Loay hoay quản lý taxi công nghệ và truyền thống

(PLO) - Sở GTVT Hà Nội vừa thông báo danh sách các tuyến phố cấm taxi hoạt động nhằm giảm ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Cấm taxi hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6h30 - 8h30, chiều từ 16h - 19h) hai tuyến đường Mai Xuân Thưởng và Hoàng Hoa Thám; Cấm giờ đối với xe taxi hoạt động buổi sáng từ 6h - 9h đi qua cầu Chương Dương hướng từ bên Nguyễn Văn Cừ về Trung tâm Hà Nội; Cấm giờ đối với xe taxi hoạt động tại nút giao Mai Dịch -Nguyễn Cơ Thạch đến Hồ Tùng Mậu từ 6h - 20h hàng ngày; Hướng dẫn đi từ Phạm Hùng - Mễ Trì - Lê Quang Đạo - Lê Đức Thọ - Trần Hữu Dực - Nguyễn Cơ Thạch… Nhiều tuyến đường khác cũng cấm xe taxi đi một chiều, nhưng xe uber, grab vẫn… chạy thoải mái.

Một tài xế hãng xe Hương Lúa, chia sẻ: “Quản lý như vậy có công bằng không, khi chúng tôi thì không được đi, còn xe uber đang bùng nổ về số lượng thì lại được đi thoải mái? Thành phố nên có cách quản lý hợp lý hơn”.

Trước việc này, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng: Tại các tuyến đường đang cấm taxi cũng bổ sung biển báo phụ cấm cả xe hợp đồng tương tự taxi (Grab, Uber). Hiệp hội và nhiều tài xế taxi cho rằng taxi không được đi vào các tuyến phố cấm nên Uber, Grab “được đà” tăng giá cước rất cao (khoảng 20.000-25.000 đồng/km). “Tăng giá thì chính người dân chịu thiệt nhất khi không có lựa chọn thay thế”, một tài xế taxi chia sẻ.

Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng dẫn lý do kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đang tồn tại nhiều bất cập. Đó là việc không giới hạn số lượng đơn vị và lượng xe tham gia thí điểm. Do đó gây nên sự bất bình đẳng đối với lái xe taxi. Văn bản kiến nghị nêu: “Việc thành phố tiếp tục tăng cường thêm các tuyến đường, phố cấm taxi rất dễ trở thành giọt nước tràn ly khi sự bất bình của các lái xe taxi hiện nay đã lên rất cao”.

Về vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho rằng, taxi là một loại hình vận tải công cộng, bởi nó phục vụ việc đi lại của tất cả người dân. Do đó, quan điểm của tôi là nên cân nhắc kỹ việc cấm taxi đi vào một số tuyến đường vì bản chất việc di chuyển của taxi không gây ra ùn tắc. Taxi chỉ gây ra ùn tắc nếu dừng đỗ, đón trả khách không hợp lý. Vì vậy, chỉ cần cấm dừng đỗ tại các tuyến đường này chứ không nên cấm taxi đi vào. Nếu thực sự vì các xe đi vào một tuyến phố nào đó mà gây tắc đường thì địa phương nên cấm một cách bình đẳng, nghĩa là cấm xe taxi thì cũng phải cấm cả xe hợp đồng dưới 9 chỗ.

Để bớt sự thiếu công bằng, theo Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, nếu taxi “kêu” về việc bị bất công, cơ quan quản lý phải nghiên cứu, nếu thấy “kêu” đúng thì cần giảm bớt các ràng buộc cho taxi.

Chưa hết, thời gian vừa qua, một số nội dung trong Dự thảo Quy chế quản lý taxi Hà Nội như phân vùng hoạt động, thống nhất 1 màu sơn và đấu thầu quyền khai thác đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều đơn vị không đồng tình, với lý do làm vậy sẽ khó nhận diện các hãng taxi với nhau, ảnh hưởng đến thương hiệu, gò bó. Dự kiến việc thống nhất một màu sơn sẽ được thực hiện vào năm 2025.

Suốt mấy năm qua, không ít sự việc liên quan đến chuyện taxi truyền thống phản đối xe Uber. Trong đơn gửi lên Bộ GTVT và các bộ, ngành có liên quan, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: “Trong những ngày vừa qua trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện các băng rôn được dán trên kính hoặc sau xe taxi có nội dung: Yêu cầu Bộ GTVT dừng thực hiện thí điểm Quyết định số 24; 50.000 xe thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỷ đồng nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ đồng. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”.

Theo thống kê của Hiệp hội, sau 9 tháng đầu năm 2017 với sự xuất hiện của Uber, Grab, xe hợp đồng đã nhanh chóng chiếm thị phần. Nhiều người lao động (lái xe taxi) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với các hãng taxi; thị phần khách sử dụng dịch vụ taxi bị giảm đáng kể; người lao động trong các doanh nghiệp này thực tế thu nhập giảm sút, đời sống gặp khó khăn… Tuy nhiên, phía Hiệp hội cũng khuyên các hãng taxi thành viên của Hiệp hội hãy bình tĩnh kiềm chế trước những vấn đề đang diễn ra và biết chờ đợi Bộ GTVT sơ kết, có kết luận thí điểm ứng dụng công nghệ mới này. Cho phép hoạt động hay dừng hoạt động đối với vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử; không nên có những thái độ tạo ra phản cảm trong xã hội.

Việc quản lý hoạt động vận tải của taxi truyền thống, Uber, Grab cần được triển khai linh hoạt, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bởi thế rất cần những khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng từ phía các cơ quan chức năng, để từ đó đưa ra các quy định quản lý hiệu quả.  

Đọc thêm