Lừa đảo 'đa cấp' đang bủa vây cổng trường đại học

(PLO) - Dù các công ty, các chiêu “đa cấp” đã bị phanh phui nhưng hoạt động lừa đảo, với những chiêu dụ “gà” vào tròng vẫn tiếp diễn tại cổng các trường đại học. Đến hẹn lại lên cứ đến mùa tựu trường, khi những tân sinh viên chân ướt chân ráo, còn lạ lẫm với cuộc sống mới thì hoạt động lừa đảo đa cấp lại hoạt động mạnh hơn bao giờ hết...
Nhan nhản các chiêu “dụ dỗ” tân sinh viên (Ảnh minh họa).
Nhan nhản các chiêu “dụ dỗ” tân sinh viên (Ảnh minh họa).

Dụ bằng được thì thôi

Dọc theo tuyến đường Xuân Thủy nối liền từ Đại học (ĐH) Quốc gia - Sư phạm-Báo chí không ít những toán người chủ động chặn đường, tiếp cận dưới nhiều hình thức: “Nhìn bạn quen quá, bạn có phải là.... có phải bạn là bạn của ... không? Chúng mình hình như đã gặp nhau rồi thì phải, nhìn bạn đẹp trai quá bạn có thể cho mình một chút thời gian được không?”... Nhiều cá nhân còn chủ động giới thiệu bản thân là thành viên của một công ty với nhu cầu tuyển dụng nhân sự với nhiều ưu đãi hấp dẫn về “lương, thời gian, cơ hội”.

Nhiều sinh viên nhận ra sự lừa đảo muốn tránh trò lừa bịp lập tức bị bám riết không thôi, thậm chí còn bị chúng ngang ngược chặn đường. Một số nổi đóa trước những hành động của nhân viên bán hàng đa cấp mới có thể thoát thân. 

Các chiêu cũ lôi kéo bạn bè, tư vấn công việc với các sản phẩm đặc thù của công ty... là những hình thức được sử dụng phổ biến trước đây đã không còn hiệu quả. Thế nên, thời gian gần đây, các “đàn anh” đa cấp đã thay những vỏ bọc mới đánh vào lòng tin và nhu cầu thiết yếu của nhiều sinh viên: kĩ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, sử dụng tin học thành thạo, định hướng về nghề nghiệp là những điều thiết yếu với sinh viên.

Ngoài việc lấy tư cách là những người tham gia hội thảo, hoạt động đa cấp còn biến tướng dưới nhiều hình thức: nhân viên đa cấp đóng vai là những người tuyển dụng lao động; chủ cửa hàng, công ty đang cần tuyển nhân viên bán hàng trong 1-2 ngày khuyến mại; bán hàng từ thiện mua đồ với mức giá cao ngất ngưởng. 

Bạn Ngô Thị Ngọc M... sinh viên năm nhất ĐH Sư phạm Hà Nội nhớ lại: “Vào chiều tối hôm đó khi đang đứng trên cầu vượt cổng ĐH Quốc gia, có một chị tên Huế ra bắt chuyện với em. Chị hỏi tên, tuổi, quê quán, học năm mấy và học trường gì? Khi bắt chuyện chị lập tức hỏi thời gian mai em có rảnh không, bên chị có một buổi gặp gỡ giao lưu sinh viên trao đổi những kĩ năng và mong em sẽ tham gia.

Vì tò mò em cũng nhận lời, để lại số điện thoại  và hẹn 8h sáng tại cổng Học viện Báo chí và Tuyên truyền chị ấy sẽ đưa em đến nơi diễn ra địa điểm giao lưu".

Mới ngồi vào ghế, nhanh chóng em được mọi người làm quen và giới thiệu cơ hội việc làm: “Chỉ với số tiền 13 triệu em sẽ được tham gia vào hoạt động kinh doanh của công ty, đảm bảo trong vòng một tháng em sẽ hoàn lại được vốn. Em trả lời “Không có nhiều tiền như thế” họ lập tức mách nước cho em có được số tiền đó để tham gia: “Em có thể xin tiền bố mẹ học một khóa tiếng Anh”. - M cho biết.

"Em không đồng ý và nói sợ bố mẹ, họ lập tức mách nước thứ hai: “Em có thể vay mượn bạn bè”, em trả lời rằng bạn bè em cũng như em, làm gì có nhiều tiền như vậy. Họ tiếp tục bày cách “Một bạn bè không đủ em có thể mượn của nhiều người rồi cũng đủ”.

Em không đồng ý chúng bày ra nước đi cuối: “Bên anh có một gói hỗ trợ sinh viên, em chỉ cần kí, bỏ lại đây cho anh thẻ sinh viên và chứng minh thư là được, khi hỏi về lãi họ trả lời chỉ tầm 100 nghìn một tháng.

“ Em yên tâm mỗi tháng em có thể kiếm được ba bốn chục triệu sẽ sớm trả nợ được thôi”. Nhận thấy sự bất thường em kiên quyết không đồng ý tham gia, nhưng em thấy có rất nhiều bạn sinh viên như em đã chấp nhận và tham gia, có lẽ vì hoàn cảnh mà các bạn đã tin vào những lời mời có cánh đó” – M. kể

“Bạn có thương bố mẹ không?”

Còn nhớ hồi sinh viên năm nhất, mới ra Hà Nội học, khi ấy tôi còn lạ nước, lạ cái... dù cũng được anh chị cảnh báo trước nhưng bản thân vẫn bị “đưa vào động đa cấp”. Hồi ấy còn lạ lẫm, tôi được một đứa bạn cấp ba rủ đi làm một công việc làm thêm rất thú vị. Tôi thắc mắc và hỏi đó là công việc gì thì nó lại úp mở không  trả lời và nói “mai đến sẽ biết, anh em thấy tốt tôi mới rủ ông đi làm cùng”. 

Đó là một căn phòng khá rộng nằm trên tầng hai của một tòa nhà lớn trên đường Hoàng Quốc Việt, trong diện tích khá rộng lớn của căn phòng có rất nhiều bạn trẻ nom lịch sự, bảnh bao túm tụm tại nhiều bàn tròn, kiểu đang bận rộn bàn bạc về công việc. Người bạn nhanh chóng đưa tôi đến một chiếc bàn nằm ở góc căn phòng và giới thiệu tôi với mọi người.

Sau những lời chào, những cái bắt tay, họ nhanh chóng giới thiệu công việc mà đứa bạn  tôi đã giới thiệu. Hàng loạt ưu đãi và cơ hội đặt ra trước mắt tôi được nhân viên đa cấp giới thiệu: từ việc nhàn hạ, thời gian thoải mái, chiến lược phát triển tiềm năng của công ty, một tháng bạn có thể kiếm được hàng chục triệu....

Tôi lắc đầu, ngay lập tức chúng dùng những chiêu khích tướng khi đưa ra một ngàn  lí do, lời gạ gẫm: Bạn có muốn kiếm nhiều tiền để bằng bạn bằng bè không; bạn có thương bố mẹ không, bố mẹ nuôi bạn mười hai năm vất vả bây trời có cơ hội kiếm tiền tự lập sao bạn không thử...?

Trước lời khước từ tham gia của tôi bọn chúng tỏ ra thất vọng và nói những bằng chứng cho hay sự uy tín của công ty: “Chắc bạn không tin chúng tôi, bạn phải biết công ty đã từng được Phó Chủ tịch nước trao bằng khen, và chỉ lên tấm bằng khen được treo ngay trong phòng. Nếu là hoạt động lừa đảo thì sao công ty có thể hoạt động đường hoàng trên một ngân hàng lớn dưới tầng một...” ?

Là thành viên của công ty, cũng có nghĩa là bạn mang gánh nợ trị giá hơn tám triệu, đổi lại bạn được một bộ sản phẩm thông dụng, rẻ tiền: kem đánh răng, nồi cơm, và một số thực phẩm chức năng của công ty phân phối. Khi đã nợ tiền sẽ khiến bạn hoảng sợ và tìm mọi cách để trả nợ: vay mượn, trộm cắp, lừa đảo... và nhiều nỗi đau, hệ lụy khác, một bạn trẻ chia sẻ.

Hiện một số trường ĐH đã có văn bản, cảnh báo, nhắc nhở sinh viên tránh bị chiêu dụ vào mớ bòng bong đa cấp. Theo PGS.TS Trần Thu Hương - Phó Chủ nhiệm Khoa Tâm lý, ĐH Quốc gia Hà Nội thì các bạn trẻ nên tỉnh táo khi chọn việc để không bị sập bẫy các công ty bán hàng đa cấp: “Thiếu kinh nghiệm, thiếu thông tin và bị mê hoặc với những giấc mộng làm giàu, xong buổi họp cảm thấy như mình đã tìm ra con đường đổi đời, từ đó quyết định ký kết, cầm cố giấy tờ để kinh doanh”.

Đọc thêm