Nên thanh tra đột xuất, bỏ thanh tra thực phẩm bẩn theo kế hoạch

(PLO) - “Tốn rất nhiều tiền cho các đoàn đi thanh tra theo kế hoạch nhưng không có kết quả. Đối phó hết! Vì thế nên thay đổi việc làm này để đạt hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nói. Đây là một trong nhiều ý kiến tại Hội nghị triển khai Kế hoạch phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm 2016 (Kế hoạch) do Ủy ban Trung ương (TƯ) MTTQ Việt Nam tổ chức chiều qua (13/7).
Lực lượng chức năng Thanh Hóa bắt giữ lô hàng mỡ động vật đã qua sơ chế không có giấy tờ hợp pháp.
Lực lượng chức năng Thanh Hóa bắt giữ lô hàng mỡ động vật đã qua sơ chế không có giấy tờ hợp pháp.

Nhiều giải pháp

Theo Kế hoạch, trong năm 2016, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức giám sát thí điểm việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trên một số địa phương trong cả nước.

Cụ thể, từ cuối quý III và quý IV/2016, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam sẽ chủ trì giám sát hoạt động quản lý nhà nước của một số bộ, ngành TƯ và chính quyền các thành phố (Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ). Tại cấp xã và khu dân cư, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã sẽ chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội giám sát việc đăng ký và thực hiện cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn đối với các hộ gia đình.

Ngoài ra, TƯ Hội Nông dân sẽ giám sát các doanh nghiệp sản xuất hóa chất, vật tư nông nghiệp có quy mô lớn tại tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa; TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giám sát chợ đầu mối đấu giá nông hải sản vùng trọng điểm tại tỉnh Quảng Ninh, Bà Rịa -Vũng Tàu; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì giám sát kinh doanh thực phẩm tại trung tâm thương mại lớn tại thành phố Hà Nội, TP HCM; TƯ Hội Cựu chiến binh Việt Nam giám sát an toàn thực phẩm với hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới tại tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn; TƯ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giám sát việc thực hiện chế biến thực phẩm tại tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau (thực hiện trong tháng 9, 10/2016).

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, mục tiêu phấn đấu đến năm 2017, vận động được ít nhất 50% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm và 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Ngoài ra, tất cả các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm.

Còn lắm băn khoăn

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, Kế hoạch đề ra mục tiêu kết thúc năm 2016, các bộ, ngành TƯ phải hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để năm 2017 triển khai đồng bộ ở các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu thì “tính khả thi của mục tiêu trên không cao, bởi hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật sẽ “đụng chạm” đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay đã là đầu quý III, chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa là kết thúc năm 2016, liệu có thực hiện được không?”.

Khẳng định Kế hoạch phối hợp giám sát là việc làm rất có ý nghĩa và cần thiết, nhưng Thứ trưởng Châu vẫn băn khoăn về công cụ giám sát và cho rằng, chưa có đầy đủ công cụ để giám sát thì chưa hiệu quả, hơn nữa việc làm này không phải là cái gốc. “Cái gốc là ở người sản xuất, nhất là những người sản xuất nhỏ, họ sẽ cân nhắc lợi ích được cái gì và mất gì khi chấp nhận và không chấp nhận các cam kết?”, Thứ trưởng Châu nói. Bởi vậy, theo Thứ trưởng Châu, cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ thông tin cũng như con giống, cây trồng để người nông dân thấy lợi ích của mình trong đó.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, mục tiêu phấn đấu đến năm 2017, vận động được ít nhất 50% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Vậy 50% số hộ sản xuất còn lại không cam kết sẽ xử lý như thế nào? Ngoài ra, mô hình giám sát ra sao? Dùng phương tiện gì để kiểm tra, giám sát? Các hộ sản xuất cam kết nhưng không thực hiện thì xử lý thế nào? Nông dân cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, nhưng sản phẩm bán không được thì ai giải quyết những thiệt hại này? Theo ông Chí, quan trọng vẫn là vận động nhân dân tự giác chấp hành, bởi chính quyền địa phương không thể đeo bám suốt ngày để kiểm tra. “Khi triển khai kế hoạch chúng ta phải tính căn cơ và bài bản, nếu không sẽ không thực hiện được”, ông Chí gợi ý.

Nhằm chấn chỉnh vấn đề vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lại nhấn mạnh đến công tác thanh tra và xử lý vi phạm về ATTP, đặc biệt là tuyến xã, phường. Tuy nhiên, từ thực tế công tác thanh, kiểm tra, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất nên thanh tra đột xuất và bỏ việc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. “Tốn rất nhiều tiền cho các đoàn đi thanh tra theo kế hoạch nhưng không có kết quả. Đối phó hết! Vì thế nên thay đổi việc làm này để đạt hiệu quả hơn”, ông Tám nói. Ngoài ra, ông Tám cũng đề xuất ưu tiên giám sát các chợ đầu mối hóa chất, bởi thời gian qua dư luận rất bức xúc trước việc sử dụng hóa chất tràn lan trong chế biến và bảo quản thực phẩm.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhận định, việc mất vệ sinh ATTP ai cũng nhìn thấy, ai cũng biết, nhưng không thay đổi được, do vậy bản chất nằm ở văn hóa của mỗi người. Ông Nhân nhấn mạnh: “Phải làm sao để thay đổi nhận thức của văn hóa mỗi người, rằng nông dân Việt Nam là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm phải an toàn. Đây là cuộc chiến gian khổ và trường kỳ nhưng vẫn phải làm, vì nếu không làm sẽ không thay đổi được văn hóa của người sản xuất, kinh doanh…”.

Đọc thêm