Nhà mạng đua hút khách bằng “số phát”

(PLO) - Cùng thời điểm, VNPT-VinaPhone, MobiFone và Viettel đồng loạt mở bán các đầu số mới được cấp. Cuộc đua hút khách đầu năm 2016 bắt đầu trong khi lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo nhà mạng cần cân nhắc chính sách thu hút thuê bao.
Thị trường đã bão hòa, các doanh nghiệp nên chú trọng vào những mục tiêu như nâng cao chất lượng dịch vụ. Ảnh minh họa
Thị trường đã bão hòa, các doanh nghiệp nên chú trọng vào những mục tiêu như nâng cao chất lượng dịch vụ. Ảnh minh họa

Chỉ trong vòng tuần đầu tháng 3/2016, thị trường SIM số dồn dập đón cả 3 đầu số mới của ba nhà mạng Viettel (086), VNPT-VinaPhone (088) và MobiFone (089).

Cụ thể, VNPT-VinaPhone cho đăng ký online từ ngày 28/2 và tung ra chính thức từ hôm nay (7/3). MobiFone cho khách hàng đăng ký chọn số qua website từ ngày 6/3 và cung cấp chính thức đến tay người dùng ngày 9/3. Còn Viettel cho khách hàng đăng ký chọn SIM cả online lẫn tại các đại lý từ ngày 4/3 và chính thức tung ra ngày 5/3.

Cuộc đua “cơn sốt” số đẹp

Ba đầu số vừa được các nhà mạng tung ra đều được đánh giá là các đầu số đẹp, có nghĩa là “phát lộc”, “song phát”, “phát trường cửu” rất được người dùng Việt Nam ưa thích. Việc cả ba đầu số mới được tung ra gần như cùng lúc đang mang đến cho thị trường di động đầu năm một “cơn sốt” số đẹp lâu lắm mới thấy xuất hiện.

Ngay trong những ngày các nhà mạng cho đăng ký, các website đăng ký đã lâm vào tình trạng nghẽn mạng, khó truy cập. Nắm bắt được tâm lý người dùng, có đại lý đã “hét” tiền triệu cho SIM đầu số mới mà không chắc chắn sẽ có hàng cho khách hay không.

Là nhà mạng đầu tiên công bố việc mở bán đầu số mới, VNPT-VinaPhone đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của thị trường và tạo nên “cơn sốt” truy lùng số điện thoại đẹp khi tung ra thị trường chỉ 1000 số trong dải số 0888.

Nhưng sự thành công trong truyền thông của VNPT-VinaPhone vô hình trung lại tạo thuận lợi cả cho Viettel và MobiFone khi các mạng này không tốn quá nhiều công sức trong truyền thông mà vẫn “chiều” được khách hàng. Thậm chí các khách hàng thích mạng Viettel còn hài lòng hơn khi đăng ký sau nhưng được nhận SIM sớm hơn. 

Khi thời điểm không còn là yếu tố bất ngờ thì chính sách phát hành lại đang tạo nên sự so sánh và tác động không nhỏ vào cảm xúc của người dùng. Trong khi VNPT-VinaPhone mới chỉ cung cấp SIM ở Hà Nội và TP HCM với những điều kiện ràng buộc khá ngặt nghèo đối với các số đẹp thì MobiFone cung cấp SIM ở tất cả các đại lý chính thức với những gói dịch vụ khá hấp dẫn, còn Viettel lại chọn cách bung hàng trăm ngàn số SIM mới 086 trên toàn bộ kênh bán hàng của mình, cả online lẫn cửa hàng cho khách hàng lựa chọn, đặt trước SIM và mở bán chính thức ngay sau đó tại các cửa hàng trực tiếp, đại lý ủy quyền, Viettel Store, điểm giao dịch xã và thậm chí là các điểm giao dịch có đường truyền kết nối trực tiếp với Viettel trên toàn quốc với các gói cước đi kèm được coi là ở mức “bình dân”.

Số đẹp có tạo đà cho “bước nhảy” mới?

Để được cấp đầu số mới, các nhà mạng khẳng định hiệu suất sử dụng đầu số hiện đã rất cao, trên 90%, do đó họ cần có đầu số mới để phát triển thị trường, đáp ứng yêu cầu khách hàng cũng như để

 đón đầu các xu hướng công nghệ mới.  Một câu hỏi đặt ra là thị trường di động Việt Nam sẽ hấp thụ 3 triệu số mới như thế nào khi đã có dấu hiệu bão hòa. 

Một chuyên gia viễn thông cho rằng, trào lưu số đẹp có thể chỉ dừng lại ở một vài số được coi là hiếm gặp, còn lại rất ít xảy ra trường hợp khách hàng mua số mới có đầu số “phát” để dùng song song cả số mới và số cũ. Vì thế, khó có thể nói trước là thuê bao điện thoại sẽ tăng lên sau khi các nhà mạng “bơm” số đẹp.

“Nhưng có thể hy vọng cùng với việc cung cấp đầu số mới, các nhà mạng sẽ cung ứng cả các dịch vụ viễn thông khác đáp ứng nhu cầu thị trường, như các dịch vụ liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội ứng dụng trên các thiết bị số. Điều đó có thể kích thích lượng thuê bao data tăng lên” – vị chuyên gia này nói.

Theo số liệu mà Viettel, MobiFone và VinaPhone công bố tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 2/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số thuê bao phát triển mới trong 2 tháng đầu năm của cả nước đạt gần 5 triệu. Thứ trưởng Phan Tâm đã phải khuyến nghị các nhà mạng rằng cần phải phân tích kỹ con số 5 triệu thuê bao nói trên, chỉ số như doanh thu trung bình (ARPU), chi phí phát triển thuê bao mới... để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của nhà mạng. 

“Thị trường đã bão hòa, các doanh nghiệp nên hạn chế dùng biện pháp khuyến mại ồ ạt để thu hút thuê bao mới. Thay vào đó, đề nghị doanh nghiệp chú trọng vào những mục tiêu như nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng lợi nhuận, cải thiện chỉ số ARPU... để đảm bảo phát triển bền vững và sự cạnh tranh lành mạnh cho thị trường” - Thứ trưởng Tâm khuyến cáo.

Đọc thêm