Người tiêu dùng nói không với hàng giả

(PLO) - “Người tiêu dùng hoang mang, lo sợ nhưng vẫn đành chấp nhận một thị trường tiêu dùng quá thiếu an toàn. Doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thì lực bất tòng tâm chịu cảnh sống chung với hàng gian, hàng giả. Cơ quan chức năng thì mãi vẫn chưa có giải pháp nào khả thi và hiệu quả...”. 
Người tiêu dùng nói không với hàng giả
Đó là nhận định trong Hội thảo “Người tiêu dùng và công tác chống hàng gian - hàng giả” được AFCA kết hợp với Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM (IPA-HCMC) tổ chức tại TP.HCM hôm 17/12 vừa qua.
Chủ tịch Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM (AFCA) Huỳnh Văn Nam đã phát biểu như trên tại hội thảo. Ông nhận định: Chất lượng hàng tiêu dùng phần nào thể hiện rõ nhất chất lượng cuộc sống. Nhưng lướt qua một vòng thị trường, đâu đâu cũng ngập tràn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và thậm chí là hàng hóa chứa độc tố. Thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ở nước ta có thể nói là đã ở mức báo động từ lâu rồi, đã có nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhưng mọi chuyện thì vẫn dừng ở mức “đáng báo động”, theo cách nói của truyền thông.
Chủ tịch Huỳnh Văn Nam nói: “Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM (IPA) và Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM (AFCA) là hai đơn vị trăn trở với thực trạng nêu trên, đã cùng nhau tổ chức nhiều buổi hội thảo, buổi sinh hoạt về công tác phòng chống hàng gian, hàng giả. Dù đó chỉ là những nỗ lực nhỏ bé, nhưng thật cần thiết. Là việc tập hợp, kết nối với người tiêu dùng, các hội viên để cùng ươm tạo nhận thức “Người tiêu dùng nói không với hàng giả” và lan tỏa tinh thần đó ra toàn cộng đồng, vì người tiêu dùng chính là lực lượng mạnh mẽ nhất, quyết định đến sự tồn tại hoặc diệt vong của vấn nạn hàng gian, hàng giả…”
Doanh nghiệp cần mạnh tay hơn nữa trong việc chống hàng giả.
Sản xuất và buôn bán hàng giả trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều mặt về đời sống kinh tế xã hội. Trước hết là ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng và của các cơ sở sản xuất kinh doanh chân chính. Điều này làm doanh nghiệp nước ngoài lo ngại khi đầu tư vào nước ta.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Khuê - Phó chủ tịch AFCA cho biết: "Tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả trên địa bàn thành phố vẫn còn nghiêm trọng, đối tượng tham gia sản xuất và buôn bán hàng giả ngày càng nhiều, thủ đoạn và kỹ thuật sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, phạm vi sản xuất hàng giả rộng khắp nơi. Vì vậy, chống sản xuất và buôn bán hàng giả là công việc rất phức tạp liên quan đến nhiều ngành và nhiều lực lượng, trong đó phải kể đến vai trò của Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường. 
Trong cuộc chiến chống hàng giả, các cơ sở sản xuất vì lợi ích thân thiết của mình và của xã hội cần tham gia tích cực chống hàng giả, đồng thời coi đây là nhiệm vụ quan trọng để chiếm lĩnh thị trường và giữ uy tín hàng hóa do mình sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tổ chức theo dõi, phát hiện hàng giả của thương hiệu mình đang lưu thông trên thị trường, và sớm báo cáo cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý..."
Ông Huỳnh Văn Nam - Chủ tịch Hội AFCA phát biểu khai mạc hội thảo.
 Ông Huỳnh Văn Nam - Chủ tịch Hội AFCA phát biểu khai mạc hội thảo.
Nhìn nhận thực tế, thủ đoạn sản xuất và buôn bán hàng giả là lợi dụng những "sơ hở" của các cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện mưu đồ làm giàu bất chính với những “sáng kiến” sản xuất hàng giả mạo. Đồng thời, một số cơ sở sản xuất hàng giả còn “toa rập” với những "người đồng hành" sử dụng kho và dịch vụ xuất khẩu ủy thác của doanh nghiệp nhà nước để tập kết, giấu hàng, đưa hàng giả lên Container xuất đi nước ngoài. Thủ đoạn hơn nữa là đưa hàng giả trở lại Việt Nam tiêu thụ như hàng... ngoại nhập. 
Một cách tinh vi mà các cơ sở sản xuất hàng giả thường hay đối phó với cơ quan chức năng, là đóng cửa có khóa trái bên ngoài nhưng bên trong vẫn hoạt động sản xuất, hoặc tổ chức sản xuất một nơi nhưng sổ sách giấu nơi khác. Hàng sản xuất tới đâu thì chuyển ngay trong ngày đến kho của doanh nghiệp nhà nước để qua mắt cơ quan chức năng.
Một cách thường gặp khiến kinh tế càng đi xuống là cơ sở sản xuất hàng giả thường không khai báo thuế hoặc kê khai doanh số rất thấp so với sổ sách ghi chép để không chỉ được miễn thuế xuất khẩu mà còn trốn thuế doanh thu, thuế lợi tức trong nước. Nếu có trường hợp bị cơ quan chức năng kiểm tra bắt quả tang, tạm giữ tang vật nhưng không "chạy chọt" được, thì phần đông cơ sở sản xuất hàng giả quay sang sử dụng chiêu bài vu khống, tố cáo ngược cán bộ làm trái luật!
"Dư luận đòi hỏi phải thực thi nghiêm chỉnh Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả. Tội sản xuất và buôn bán hàng giả, kinh doanh trái phép và trốn thuế cần phải được nghiêm trị đích đáng theo pháp luật hiện hành...". Ông Khuê nhấn mạnh.
Hướng dẫn người tiêu dùng
Luật sư Nguyễn Minh Hương (Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM (IPA)) phát biểu: “Buổi hội thảo nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Trong năm 2016, IPA sẽ cùng AFCA tiếp tục tổ chức những hoạt động hướng dẫn người tiêu dùng những điều căn bản về Luật bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời sẽ là cầu nối giữa người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước”.
Tại buổi hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp có sản phẩm đang bị làm nhái, giả trên thị trường hiện nay như công ty Philips, công ty dược phẩm Ích Nhân (sản phẩm Bảo Xuân), công ty Levi's, công ty P&G cũng đã trình bày một số đặc điểm của sản phẩm để người tiêu dùng nhận dạng hàng thật, hàng giả.
Nhìn chung, các doanh nghiệp đều bức xúc trước vấn nạn hàng gian, hàng giả đang tràn ngập trên thị trường hiện nay. Đồng thời, mong muốn người tiêu dùng cùng hợp tác với doanh nghiệp, cơ quan chức năng, các Hội, Đoàn trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhằm tạo môi trường xã hội thông thoáng, lành lạnh.

Đọc thêm