi khủng hơn 400.000 đồng/kg cherry. 

Cơ quan chức năng nói gì?

Thực tế là vậy, nhưng khi trả lời với báo chí về hiện tượng này, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Bộ NN&PTNT lại cho rằng, hiện các loại trái cây Trung Quốc vẫn bình thường, không có gì đột biến, thậm chí số lượng có giảm đi hàng năm.

Với việc hàng Trung Quốc đội lốt thành hàng Việt Nam, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Thư ký Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, điều này cho thấy các chủ quầy hàng vi phạm pháp luật, đánh lừa người tiêu dùng.

“Mặc dù trước đó báo chí đã đưa nhiều thông tin hoa quả Trung Quốc tẩm nhiều chất bảo quản nên vỏ đẹp mà ruột hỏng. Tuy nhiên, hiện tại chưa có căn cứ chứng minh hoa quả Trung Quốc có ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó, giá hoa quả Trung Quốc lại rất rẻ, phù hợp với tiêu dùng bình dân, đó là cái khó” - ông Hùng nói.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cho biết việc nhiều loại hoa quả xuất xứ Trung Quốc đang được bày bán tại Hà Nội, TP HCM và nhiều địa phương khác trên cả nước, nhưng được gắn mác hoa quả xuất xứ trong nước là thực tế cần ghi nhận.

Thiết nghĩ, trước thông tin nhiều loại hoa quả Trung Quốc được báo chí vạch mặt việc đội lốt hàng Việt đang được bày bán tràn ngập trên thị trường như: giả nho xanh Ninh Thuận vì thực tế đã hết mùa nho ở Ninh Thuận từ gần 3 tháng nay; giả mận tím, mận xanh Việt Nam khi thực tế mận Việt Nam chỉ có vào tháng 5-6… , các cơ quan quản lý cần vào cuộc kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý thị trường, xử lý các cửa hàng bán hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hoa quả...

Đọc thêm