Lực lượng Quản lý thị trường “tung quân” chặn dịch tả lợn châu Phi lan vào Nam

(PLVN) - Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tại các tỉnh đang làm việc 24/24h để sẵn sàng chống dịch. Đặc biệt, theo chỉ đạo của Tổng cục, tại Quảng Bình - chốt chặn quan trọng ngăn không cho dịch lan vào Nam, lực lượng này thường xuyên có mặt trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh để phát hiện, xử lý kịp thời.
Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng thú y tham gia vào tất cả các chốt kiểm soát phòng chống dịch
Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng thú y tham gia vào tất cả các chốt kiểm soát phòng chống dịch

Tập trung “khoanh vùng dịch”

Hôm nay (19/3), Bộ Công Thương sẽ tổ chức 2 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc về việc triển khai, phối hợp thực hiện các biện pháp về phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thái Nguyên. 

Theo đại diện Tổng cục QLTT, nguyên nhân để bùng phát dịch tả lợn bắt nguồn từ việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là gia tăng tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam (tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan...). 

Trong khi đó, phần lớn ngành chăn nuôi nước ta vẫn nhỏ lẻ, mật độ cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh. Trước tình hình dịch bệnh lây lan và chưa có dấu hiệu dừng lại, Tổng cục QLTT đã liên tiếp ra công văn chỉ đạo Cục QLTT cả nước tăng cường các biện pháp để đối phó và phòng chống dịch bệnh.  

Đặc biệt, các công văn này đều nêu rõ “các địa phương có dịch và các tỉnh lân cận cần chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn châu Phi trong tỉnh và tránh lây lan sang các tỉnh lân cận”.

Tính đến nay, ở 18 tỉnh xảy ra dịch, lực lượng QLTT đã tham gia 100% các chốt kiểm dịch của tỉnh; cử công chức trực 24/24 tại các trạm/chốt kiểm dịch động vật, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật trái phép nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra, vào địa bàn. Ngoài ra, các kiểm soát viên của các đội cũng tham gia vào chốt kiểm dịch tại các huyện, chốt liên huyện. 

Riêng đối với Cục QLTT các tỉnh có đường biên giới, đặc biệt là các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên và Quảng Ninh... đã tiến hành phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tổ chức giám sát chặt chẽ tại khu vực giáp cửa khẩu, đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn việc vận chuyển thịt lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ tại Việt Nam. 

Chặn dịch vào miền Nam

Hiện nay, tất cả các tỉnh đều đã lên kế hoạch sẵn sàng nhân lực và phương tiện để tham gia các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương. Trong đó, đặc biệt phải nhắc đến nhiệm vụ ở chốt chặn Quảng Bình - nút chặn quan trọng trong việc ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi vào miền Nam.

Ông Vũ Quang Thắng - Quyền Cục trưởng Cục QLTT Quảng Bình cho biết,  tỉnh này có 2 tuyến đường bộ song song là quốc lộ 1A và tuyến đường Hồ Chí Minh, do đó việc kiểm soát phòng chống dịch phức tạp và gặp nhiều khó khăn hơn. 

Tuy nhiên, ngay khi có chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tổng cục QLTT, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã cử các kiểm soát viên tham gia tham gia chốt liên ngành ở huyện Quảng Trạch (vị trí chốt chặn quốc lộ 1A) và xã Tân Ấp (huyện Tuyên Hóa - chốt chặn đường Hồ Chí Minh). Đồng thời, Quảng Bình cũng ban hành văn bản thông qua công tác kiểm tra kiểm soát đối với hoạt động buôn bán vận chuyển lợn trên địa bàn. 

Ngoài ra, tại đây còn có các tổ cơ động liên ngành, các kiểm soát viên của các đội tại các huyện cũng tham gia đầy đủ vào các chốt kiểm dịch và cắt cử nhau thay phiên trực đêm để tiếp nhận thông tin và nắm bắt tình hình để chuyển giao cho cơ quan thú y, kịp thời ngăn chặn dịch nếu có phát sinh. 

Cùng với đó, Cục QLTT Đồng Nai cũng ra quân tăng cường lực lượng để kiểm soát thực phẩm lưu thông trên và qua địa bàn tỉnh, phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Theo đó, Đội QLTT số 1 (đội cơ động) chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh thực hiện kiểm tra trên khâu lưu thông việc vận chuyển ngoài tỉnh qua tuyến quốc lộ vào Đồng Nai tiêu thụ và đi các tỉnh khác.

Các đội đóng trên địa bàn giáp ranh các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu cử công chức tham gia thực hiện nhiệm vụ các chốt kiểm dịch động vật do tỉnh Đồng Nai thành lập, túc trực 24/24 giờ không kể ngày nghỉ, ngày lễ. Đồng thời, các đội QLTT trên địa bàn phải tăng cường kiểm soát cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, bảo đảm nguồn nhập phải có nguồn gốc. 

Ông Võ Văn Tỉnh - Quyền Cục trưởng Cục QLTT Đồng Nai cho biết, hiện nay lực lượng QLTT trên toàn tỉnh đều đã tham gia vào Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Cục QLTT vừa đồng thời triển khai tuyên truyền vận động các lò mổ không nhập heo không có nguồn gốc hoặc heo từ phía Bắc chuyển vào vừa đặc biệt tăng cường kiểm soát việc giết mổ trái phép. 

Ông Tỉnh cho biết, tại các chốt liên ngành đặt tại các đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, lực lượng QLTT cũng tham gia đầy đủ, thực hiện công tác phun chống dịch đối với bất cứ một xe chở lợn nào đi qua địa bàn. Ông Tỉnh cho biết, mỗi ca trực 8 tiếng, các kiểm soát viên của lực lượng QLTT phun trực tiếp chống dịch, khá độc hại nên theo đề nghị, tỉnh Đồng Nai đã đồng ý thành lập các trạm phun tự động. 

Ông Tỉnh khẳng định, ngoại trừ việc khó khăn do phải phun thuốc chống dịch, lực lượng QLTT Đồng Nai vẫn kiểm soát tốt tình hình, các chủ lò mổ tại địa phương cũng rất có ý thức trong việc phòng ngừa dịch bệnh nên hy vọng Đồng Nai sẽ đi qua mùa dịch an toàn. 

Đọc thêm