Người dân ngày nay không lo ăn gì cho no mà lo ăn gì cho sạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh thực phẩm sạch lẫn lộn với thực phẩm kém chất lượng, người dân ngày nay không còn lo ngại có ăn cho no bụng nhưng họ vẫn phải lo ăn gì, uống gì cho sạch và an toàn. Đáng báo động, trong vài năm gần đây đã có rất nhiều vụ ngộ độc thương tâm xảy ra, trong đó đối tượng là nhiều trẻ em. 
Nhiều người dân hướng đến mua tại các thương hiệu thực phẩm sạch, chấp nhận mức giá cao hơn.
Nhiều người dân hướng đến mua tại các thương hiệu thực phẩm sạch, chấp nhận mức giá cao hơn.

Người dân đang mất niềm tin vào thực phẩm

Vụ việc ngộ độc thực phẩm tại trường liên cấp Tiểu học – THCS Pascal và Trường Tiểu học Newton ở Hà Nội, dẫn đến rất nhiều em học sinh phải nhập viện, đã gây chấn động dư luận thời gian gần đây. Thức ăn nghi gây ngộ độc lại chính là một trong những bữa ăn nhà trường cung cấp cho các em học sinh, điều này khiến các phụ huynh không khỏi “nhấp nhổm” lo lắng. 

Đáng nói, ngộ độc thức ăn vốn là hiện tượng nhức nhối bao lâu nay, dù ở khu vực nông thôn hay thành phố trên khắp cả nước. Theo số liệu thống kê, tính từ ngày 18/12/2020 - 17/02/2021 toàn quốc đã xảy ra 07 vụ ngộ độc thực phẩm làm 192 người mắc, 02 người tử vong. Những con số này có xu hướng gia tăng trong thời gian tới với tính chất ngày càng phức tạp.

Một ví dụ điển hình là trong tháng 3/2021, Sở Y tế Lai Châu thông tin, một đám cưới tại bản Háng Lìa 1 (xã Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ) đã tiếp đón tới 420 khách nhưng sau đó 93 người phải vào viện cấp cứu do đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Được biết, các mâm cỗ chủ yếu là các món ăn được chế biến từ nông sản của gia đình sản xuất, bên cạnh một số món mua ở ngoài như trứng chim cút luộc, nước ngọt loại chai nhựa 1,5 lít và quýt.

Một số liệu khác đến từ  Tổng cục Thống kê, chỉ tính riêng 11 tháng đầu của năm 2020, cả nước đã xảy ra 90 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.254 người bị ngộ độc, trong đó có 22 người tử vong. Các nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm là vi sinh vật (38,7%), độc tố tự nhiên (28,4%), hoá chất (4,2%), nguyên nhân khác (28,7%).

Người dân tự trồng rau ở nhà để an tâm hơn.
 Người dân tự trồng rau ở nhà để an tâm hơn. 

Nhiều vụ việc nghiêm trọng đã khiến dư luận lo lắng. Đơn cử, tháng 10/2020, TP Phan Thiết ghi nhận vụ việc 10 người nhập viện do bị ngộ độc sau khi ăn cá hồng chuối. Còn trong tháng 9/20219, TP HCM công bố hai thông tin 50 học sinh Trường Tiểu học Bình Trưng Đông (quận 2) và 26 em bé độ tuổi từ 6 -13 ở chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp) phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm. 

Có thể thấy, rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm mà trẻ em trở thành nạn nhân, khiến cộng đồng không khỏi xót xa. Mặc dù đời sống ngày nay đã được cải thiện rất nhiều, phần đông người dân, đặc biệt tập trung ở các đô thị, đều không phải lo nghĩ ăn sao cho no bụng nữa; nhưng họ lại phải đối mặt với một “cơn ác mộng” khác mang tên thực phẩm bẩn, thực phẩm giả và ngộ độc thực phẩm.

Đáng nói, nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, từ các bếp ăn gia đình, bếp ăn tập thể tại các trường học, khu công nghiệp, … đến các hàng quán vỉa hè, hay các nhà hàng được kiểm định chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Trên thực tế, một trong những vấn đề đáng chú ý là khó thể kiểm soát các bếp ăn phục vụ đông người như tại nhà máy, xí nghiệp, trường học, … có hay không sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc; hoặc khi sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không. Mặt khác, phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hoạt động nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, khó kiểm soát, tạo “lỗ hổng” cho những kẻ hám lợi cố ý “biến tấu” thực phẩm bẩn, cũ, hỏng thành thực phẩm tươi sạch bán cho người tiêu dùng. 

Ngày nay, chỉ cần dạo quanh một số chợ “cóc”, chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, có thể bắt gặp hình ảnh những người mua soi mói, lật lên lật xuống các sản phẩm được bày bán ở chợ. Bên cạnh đó, họ thường đặt câu hỏi với người bán rằng “thực phẩm có sạch không”.

Có một số người bán hàng tỏ ra khó chịu nhưng cũng có nhiều người bán càng đon đả trả lời theo công thức, nào thì thực phẩm nhà trồng, vừa mới nhập trong ngày, nào thì thịt mới giết mổ xong, đảm bảo chất lượng… Tuy nhiên, những mặt hàng này có thật sự đúng xuất xứ, nguồn gốc, hạn sử dụng, … hay không thì chưa thể khẳng định. 

Một nguyên nhân đến từ các chợ cóc thường hoạt động tự phát, một nguyên nhân khác đến từ việc người dân đang dần dần mất niềm tin vào thực phẩm. Người tiêu dùng không bất an sao được khi ngày càng có nhiều vụ ngộ độc tập thể tại các trường học, tiệc cưới, hàng quán… Trong những năm trước đây, có vụ ngộ độc ở tỉnh Đắk Lắk khi đi ăn tiệc cưới khiến hơn 300 người phải nhập viện cấp cứu.

Thậm chí, một trong những cửa hàng bán thức ăn lâu đời ở tỉnh này cũng đã có hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, khiến hàng trăm thực khách bị ngộ độc. Chế tài phạt tiền hay đình chỉ hoạt động chỉ là một trong những giải pháp, nhưng nghiêm trọng hơn là sự ảnh hưởng sức khoẻ và tính mạng con người. 

Dù sinh sống ở Thủ đô, bà Lê Thị Dung, 51 tuổi, ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Hiện tại tôi chỉ mua rau, thịt từ chỗ quen, đáng tin cậy ở chợ và những điểm bán nông sản sạch, có thương hiệu. Rau tươi khi mua về tôi vẫn phải rửa sạch bằng muối, còn thịt thì phải ngâm muối, gừng để khử sạch. Ngày nay ra ngoài ăn gì, mua gì cũng sợ gặp phải thực phẩm kém chất lượng, gây tổn hại đến sức khoẻ của bản thân và gia đình”. 

Thiếu chuỗi thực phẩm an toàn

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), nếu thực phẩm mất an toàn thì đó là chất độc và có hại cho sức khỏe con người. Thế nên người ta ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, Việt Nam cũng không phải đối mặt với vấn đề khan hiếm lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, nước ta lại thiếu đi những chuỗi thực phẩm an toàn, tức là hệ thống lương thực mới chỉ đảm bảo về lượng nhưng lại thiếu hụt về chất. Về vấn đề này, ông Cao Thăng Bình - Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhấn mạnh: “Một đất nước cần phải đảm bảo chuỗi hệ thống thực phẩm an toàn, nếu không an toàn thì không phải là thực phẩm nữa”. 

Mua thực phẩm ở chợ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
  Mua thực phẩm ở chợ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. 

Ngay trong Nghị quyết về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 vừa được Chính phủ ban hành cũng đã chỉ ra: Vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm nước ta vẫn còn hạn chế, yếu kém. Có thể kể tới việc đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cấp hộ gia đình một số nơi chưa vững chắc; khả năng tiếp cận lương thực đa dạng, kịp thời, đủ dinh dưỡng vẫn là thách thức lớn đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi… 

Được biết, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là việc liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như: Trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Tất cả các công đoạn đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm toàn bộ chuỗi, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về đảm bảo an toàn… Mục đích cuối cùng là tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm, có khả năng truy xuất được nguồn gốc. 

Trên thực tế, hệ thống thực phẩm an toàn ở nước ta vẫn bị đứt gãy ở một số khâu đoạn, dẫn đến thực trạng “thượng vàng, hạ cám” thực phẩm tươi sạch lẫn lộn với các loại thực phẩm kém chất lượng. Thực phẩm bẩn tràn lan, hàng loạt vụ ngộ độc thức ăn nghiêm trọng và rất nhiều vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm được cơ quan chức năng phát hiện đã và đang khiến người tiêu dùng lo lắng, mất dần niềm tin khi sử dụng.

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, người dân nhiều tỉnh, thành phải tự tìm cách bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình. Cũng không thể trông chờ các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng thực phẩm tự có có lương tâm, trách nhiệm với sức khoẻ cộng đồng, nhiều hộ gia đình tự mua thùng xốp, tận dụng khoảng trống ở ban công, vỉa hè để trồng rau tự cung, tự cấp. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng cũng bắt đầu chấp nhận mua các loại thực phẩm sạch với mức giá cao hơn hẳn so với thực phẩm thường để an tâm hơn.

Đọc thêm