Nhà bán lẻ “ngoại” dễ gì đánh bại chợ truyền thống

(PLO) - Trước các thương vụ M&A (sáp nhập và mua lại) trong ngành bán lẻ cùng với các cam kết hội nhập, nhiều người lo ngại làn sóng hàng nhập khẩu sẽ theo chân các nhà bán lẻ nước ngoài.
Chợ truyền thống vẫn là mô hình bán lẻ quan trọng trong thời gian tới
Chợ truyền thống vẫn là mô hình bán lẻ quan trọng trong thời gian tới

Tuy nhiên, một khảo sát mới đây của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho thấy những lo ngại này ít nhiều đã vượt mức cần thiết và không thực sự có căn cứ…

Chợ truyền thống vẫn chiếm ưu thế

Khảo sát của AVR cho thấy, trong số 12 mô hình bán lẻ thông dụng hiện nay, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt Nam đặt kỳ nhiều nhất vào các mô hình bán lẻ hiện đại. Gần 94% DN cho rằng bán lẻ online có triển vọng, 91% với mô hình siêu thị tổng hợp, 88% cho trung tâm mua sắm, 83% cho các siêu thị chuyên doanh, 79% cho các cửa hàng tiện ích…

Một số mô hình bán lẻ hiện đại mới du nhập vào Việt Nam trong một vài năm gần đây cũng được DN đánh giá triển vọng khá cao (bán hàng qua truyền hình, qua catalogue, điện thoại, thư…). 

Các mô hình bán lẻ truyền thống như chợ truyền thống hay các hình thức bán lẻ siêu nhỏ - di động (bán rong), tuy được đánh giá ít triển vọng hơn, song cũng có đến 47% đánh giá chợ truyền thống tiếp tục là mô hình bán lẻ quan trọng trong thời gian tới, cửa hàng tạp hóa là 55%...

Nhìn vào mô hình bán lẻ mà DN đánh giá có triển vọng nhất, trong khi 2 mô hình siêu thị tổng hợp và trung tâm mua sắm là thế mạnh của các nhà bán lẻ nước ngoài thì trong tất cả các mô hình bán lẻ còn lại, đặc biệt các mô hình bán lẻ có triển vọng trong top đầu thị phần, hiện đều thuộc các nhà bán lẻ trong nước là chủ yếu. Các mô hình bán lẻ truyền thống thì hoàn toàn thuộc về các cơ sở kinh doanh bán lẻ cá thể của Việt Nam.

Kết quả điều tra cũng cho thấy đa số (50 - 70%) các DN được hỏi nhấn mạnh sự tự tin nhất định trong việc cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài, phần lớn là các mô hình bán lẻ, đặc biệt là các mô hình chợ truyền thống. Và ở tất cả các trường hợp, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (3- 10%) các DN đánh giá nhà bán lẻ Việt Nam hoàn toàn bất lợi trong cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài.

Khảo sát về nguồn cung cũng cho thấy nguồn cung lớn nhất của các DN bán lẻ hiện nay là nguồn hàng nội địa, song hàng nhập khẩu cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Các đơn vị bán lẻ mua trực tiếp hàng từ nhà sản xuất nội địa chiếm khoảng 46%, tự nhập khẩu là 19%. Đồng thời các DN còn lấy hàng nội địa qua trung gian (4%), mua hàng nhập khẩu qua trung gian (13%), bán sản phẩm do chính DN tự sản xuất (12%)…

Quyết định vẫn ở người tiêu dùng

Sự gia tăng đột biến về số lượng các nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường, các cơ sở bán lẻ của các nhà đầu tư nước ngoài mới được mở và các vụ M&A có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành bán lẻ trong nước trong khoảng 3 năm gần đây khiến ngành bán lẻ trở thành hiện tượng điển hình cho đầu tư nước ngoài và M&A ở Việt Nam.

Cũng từ đây xuất hiện những lo lắng về nguy cơ ngành bán lẻ Việt Nam có thể bị “thôn tính”  bởi các nhà bán lẻ nước ngoài, kéo theo những hệ lụy không nhỏ đối với các ngành sản xuất nội địa cũng như những rủi ro nhất định đối với người tiêu dùng…

Tuy nhiên, theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch AVR, kết quả khảo sát trên cho thấy khả năng trong tương lai gần, khó có thể có chuyện các nhà đầu tư nước ngoài “thôn tính” toàn bộ thị trường bán lẻ Việt Nam, nơi các mô hình bán lẻ truyền thống trong tay các nhà bán lẻ nội địa vẫn chiếm phần lớn thị phần.  

“Hơn thế nữa, nhìn một cách khách quan, sự tham gia và mở rộng thị phần của các nhà bán lẻ nước ngoài, thậm chí có thể mang lại những xung lực mới cho sự phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam, đặc biệt thông qua việc kích thích sự phát triển của thị trường, gia tăng cạnh tranh, qua đó là sức ép tự nhiên nâng cao năng lực của các nhà bán lẻ nội địa, hợp tác và phát triển cùng các nhà bán lẻ nội địa, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng…”, Chủ tịch AVR phân tích. 

Bà Loan cũng lưu ý, nếu hàng Việt Nam không được cải thiện về chất lượng, không tận dụng được các lợi thế về khoảng cách, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không thu hút được người tiêu dùng Việt  thì hàng nhập khẩu chiếm mất thị phần là có, nhưng đó là do người tiêu dùng quyết định, hoàn toàn không phải vì số lượng các nhà bán lẻ nước ngoài trên thị trường.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, trong khi một số nhà bán lẻ vào Việt Nam đối xử không công bằng đối với một số nhà cung ứng như ép chiết khấu, thu các chi phí vô lý, chiếm dụng vốn hàng hóa đã bán được, không thanh toán đúng kỳ hạn cho nhà cung cấp…, thì mới đây Vingroup, một DN Việt Nam đã đi tiên phong trong việc ký với 250 nhà cung cấp tham gia chuỗi bán lẻ của DN, áp dụng chiết khấu 0% trong 1 năm với tất cả các mặt hàng tươi sống đưa vào chuỗi phân phối của Vingoup. 

DN này còn đưa ra lời khuyên với các nhà cung cấp hãy giảm giá bán lẻ cho khách hàng đối với các mặt hàng trong chuỗi Vinmart. Đặc biệt, DN này còn có kế hoạch dài hơi hơn khi đầu tư vốn, khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất thực phẩm sạch để phục vụ người tiêu dùng. Theo ông Phú, nếu DN Việt  nào cũng có bước đi bài bản như thế này, nhà bán lẻ nước ngoài khó có thể cạnh tranh được…

Đọc thêm