Lo thiếu hàng khi thịt lợn liên tục tăng giá

(PLVN) - Giá lợn hơi ở miền Bắc tiếp tục xác lập những kỷ lục mới khi cục bộ vài nơi đã đạt 77.000 - 78.000 đồng/kg; trong khi giá lợn hơi ở miền Nam đã tiệm cận mức giá 70.000 đồng/kg. Mức tăng này khiến thương lái, tiểu thương kinh doanh mặt hàng này lo lắng…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dự báo khan nguồn cung 

Theo khảo sát của phóng viên, giá lợn hơi hôm 13/11 ở các tỉnh miền Bắc tăng mỗi ngày, thậm chí sáng một giá nhưng chiều đã mức giá cao hơn. Hiện giá lợn hơi đã gần chạm đến ngưỡng 80.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá lợn hơi ở một số địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã đạt 77.000 - 78.000 đồng/kg; tại Hà Nội giá cũng 75.000 - 76.000 đồng/kg; Tại Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Sơn La…, giá quanh mức 75.000 - 76.000 đồng/kg. 

Anh Nguyễn Văn Thái (Chủ một trang trại lợn khoảng 800 con tại thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) cho biết, dù giá tăng cao nhưng thương lái vẫn đi lùng mua và không có lợn xuất chuồng để bán. Trong vòng 1 tuần, riêng lợn giống anh Thái đã bán tăng gấp 2,5 lần so với cách đây 2 tháng, khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/con.

Tại chợ dân sinh, giá các mặt hàng thịt lợn hiện cũng đang tăng mạnh. Ghi nhận tại chợ đầu mối Yên Xá (Thanh Trì, Hà Nội), giá các loại thịt ba chỉ, chân giò, thịt mông, vai đã tăng lên mức 130.000 -140.000 đồng/kg; giá thịt nạc thăn, sườn tăng lên 150.000 đồng/kg. Trong khi đó, ngày 13/11, Công ty Chăn nuôi CP lại tiếp tục tăng giá lợn hơi thêm 1.000 đồng/kg nên chắc chắn mức giá 75.000 - 76.000 đồng/kg sẽ phổ biến, thậm chí nhiều nơi xuất hiện mức giá 77.000 - 78.000 đồng/kg.

Do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, gần 6 triệu con lợn bị tiêu hủy đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung từ các hộ chăn nuôi. Trong khi đó, nguồn cung từ các công ty lớn cũng rất cầm chừng. Nhiều DN chỉ ưu tiên bán cho khách quen và dành hàng cho cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán đang cận kề. Theo nhiều dự báo, khả năng giá lợn hơi sẽ chạm mốc 80.000 đồng/kg chỉ trong tuần này và sẽ nhanh chóng vượt qua mốc này vào cuối tháng bởi nguồn cung đang cực kỳ khó khăn.

Không loại trừ thổi giá

Tương tự, giá thịt lợn tại miền Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng liên tục tăng. Cụ thể, tại Đồng Nai, giá lợn hơi đã chính thức chạm ngưỡng 70.000 đồng/kg, trong khi tại Bình Dương, giá lợn hơi cũng ghi nhận tăng 11.400 đồng/kg so với tháng trước, ở mức 64.000 - 65.000 đồng/kg; giá thịt thành phẩm tăng 10.000 đồng/kg; sườn non 145.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn 150.000 đồng/kg…

Tại nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL, giá lợn hơi cũng đạt 67.000 - 68.000 đồng/kg, giao dịch vô cùng sôi động. Hiện nhiều trại chăn nuôi không còn lợn để bán hoặc “neo” lại để chờ giá tăng thêm nên thương lái nâng giá thu mua lên để có hàng phục vụ giết mổ.

Theo nhiều DN và tiểu thương kinh doanh, giá lợn hơi tại ĐBSCL dự báo còn tăng do lợn hơi tại nhiều tỉnh, thành ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc hiện vượt lên mức trên 70.000 đồng/kg và đang có sự dịch chuyển nguồn cung lợn hơi từ nơi có giá thấp sang nơi có giá cao. 

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), có nhiều nguyên nhân đẩy giá lợn hơi trên thị trường tăng chóng mặt nhưng cũng không loại trừ khả năng có hiện tượng thổi giá.

Ông Dương nhận định, giá lợn hơi tăng đột biến không phải là nguyên nhân đến từ nguồn cung, mà do vấn đề lưu thông. Trong 63 tỉnh, thành chỉ có 9 tỉnh là vượt trên giá 70.000 đồng/kg, còn đa số đang biến động ở mức từ 58.000 - 65.000 đồng/kg.

Ông Dương cũng lý giải thêm, thương lái, đặc biệt là tại một số địa phương, các lò mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được nguồn cung thịt lợn, nhất là từ các DN lớn cũng khiến giá tăng cao. "Ngoài vấn đề lưu thông, không loại trừ hiện tượng các thương lái nhân cơ hội này thổi giá để trục lợi"- đại diện Cục Chăn nuôi nói.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề giá lợn hơi tăng dẫn đến nguy cơ thiếu thịt cho những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã họp và chỉ đạo tập trung xử lý, xác định rõ 3 nguyên tắc: Trước hết là bảo đảm an toàn dịch bệnh, không để bung ra dịch bệnh; Thứ hai, phải tổ chức sản xuất theo chuỗi; Thứ ba, phải có thị trường chứ không thể sản xuất ồ ạt một lúc. Trước khả năng dự báo thiếu thực phẩm, Bộ trưởng khẳng định sẽ tập trung bằng cách tăng sản lượng ngay tại thời điểm này để cân đối đảm bảo không khủng hoảng thiếu thực phẩm.

Đọc thêm