Nhiều siêu thị, cửa hàng “đóng cửa” với đồ uống của URC sau vụ nhiễm độc chì

(PLO) - Theo cuộc khảo sát của PV, sau sự cố nhiễm độc chì, sản phẩm nước giải khát C2, Rồng đỏ của Công ty TNHH URC gần như “đóng băng” trên thị trường. Một vài siêu thị, hệ thống cửa hàng lớn đã “cấm cửa” với loại nước uống này.
Nhiều siêu thị, cửa hàng “đóng cửa” với đồ uống của URC sau vụ nhiễm độc chì

Thị trường ảm đạm

Thông tin một lượng lớn sản phẩm nước giải khát C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì bày bán tràn lan trên thị trường bị các cơ quan chức năng phanh phui vào đầu tháng 5/2016 không những khiến cho Công ty TNHH URC Việt Nam bị thiệt hại nặng nề về kinh tế, mà lớn hơn là niềm tin của người tiêu dùng dành cho 2 sản phẩm trên gần như không còn.

Trước khi xảy ra sự cố “lịch sử” trên, Hà Nội được xem là thị trường mầu mỡ của sản phẩm C2, Rồng đỏ với lượng tiêu thụ luôn đứng tốp đầu trong các loại nước giải khát. Nhưng hiện nay thì sao? Để làm rõ vấn đề trên, PV đã tiến hành một cuộc khảo sát ở hầu hết các siêu thị, hệ thống cửa hàng và các đại lý trên địa bàn TP Hà Nội về sức tiêu thụ của 2 sản phẩm C2, Rồng đỏ.

Trao đổi với PV, anh Trần Văn Điệp, chủ cửa hàng bách hóa trên đường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Hiện cửa hàng đã ngừng nhập sản phẩm C2. Số lượng nước C2 còn trong quán bây giờ là hàng tồn đọng nhập từ tháng 2/2016, ước tính khoảng 10 thùng. Sản phẩm này giờ gần như không bán được. Cũng theo chủ cửa hàng này cho biết thêm, sau khi có thông tin một lượng lớn sản phẩm C2, Rồng đỏ bị nhiễm độc chì, phía Công ty TNHH URC Việt Nam cũng không tới cửa hàng thu hồi và trả tiền đền bù.

Một chủ cửa hàng khác, cũng trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm khẳng định đã ngừng hoàn toàn việc nhập C2 kể từ khi thông tin sản phẩm này nhiễm chì được công bố. “Trước cứ phải tích mười thùng để bán dần, nhưng giờ thì không lấy nữa. C2 hết thời rồi”.

Công ty TNHH URC Việt Nam đang khiến cho người tiêu dùng mất hết niềm tin sau sự cố C2, Rồng đỏ bị nhiễm độc chì bày bán tràn lan trên thị trường.
Công ty TNHH URC Việt Nam đang khiến cho người tiêu dùng mất hết niềm tin sau sự cố C2, Rồng đỏ bị nhiễm độc chì bày bán tràn lan trên thị trường.

Quản lý cửa hàng Lotteria số 112 Trần Duy Hưng, anh Lê Đức Thọ cho biết cửa hàng từ lâu đã không dùng sản phẩm C2, Rồng đỏ, thay vào đó là các loại nước giải khát khác.

Tại siêu thị BigC Thăng Long, một nhân viên bán hàng ở đây cho hay, kể từ khi thông tin C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì được công bố, lượng tiêu thụ sụt giảm chóng mặt. “Trước kia, người tiêu dùng mua C2 khủng khiếp lắm. Một ngày ít nhất phải chục thùng hoặc hơn. Nhân viên bán hàng không cần mất công bóc hộp, xé túi bọc, cứ việc chất thành “đảo” ở đó, khách hàng tự lấy. Còn bây giờ, C2 chất cả đống ở đó, có mấy ai lại xem đâu”. Theo quan sát, trong vòng 1 tiếng đồng hồ chỉ có vài khách đến xem sản phẩm, nhưng hầu hết không mua.

Hệ thống cửa hàng Vinmart, C2, Rồng đỏ đã bị loại ra khỏi kệ hàng từ khi có thông tin nhiễm độc chì. Nhân viên ở đây nắm bắt rất rõ thông tin nên khi được hỏi có C2 không, đã nhanh chóng trả lời “sản phẩm nhiễm độc chì, hệ thống Vinmart không bán”.

Nói không với C2, Rồng đỏ

Đó là câu trả lời của đa số người tiêu dùng khi PV hỏi về việc sử dụng sản phẩm C2, Rồng đỏ sau sự cố nhiễm độc chì.

Chia sẻ với PV, anh Lê Xuân Hải (quê Thanh Hóa, hiện đang công tác tại Hà Nội) cho biết: “Trước đây, C2, rồng đỏ là những loại nước giải khát ưa thích nhất của tôi. Tuy vậy, khi thông tin một lượng lớn 2 sản phẩm trên bị nhiễm độc chì bày bán trên thị trường bị các cơ quan chức năng phát hiện, thì tôi thực sự lo lắng. Không rõ, bản thân sử dụng phải lô hàng bị nhiễm độc chì hay không. Nếu giờ đây có một tổ chức nào đó đứng ra kiện Công ty TNHH URC Việt Nam về sự cố “đầu độc” người tiêu dùng, thì tôi sẵn sàng tham gia kí tên”.

Anh Nguyễn Xuân Thái (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì tỏ ra hoang mang chia sẻ: Hiện nay thông tin về số lượng sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì lưu thông trên thị trường vẫn rất hỗn loạn. Không biết, chúng đã bị thu hồi hết hay chưa. Mặt khác, ngoài 3 lô hàng C2, rồng đỏ của Công ty TNHH URC Việt Nam bị kiểm tra nhiễm độc chì, thì những lô hàng khác có bị lỗi hay không, hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ. Ai dám khẳng định chúng an toàn. Mặt khác, khi gặp sự cố URC quá chậm chễ trong việc thu hồi sản phẩm nhiễm độc chì, điều đó khiến người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi: URC có thật sự quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng?

Với những hành động thiếu trách nhiệm trên, Công ty TNHH URC Việt Nam có vẻ như đang tự đẩy mình xuống hố sâu của sự khủng hoảng.

Đọc thêm