Lối sống xanh đang thay đổi "diện mạo" của du lịch Việt Nam

(PLVN) - Sau 2 đợt dịch Covid-19, hình thái của du lịch bền vững ngày càng được khẳng định rõ ràng hơn. Du lịch kiểu xô bồ, “ăn xổi” không thể đem lại những hiệu quả về mặt lâu dài. Các tỉnh thành, điểm đến ở Việt Nam đang dần “thấm nhuần” lối suy nghĩ này, từ đó thay đổi “diện mạo” cho du lịch địa phương.
Các điểm du lịch xanh- sạch- đẹp sẽ thu hút du khách trong và ngoài nước.
Các điểm du lịch xanh- sạch- đẹp sẽ thu hút du khách trong và ngoài nước.

Thành phố biển Vũng Tàu “khoác áo mới”

Nhận thức được nhu cầu du lịch xanh,  UBND thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã triển khai chương trình “Chung tay vì môi trường sống xanh, xạch, đẹp”. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của người dân và du khách về bảo vệ môi trường, từ đó có hành động thích hợp. 

Theo đó, các nhà đầu tư du lịch thành phố biển Vũng Tàu đưa ra chiến lược kinh doanh mới hướng đến du lịch xanh, nghĩa là tập trung vào du lịch sinh thái và môi trường để hút khách thăm quan trải nghiệm. Các công trình xanh và các sản phẩm du lịch dựa trên môi trường nhưng không phá huỷ môi trường thiên nhiên ngày càng được chú trọng.

Trên thực tế, ý thức bảo vệ môi trường gần như đã trở thành tiêu chí đầu tiên để đánh giá mức độ khả thi của một dự án trước khi được triển khai, tức là nhà đầu tư phải đánh giá được các tác động đối với môi trường để đưa ra các giải pháp thay thế phù hợp. 

Chẳng phải tự nhiên mà Vũng Tàu đang được đánh giá là “cửa ngõ du lịch xanh của khu vực Nam Bộ”. Tại đây, có đủ các trải nghiệm từ lặn tắm dưới làn nước biển trong xanh, đi bộ trên nền cát sạch sẽ, đi thuyền trên sông Dinh, tham quan rừng mù u nguyên sinh đến các trải nghiệm truyền thống như nghỉ dưỡng, giải trí… 

Điều đáng nói ở đây là chính quyền địa phương đã “tân trang” cho hàng loạt các tuyến đường phố bằng các dải cây xanh để thanh lọng không khí. Hàng trăm công trình nhà cửa, cao ốc được chỉnh trang sơn mới. Công tác quản lý và vệ sinh môi trường ở các bãi biển có nhiều hoạt động thiết thực như: đổi rác lấy quà ở thị trấn Phú Mỹ, Mỹ Xuân; chợ không xả rác ở chợ mới Vũng Tàu; doanh trại không rác thải nhựa ở Lữ đoàn 171 Vùng 2; làm cho đại dương xanh hơn, sạch hơn ở 14 nhà giàn DK1 và tàu trực trên biển; chung tay cho sông biển sạch hơn tại các nhà hàng ở Làng bè Long Sơn...

Đây chính là sự quyết tâm của chính quyền và cộng đồng địa phương để mang lại những “hơi thở mới” trong du lịch. Không còn xô bồ ồ ạt, người dân và du khách sẽ được hưởng lợi từ một môi trường trong sạch cũng như một hệ sinh thái phong phú. 

Xử phạt nặng những hành vi “ăn xổi”

Không chỉ góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu bởi hoạt động của con người, du lịch xanh có tiềm năng thu hút được phân khúc du khách tầm cao cả trong và ngoài nước. Trước giai đoạn Covid-19, có thể thấy, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có xu hướng chọn các tour, các khách sạn, khu du lịch và các dịch vụ, hàng hóa bền vững, có nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường. Điển hình là khách đến từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc. 

Theo nghiên cứu của Tổ chức SNV của Hà Lan, 52% du khách có xu hướng thích đặt tour qua các hãng lữ hành được chứng nhận có điều kiện làm việc tốt, tham gia bảo vệ môi trường và hỗ trợ hoạt động từ thiện ở địa phương.

Nghiên cứu của Tổ chức Trip Advisor cho thấy, 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường và cho các lựa chọn du lịch bền vững (WEF), 50% du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn (CESD và TIES). 

Đến nay, thói quen và nhu cầu này vẫn không thay đổi, thậm chí du khách có ý thức và nhu cầu cao hơn hẳn về an toàn và sức khoẻ sau nhiều “cú bồi” của đại dịch Covid-19. Như vậy, tăng cường tính “xanh” trong du lịch là nhu cầu tất yếu. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng phải áp dụng các chế tài xử phạt phải nghiêm minh mới đủ để răn đe xã hội, không chỉ dừng ở hô hào.

Đó là trường hợp của một quán cafe ở Vũng Tàu hồi tháng 9/2020 để nhân viên vứt nhiều bao rác to xuống biển. Hình ảnh đó đã nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội và bị cộng đồng lên án, tẩy chay. Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Vũng Tàu đã lập biên bản xử phạt ba nữ nhân viên mỗi người 5 triệu đồng, chủ quán cà phê cũng bị đề xuất phạt 20 triệu đồng, đồng thời đề nghị thu hồi giấy phép đã cấp hồi tháng 5/2020.

Mặc dù, các nhân viên quán này cho biết các bao rác từ biển dạt vàobờ kè vào buổi sáng cùng ngày nên họ đã “trả lại biển” đống rác thải đó, mỗi bao chừng 20 kg là chai nhựa, lục bình, đước, vỏ xốp..., thay vì thu gom và xử lý rác một cách văn minh. Sau đó, quán cafe này đã phải nhận hành vi xả rác của mình là “'thiếu ý thức, phản cảm, gây ô nhiễm môi trường”.

Dẫu biết thay đổi không chỉ ngày một ngày hai nhưng có thể thấy thái độ của cộng đồng ngày càng gay gắt và khắt khe hơn với các hành vi gây ô nhiễm, tàn phá môi trường. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ cao nhất thế giới với 3.260km, và cũng là đất nước có tới 2.360 dòng sông lớn, nhỏ.Chỉ cần vứt vỏ một chai nước trên con sông ở những tỉnh miền núi xa xôi như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, hay Đắk Lắk, Kon Tum… thì cuối cùng chúng cũng “tìm đường” ra biển.

Chiến lược xanh để bền vững

Trước thành phố biển Vũng Tàu, một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã có sự phát triển du lịch xanh. Đơn cử, một số tỉnh Tây Bắc, Quảng Bình, Nghệ An… phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang phát triển du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn; Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển du lịch xanh gắn với nông nghiệp sạch; Hội An xuất hiện tour chèo thuyền kayak với rác trên sông Thu Bồn….

Và nhiều sáng kiến xanh khác được triển khai, gặt hái được thành công, trở thành “điểm bán” của các khu du lịch, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. Ví dụ, nhà hàng Sapo Hội An trong 5 năm qua đã chuyển đổi khoảng 300 lít dầu ăn đã qua sử dụng thành xà phòng nhà bếp, thay vì thải trực tiếp ra môi trường.

Khu nghỉ Six Senses Côn Đảo kết hợp với vườn quốc gia Côn Đảo đã phục hồi nhiều bãi đẻ và thực hiện bảo tồn rùa. Khu nghỉ dưỡng An Nhiên Farm đã tái chế khoảng 300kg xà phòng dùng một lần; 1,5 tấn vải trắng đã qua sử dụng thành các sản phẩm hữu ích từ năm 2018 đến nay… Càng nhiều công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch xanh; càng nhiều khách sạn đạt được nhãn Bông Sen Xanh.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã và đang chuyển đổi theo hướng du lịch xanh như: mô hình tiết kiệm điện năng, ứng dụng năng lượng gió, mặt trời; sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu tự nhiên; tiết kiệm nước tại các cơ sở lưu trú; phân loại rác ngay từ khi tiếp nhận rác, chế biến rác thải, xử lý nước thải; giảm thiểu tiêu hao xăng, dầu trong giao thông, trong tiêu dùng, an toàn vệ sinh thực phẩm… hoặc khuyến khích các chương trình bảo tồn và truyền bá văn hóa dân gian, dân tộc trong phát triển du lịch. 

Có thể thấy, khách du lịch thế hệ mới sẽ là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường sau rất nhiều nỗ lực của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới về việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Đại dịch Covid-19 đã trở thành một dấu mốc lịch sử quan trọng đối với ngành du lịch khi những cũng từ “tắc nghẽn”, “ồ ạt”, “xô bồ”, “đông đúc” không còn dành cho du lịch nữa. Thay vào đó, tất cả các nhà hàng, khách sạn, điểm đến, tàu, xe, … đều phải xác định lại chiến lược “xanh để tồn tại”, “xanh để bền vững” nhằm vực dậy và tái phát triển ngành công nghiệp không khói.

Với các điểm đến gần gũi với thiên nhiên, con người tìm được về với cội nguồn cũng như nét văn hóa đặc sắc địa phương, hít thở bầu không khí trong lành sạch sẽ, không bệnh dịch. Những chuyến du hành dẫn dắt các trải nghiệm du lịch xanh sẽ góp phần thúc đẩy xu hướng mới cho dòng khách du lịch thân thiện với môi trường.

Điều này đòi hỏi các chính quyền địa phương, doanh nghiệp phải thay đổi từ thói quen đến tư duy làm du lịch từ trước đến nay, và bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất để vừa bảo vệ môi trường, vừa phát triển du lịch.

Đọc thêm