Lụa Trung Quốc “đội lốt” lụa Việt Nam: Sụp đổ một thương hiệu?

(PLO) - Trước việc bị khách hàng phát hiện sản phẩm mang thương hiệu “Khaisilk” có cả mác “Made in China”, ông chủ của Khaisilk đã thừa nhận có nhập vải của Trung Quốc để kinh doanh. Vụ việc đã được Bộ Công Thương nhanh chóng vào cuộc.
Cửa hàng của Khaisilk trước thời điểm việc giả mạo nguồn gốc, xuất xứ khăn lụa bị phát hiện
Cửa hàng của Khaisilk trước thời điểm việc giả mạo nguồn gốc, xuất xứ khăn lụa bị phát hiện

Hôm qua (26/10), Văn phòng Bộ Công Thương đã có Công văn “khẩn” truyền đạt ý kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về vụ việc liên quan đến xuất xứ hàng hóa của Tập đoàn Khaisilk gửi Cục Quản lý thị trường (QLTT) và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.

Nội dung công văn đề nghị hai cơ quan trên phối hợp kiểm tra, xem xét nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa tại Tập đoàn Khaisilk; nếu phát hiện vi phạm liên quan đến hàng nhái, hàng giả thì hai đơn vị trên đề nghị Bộ hướng xử lí. Đề nghị Cục QLTT  khẩn trương báo cáo Bộ trưởng trước ngày 28/10.

Ngay sau khi có chỉ đạo khẩn trên, ngay trong cùng ngày, Cục QLTT đã phối hợp với một số đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh của Tập đoàn Khaisilk tại địa chỉ số 113 Hàng Gai (Hà Nội). Theo thông tin PLVN nắm được, các đơn vị chức năng đã lập biên bản, kiểm tra và tạm giữ khoảng 50 sản phẩm vải lụa (trị giá khoảng 30 triệu đồng) có bán tại cửa hàng. Ngay sau khi kết thúc kiểm tra thì cửa hàng 113 Hàng Gai đã đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.

Trước đó, vào ngày 17/10, đại diện một công ty đã mua lô khăn lụa Khaisilk (kích thước 50cm x 50cm, giá 644.000 đồng/chiếc) tại 113 Hàng Gai để đi biếu đối tác nước ngoài. Sau khi mua, khách hàng kiểm tra thì phát hiện một chiếc khăn nhưng gắn hai nhãn mác là “Khaisilk - made in Việt Nam” một nhãn in là “Made in China”.

Ngay sau đó, điều bất thường tại lô sản phẩm khăn lụa trên đã nhanh chóng lan truyền trong xã hội. Trước áp lực của dư luận, Chủ tịch của Tập đoàn này là ông Hoàng Khải đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận các sản phẩm vải lụa của đơn vị này được nhập một phần từ Trung Quốc. Doanh nhân này cho rằng, ngoài 50% vải lụa có xuất xứ Việt Nam thì 50% còn lại do đơn vị này nhập từ Trung Quốc. Ông Hoàng Khải cho biết, từ khi mở rộng địa bàn và lĩnh vực kinh doanh, bản thân ông không thể quản trị hết các mảng, trong đó mảng vải lụa không được ông chú ý, dù mảng này mang lại thương hiệu cho Tập đoàn.

Đặc biệt, người tiêu dùng không khỏi “choáng váng” khi người đứng đầu thương hiệu Khaisilk thừa nhận, việc nhập vải Trung Quốc đã được đơn vị này thực hiện từ những năm 90. Khi đó ngành vải lụa Việt Nam suy thoái, đơn vị không tìm được nguồn hàng trong nước phù hợp.  Ông Khải cam kết sẽ thu hồi các sản phẩm xuất xứ Trung Quốc nếu khách hàng yêu cầu đổi trả, đồng thời bồi thường hợp lí cho khách hàng. 

Thương hiệu lụa Khaisilk ra đời vào những năm 1980 tại Hà Nội, nhằm vào phân khúc cao cấp vì một chiếc khăn đã có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Thế nhưng, việc doanh nghiệp này thừa nhận sử dụng vải Trung Quốc rồi dán mác Khaisilk đã khiến nhiều khách hàng thất vọng. Dư luận đang chờ đợi kết quả kiểm tra của Cục QLTT, đồng thời có hình thức xử lí nghiêm khắc đối với hành vi giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Cty Luật Hợp danh Thiên Thanh, Hà Nội) thì cho rằng, trường hợp nhập vải lụa Trung Quốc về rồi dán mác Việt Nam để bán giá cao gấp nhiều lần có biểu hiện của việc lừa dối khách hàng. Tùy mức độ, hành vi này có thể xử lí hành chính hoặc hình sự.

Đọc thêm