Nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi lợn để không 'rớt giá'

(PLO) - “Chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội còn nhỏ lẻ, phân tán, số lợn nái ngoại có năng suất, chất lượng cao còn ít, lĩnh vực chăn nuôi lợn trong thời gian qua cơ bản vẫn theo tâm lý của thị trường nên thường xảy ra tình trạng “rớt giá” - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo về giải pháp nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi lợn trên địa bàn TP, do Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, Sở NN&PTNT tổ chức. 
Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, việc nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn TP phụ thuộc lớn vào cách tiếp cận của các trại chăn nuôi đối với các kế hoạch, chủ trương của TP về công tác tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Do đó, giải pháp trước mắt là các trại phải đặc biệt chú trọng đến công tác giống, không sử dụng con giống không rõ nguồn gốc, càng không nên tự chọn tạo giống khi không am hiểu kỹ thuật lai tạo giống. 

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo các chủ trang trại cần chủ động thải loại con giống kém chất lượng. Cần có tư duy đổi mới, sẵn sàng ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác giống cũng như chăn nuôi thương phẩm nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm…

Tại Quảng Ninh, trước tình hình lợn thịt giảm giá sâu, ảnh hưởng nặng nề tới người chăn nuôi, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3013/UBND-NLN3 chỉ đạo về việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn và một số giải pháp cụ thể nhằm ổn định phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương làm việc cụ thể với các DN, cơ quan, các hộ tiêu thụ lớn về thịt để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt lợn nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi trên địa bàn.

Về lâu dài, Sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có các giải pháp tổng thể để hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố chăn nuôi hiệu quả, bền vững, rà soát, điều chỉnh các cơ sở chăn nuôi công nghiệp đảm bảo phù hợp; tổ chức chăn nuôi theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại làm động lực nhằm kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu của thị trường các sản phẩm chăn nuôi.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, các đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện tối đa cho việc xuất khẩu và tiêu thụ thịt lợn; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết các hợp đồng tiêu thụ thịt lợn với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định đảm bảo thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá cả hợp lý. Đồng thời đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng và hộ kinh doanh, các chợ trên địa bàn hạ giá bán các loại thịt lợn để kích cầu tiêu dùng ở mức cao nhất, tăng giá mua đầu vào để giúp giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi lợn.

Đọc thêm