Người Việt chi 120 triệu USD mỗi tháng để nhập rau quả

(PLO) -Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ riêng  7 tháng đầu năm 2017 mặt hàng mặt hàng quả nhập khẩu đã đạt mức 659 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, nếu tính bình quân, mỗi tháng người Việt bỏ ra 120 triệu USD để nhập khẩu rau quả.
Người Việt chi 120 triệu USD mỗi tháng để nhập rau quả

Thị trường nhập khẩu rau quả tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm

Trong đó, thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan với chiếm 57% kim ngạch nhập khẩu. Lượng nhập khẩu rau quả từ thị trường này đã tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp đến là rau quả nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc (16,8%), và ,lần lượt là Ấn Độ, Hàn Quốc

Mặt hàng chủ yếu được nhập về Việt Nam là táo, cam, lê, kiwi, cherry (New Zealand, Australia), xoài, mãng cầu, me (Thái Lan), bắp cải, xà lách, khoai tây (Trung Quốc)… Nhiều loại trái cây nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Úc dù có giá cao, nhưng vẫn có sức tiêu thụ tốt, đặc biệt là ở các khu vực thành phố. Hiện tại các chủng loại như táo xanh Pháp, Mỹ, lựu Hàn Quốc cũng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều.

(Hình ảnh minh họa)
(Hình ảnh minh họa)

Theo Bộ Công Thương, nhập khẩu rau quả tăng mạnh do các loại trái cây tại Việt Nam đang trong giai đoạn mất mùa, do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn nên nguồn cung trái cây trong nước bị hạn chế. Cùng đó, việc giảm thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu hàng hóa nói chung và trái cây nói riêng đã làm gia tăng các đầu mối nhập khẩu rau quả giúp giá thành trái cây nhập khẩu giảm.

Nghịch lý nhập xuất, nhập khẩu rau quả tại Việt Nam.

Theo thống kê, dù lượng rau quả nhập khẩu về Việt Nam tăng rất mạnh nhưng tính tổng thể, Việt Nam hiện vẫn là nước xuất siêu rau quả với giá trị xuất khẩu chỉ riêng trong tháng 7 đạt 360 triệu USD. Còn tính tổng giá trị rau quả xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, con số này đã đạt 2,03 tỷ USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm 2016. Những nước nhập khẩu rau quả Việt nhiều nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, chiếm tới 84,4% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.

Các chuyên gia nông nghiệp cho biết: Nguyên nhân chính khiến trái cây ngoại được ưa chuộng là do người tiêu dùng còn e ngại về chất lượng trái cây trong nước. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu còn hạn chế khiến trái cây Việt chưa đến được với người tiêu dùng. Ngoài ra, mẫu mã trái cây ngoại vượt trội hẳn so với trái cây Việt nên thường được người tiêu dùng lựa chọn nhiều vào những dịp lễ, Tết.

Do vậy, để đứng vững trên sân nhà, ngành rau quả Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng, đồng thời phải tích cực hơn trong việc xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng dễ nhận diện và tin tưởng hơn vào hàng nội”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài việc khai thác thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa. Với dân số 90 triệu dân, nếu biết khai thác tốt mạng lưới tiêu thụ thì đây cũng là nguồn thu nhập không nhỏ. Vấn đề quảng bá chưa được quan tâm đầu tư; bên cạnh đó, quy trình sản xuất còn nhiều hạn chế.

Để nâng cao tính cạnh tranh và khẳng định lại vị thế tại thị trường trong nước, ngành sản xuất trái cây cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản... Nhà nước, các bộ, ngành cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính, đầu tư hệ thống máy móc trong chế biến và bảo quản; cùng với đó, có sự bảo trợ cho các hoạt động: Tổ chức hội chợ, xúc tiến đầu tư, chú trọng quảng bá, giới thiệu trái cây Việt tới người tiêu dùng nhằm khai thác tiềm năng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Đọc thêm