Nguy cơ mất an toàn từ thực phẩm mua bán qua mạng

(PLVN) - Đánh vào nhu cầu của những người không có thời gian nấu nước, ngại nấu ăn, rất nhiều dịch vụ giao thức ăn nhanh đã ra đời như: GrabFood, Foody/Now.vn, GoFood... Mặc dù tiện lợi nhưng vấn đề về chất lượng, an toàn thực phẩm đang là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý.
Gọi thức ăn qua mạng thường khó kiểm soát được chất lượng thực phẩm.
Gọi thức ăn qua mạng thường khó kiểm soát được chất lượng thực phẩm.

Khó kiểm soát chất lượng thực phẩm

Khi cuộc sống của con người ngày càng gắn kết với công nghệ thông tin thì các dịch vụ sinh ra từ các trang mạng cũng ngày càng phát triển. Trong đó, hình thức buôn bán online đặc biệt là bán đồ ăn trực tuyến cũng từ đó được mở rộng.

GrabFood, Foody/Now.vn hay GoFood đều là các ứng dụng (App) trung gian giúp vận chuyển và bán hàng giữa những quầy, cửa hàng thực phẩm với người tiêu dùng. Qua những App này, người bán sẽ đăng ký mở quầy hàng trên ứng dụng còn người mua chỉ cần ngồi ở một địa điểm, đặt đồ ăn qua ứng dụng và chờ đợi một khoảng thời gian để người giao hàng mang đồ ăn đến. 

Với những ưu điểm vượt trội loại dịch vụ này càng trở nên gần gũi và trở nên không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người, nhất là với giới trẻ. Tuy nhiên trên thực tế, hình thức kinh doanh đồ ăn qua mạng này lại có rất nhiều lỗ hổng, cũng như gây ra những bất cập trong khâu quản lý và đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. 

Mới đây trên mạng xã hội, một tài khoản có tên VTTH chia sẻ rằng chị này vừa trở thành nạn nhân của một vụ mạo danh trà sữa để lừa đảo ở TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, chị đặt trà sữa Heekcaa qua ứng dụng Grab với khuyến mãi lên tới 50%. Tổng số tiền trong hóa đơn là 112.000 đồng, nhưng chị chỉ phải trả 56.000 đồng.

Khi nhận trà sữa, chị nhận thấy chất lượng sản phẩm kém những cốc trà mà chị từng uống, đặc biệt là sau khi uống chị H bị tiêu chảy. Theo chị H, hiện nay đa số mọi người lười ra ngoài mà đặt hàng qua Grab, Now hoặc Go-viet để được hưởng khuyến mãi và giao đến tận nhà. 

Đánh vào nhu cầu này của người tiêu dùng nên rất nhiều gian thương đã đăng ký trên các ứng dụng giao hàng với tên nhái của các thương hiệu trà sữa nổi tiếng để bán sản phẩm, nhưng chất lượng không hề đảm bảo.

Qua tìm hiểu, chị H cũng cảnh báo rằng phần lớn các quán trà sữa nhái đều đăng ký địa chỉ với bên dịch vụ giao hàng là nhà riêng, với mặt bằng nhìn rất xập xệ, thường nằm trong hẻm, không hợp vệ sinh, đặc biệt luôn giảm 50%. Câu chuyện của chị H cũng chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đã và đang phải gánh chịu hành động “treo đầu dê, bán thịt chó” từ các gian thương.

Là một người thường xuyên gọi thức ăn qua các ứng dụng giao hàng, chị H.L (Hà Nội) chia sẻ: “Thực sự gọi đồ ăn như đánh bạc vậy! Nếu may mắn chọn được quán ngon thì ăn cũng được, còn gọi phải quán dở thì cũng phải cố mà ăn hết thôi, sinh viên mà! Thú thật có lần ăn xong mình bị tiêu chảy. Về an toàn thực phẩm thì mình cũng không biết được, chả biết đường nào mà lần, ăn cho qua bữa vì mình cũng không có thời gian để nấu”.

Siết việc mở các trang quảng cáo, mua bán thực phẩm

Nhận thấy những bất cập trong việc quản lý, quảng cáo, mua bán thực phẩm, ngày 9/7 Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong 6 tháng cuối năm, tăng 10% số cơ sở được kiểm tra, thanh tra so với 6 tháng đầu năm 2019.

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo, giao dịch điện tử, mua bán thực phẩm trên mạng, theo phương thức bán hàng đa cấp. Trong đó Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, rà soát và kịp thời đưa ra các thông tin cảnh báo về thực phẩm không an toàn được quảng cáo, mua bán trên mạng và thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông các trường hợp vi phạm để xử lý.

Cũng theo kết luận của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, tăng cường quản lý việc mua bán thực phẩm chức năng theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, kịp thời đưa ra các thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng và thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo thẩm quyền.

Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung siết chặt việc mở các trang quảng cáo, mua bán thực phẩm, có giải pháp hữu hiệu quản lý việc sử dụng các trang thông tin điện tử quảng cáo, mua bán thực phẩm không đúng quy định, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cùng phối hợp, khẩn trương hoàn thành hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương mở chuyên mục về an toàn thực phẩm trong Hệ tri thức Việt số hóa.

Đọc thêm