Mạnh tay chấn chỉnh tư duy 'cứ lễ là tăng giá'

(PLVN) - Dự kiến trong dịp 30/4, 1/5 sắp tới, các điểm du lịch đón hàng triệu lượt khách trong nước lẫn quốc tế. Đây là cơ hội kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh thân thiện, hiếu khách. Song “nút thắt” chặt chém, tăng giá tùy tiện của người làm du lịch nhỏ lẻ vẫn còn rất khó gỡ, gây trở ngại lớn. 
Du khách ái ngại khi bị chèo kéo, ép mua hàng lưu niệm.
Du khách ái ngại khi bị chèo kéo, ép mua hàng lưu niệm.

Đến hẹn lại tăng giá

Tăng giá vào dịp lễ là lẽ đương nhiên trong hoạt động kinh doanh du lịch, nhằm đáp ứng sự gia tăng về số lượng khách tham quan đột biến. Tuy nhiên, cứ mỗi mùa cao điểm, không chỉ dịch vụ lưu trú mà hầu như đồng loạt các dịch vụ khác ăn theo đều có mức giá gấp đôi, gấp ba, thậm chí không có nâng cấp, thay đổi chất lượng.

Theo ghi nhận tại trung tâm Sa Pa (Lào Cai), giá phòng sắp tới tại các khách sạn sẽ giao động từ 600.000 - 800.000 đồng/đêm đối với phòng đơn, phòng đôi từ 1 - 1,6 triệu đồng/ đêm. Mức giá cao gấp đôi ngày thường. Mặt khác những mặt hàng lưu niệm, đồ ăn cũng biến động nhẹ, nhất là với chủ dịch vụ tự phát.

Việc tăng giá tùy tiện đặt ra sự e ngại, dè dặt cho nhiều khách du lịch. Với tâm lý mua vào dịp lễ bị đắt, không khó để thấy những cái “phẩy tay” của du khách trước những lời mời chào mua hàng tại các điểm du lịch. Hay phổ biến những hình ảnh mặc cả, thương lượng qua lại giữa người mua – người bán. 

Không chỉ tùy tiện nâng giá, các dịch vụ chèo kéo, ép khách, gây sốt giá cũng diễn biến khó lường và khó kiểm soát. Bởi các cá nhân thường phân bố rải rác tại các điểm du lịch. Tại Đà Nẵng, từng ghi nhận tình trạng đối tượng lái xe máy bám theo và giới thiệu tour lặn san hô giá rẻ. Đây là cách làm mang tính “rình rập” nhiều hơn, thiếu chuyên nghiệp, gây tâm lý hoang mang, giật mình. 

Chấp nhận ngày lễ là phải chịu mức giá cao hơn, nhưng anh Phan Anh Vũ (26 tuổi) cho hay: “Có nhiều nơi vẫn niêm yết giá cố định, không thay đổi so với ngày thường, tất yếu khiến khách hàng đưa ra lựa chọn nào là tốt nhất cho mình.” Thái độ nghiêm chỉnh chấp hành quy định công khai niêm yết giá, bán đúng giá cũng đã tạo ấn tượng địa phương, sự tin tưởng cho khách hàng hơn, anh Vũ cho biết thêm. 

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là thời điểm cả nước được nghỉ dài ngày. Xu hướng du lịch, nghỉ dưỡng tại các điểm thăm quan dự báo sẽ tăng mạnh, nếu không muốn nói là chịu cảnh “quá tải”. Tận dụng thời điểm đó để quảng bá du lịch địa phương là rất thiết yếu, đặc biệt bằng trải nghiệm dịch vụ tốt, thân thiện và có mức giá phù hợp với nhiều đối tượng.

Tuy nhiên với suy nghĩ kiếm lời, cả năm mới có một dịp, đến hẹn là phải… tăng giá thì liệu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nhỏ lẻ có sẵn sàng chấn chỉnh, nhận thức lại hay không?

Chấn chỉnh, răn đe, thậm chí… phạt hành chính?

Mới đây, ngày 11/4/2019, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 457/TCDL-KS đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố thực hiện và chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch, các đơn vị quản lý điểm đến du lịch trên địa bàn đảm bảo thực hiện tốt các hoạt động trong các kỳ nghỉ lễ năm 2019.

Theo đó, Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương, đơn vị quản lý điểm đến du lịch cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ của các đơn vị cung ứng, đặc biệt là tại các cơ sở lưu trú, đơn vị vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm du lịch, nhà hàng phục vụ du khách, các trung tâm mua sắm, cơ sở vui chơi, giải trí.

Các đơn vị chức năng cần giám sát, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thiết lập và công bố công khai số điện thoại đường dây nóng để xử lý các tình huống phát sinh và hỗ trợ khi khách du lịch có yêu cầu.

Đặc biệt, các địa phương cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch; tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên ngành du lịch và du khách thực hiện theo Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch; không phân biệt đối xử khách du lịch.

Đi đầu trong thực hiện quan điểm, quán triệt của Tổng cục, UBND tỉnh Lào Cai đã có Công văn số 1458/UBND-VX về việc tăng cường công tác quản lý về hoạt động du lịch. Công văn nêu rõ: các sở ngành liên quan phối hợp với các huyện trọng điểm như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, TP Lào Cai, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về chấp hành quy định niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ… đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh dịp trước, trong và sau kỳ nghỉ lễ 30/4 – 01/5/2019.

Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Sa Pa tổ chức tốt Lễ hội mùa Hè và các sự kiện diễn ra trong dịp lễ hội này, đảm bảo các hoạt động diễn ra an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; Duy trì tốt việc đảm bảo các thông tin số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin và xử lý các tình huống phát sinh, hỗ trợ, giúp đỡ du khách khi có yêu cầu.

Hiệp Hội Du lịch tỉnh cũng đưa ra quán triệt các hội viên chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất chuẩn bị tốt các điều kiện về lưu trú, nhà hàng, hướng dẫn viên, vận chuyển phục vụ du khách, đồng thời, ổn định giá dịch vụ, không tăng giá bất thường, giữ hình ảnh du lịch Lào Cai đẹp, ấn tượng. 

Có thể thấy tư duy du lịch của ban ngành quản lý là rất quan trọng. Trong đó, không ngại mạnh tay với những hành vi trục lợi, bôi xấu thương hiệu địa phương. Nhờ đó xúc tiến mạnh mẽ, đem lại trải nghiệm hài lòng cho du khách trong nước, quốc tế, tạo ra kỳ nghỉ trọn vẹn cho họ, đáp ứng xu thế phát triển bền vững hiện nay.

Đọc thêm