Nhức nhối những trạm “BOT thôn”

(PLO) - Vấn nạn “BOT thôn” một lần nữa lại gây nhức nhối dư luận, khi mới đây anh Phạm Văn Mười (SN 1981, trú tại thôn Bình Dương, xã Cổ Bì, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) công khai một số hình ảnh và clip ghi lại cảnh người này bị triệu tập lên UBND xã để làm việc và bị lập biên bản vì tội gây rối trật tự công cộng liên quan đến trạm thu phí trong thôn.
Hai trạm thu phí ở thôn Ô Xuyên và Phú Thứ, xã Cổ Bì
Hai trạm thu phí ở thôn Ô Xuyên và Phú Thứ, xã Cổ Bì

Ngay sau khi nội dung được chia sẻ đã thu hút được nhiều bình luận từ cộng đồng mạng. Đa số bày tỏ sự bất bình, lên án với việc lập biên bản xử lý của cán bộ xã cũng như việc lập trạm thu phí ở thôn. Thậm chí, nhiều ý kiến còn khuyên người này nên làm rõ vụ việc hoặc khởi kiện để đòi lại công bằng.

Sự việc gây bất bình

Trao đổi với PLVN, anh Mười cho biết, ngày 27/2/2018, khi đang đi làm, anh nhận được tin con gái bị đau bụng dữ dội, cần đưa đi cấp cứu. Lo lắng cho con, anh vội lái ô tô về. Nhưng khi đi đến đầu làng, anh bị trạm barie thôn chặn lại. Đợi chừng 10 phút không thấy ai ra mở barie, anh xuống xe dùng dao cắt dây thừng để mở barie cho xe đi qua.

Khi vừa về đến nhà và chuẩn bị đưa con đi cấp cứu thì bà Lân (chủ của trạm barie trên) đến tận nhà anh mắng mỏ việc anh đã tự ý cắt dây barie. Do quá bực tức và sốt ruột về tình trạng sức khỏe của con, anh Mười đã to tiếng lại và đẩy bà Lân ngã xuống. 

Công an xã triệu tập anh lên làm việc và lập biên bản về tội gây rối trật tự công cộng. Theo anh Mười, giữa anh và bà Lân xảy ra chuyện xô xát, lời qua tiếng lại với nhau xuất phát từ câu chuyện anh cắt dây của trạm barie thôn. Nhưng trong trường hợp đó, anh buộc phải hành xử như vậy bởi con gái đang đau ốm, cần đưa tới bệnh viện ngay. 

“Bà Lân không thông cảm thì thôi lại tới nhà gây sự và chửi mắng. Thấy vậy, tôi mới lời qua tiếng lại và đẩy bà ấy về để còn đưa con đi bệnh viện. Chuyện chỉ có vậy nhưng công an xã lại xử phạt tôi gây rối trật tự công cộng khiến tôi rất bất bình”, anh Mười nói.

Theo anh Mười, việc lập trạm barie để thu phí xe ô tô tải tại các thôn ở xã Cổ Bì không phải chuyện hiếm. Xã có bảy thôn nhưng có đến sáu trạm barie được lập lên để thu phí xe. Riêng ở thôn Ô Xuyên có tới hai trạm barie. Theo đó, mỗi xe đi vào thôn phải chịu mức phí từ 5 – 10 ngàn đồng/lượt. Dù xe đó là của người làng hay ở nơi khác tới khi đi qua trạm đều phải nộp phí như vậy, nếu không sẽ không được đi qua.

Thậm chí, chủ trạm barie còn đưa ra hình thức đóng phí xe cả năm với giá 300 ngàn đồng/một xe. Số tiền thu được, lãnh đạo thôn được cho là nói “sẽ sung quỹ thôn để tu sửa, nâng cấp đường”. Nhưng theo anh Mười, khoản tiền này chi tiêu ra sao không được lãnh đạo thôn công khai minh bạch, đường cũng không hề được tu sửa. Sự việc đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vì không còn đường nào khác nên người dân đành phải ngậm ngùi chấp nhận. 

“Đường là của tập thể và có sự đóng góp của nhân dân. Để hạn chế xe trọng tải lớn đi vào làm hỏng đường, chính quyền có thể lắp biển báo hoặc chôn ụ bê tông, còn lập trạm thu phí thì xe cứ nộp phí là đi vào được. Như vậy, đâu có hạn chế được xe đi vào thôn”, anh Mười nói.

Anh chia sẻ, ở đây, người dân cứ đưa xe ô tô ra khỏi nhà, dù có chở hàng hóa hay không, họ luôn bị mất tiền mỗi khi đi qua các trạm thu phí thôn. Có xe một buổi sáng phải chở năm chuyến vật liệu xây dựng vào thôn, họ đã phải mất 50 ngàn đồng cho năm lượt ra vào. 

Chưa hết, mỗi lần đi qua trạm, các tài xế rất khó chịu khi phải đợi chủ trạm ra mở barie. “Mình mất tiền nhưng chủ trạm còn tỏ thái độ khó chịu hoặc “câu giờ” mở barie, làm ảnh hưởng tới công việc của chúng tôi rất nhiều”, anh Mười cho biết.

Nhiều khuất tất, dấu hiệu trái luật

Ông Phạm Đức Nhu, trưởng thôn Bình Dương, xã Cổ Bì cho biết, việc lập trạm barie ở xã Cổ Bì diễn ra từ lâu, “thôn này học thôn kia nhằm bảo vệ đường trong thôn”. Tại thôn Bình Dương, trạm barie được lập từ năm 2007. Việc lập trạm đã được lãnh đạo thôn xin ý kiến của người dân và Chủ tịch xã thời đó. Mức thu phí được thôn quy định và trình lên Chủ tịch xã, được phê chuẩn bằng miệng, không có văn bản. Sau đó, thôn tổ chức đấu thầu, ai trúng thầu sẽ được thôn ký kết hợp đồng giao phụ trách thu phí và mở barie. 

Mỗi năm, người trúng thầu sẽ phải nộp một số tiền nhất định về thôn để tu sửa, bảo trì đường, số còn lại người đó sẽ được hưởng. Tuy nhiên, những giấy tờ có liên quan đến việc đấu thầu cũng như xin phép lập trạm barie hay tổ chức chi tiêu số tiền thu phí xe ở thôn Bình Dương ra sao, ông Nhu từ chối cung cấp.

Theo tìm hiểu, vào ngày 31/12/2017, lãnh đạo thôn Phú Thứ, xã Cổ Bì và ông Nguyễn Đình Cao (trú cùng địa chỉ) đã ký kết một hợp đồng về việc đấu thầu thu lệ phí xe vào làng với giá trúng thầu là 10,5 triệu đồng. Hợp đồng có 12 điều khoản được quy định rõ ràng, do hai bên tự thỏa thuận ký kết với nhau. Trong đó những xe như: xe chở bệnh nhân, xe du lịch và xe chở khách; xe chở hàng phục vụ thôn; xe phục vụ cưới hỏi, thủy nông thì không phải đóng phí…

Ông Nguyễn Đình Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Bì cho hay, lập trạm barie ở thôn để thu phí là không đúng quy định pháp luật. Những trạm barie tồn tại ở xã Cổ Bì là do các thôn xin ý kiến của người dân rồi tự lập ra để thu phí, xã không có chủ trương hay chỉ đạo lập trạm. “Họ lập trạm để hạn chế các xe quá khổ, quả tải và xe chở vật liệu xây dựng chạy vào thôn nhưng các trạm có từ bao giờ chúng tôi không rõ. Việc anh Mười bị công an xã lập biên bản cũng là do anh này va chạm qua lại với chủ barie. Xã đang giải quyết vụ việc này”, ông Đoàn nói.

Khi được hỏi ở xã có bao nhiêu trạm barie thôn, ông Đoàn không nắm bắt rõ mà phải… gọi điện thoại nhờ người xác minh. Sau khi cho rằng “đã xác minh chính xác”, ông Đoàn nói ở xã chỉ có hai trạm barie và hai trạm này được lập ở những thôn mới làm đường. Điều này trái ngược với ghi nhận của phóng viên trước đó. 

Việc người dân có ý thức bảo vệ đường giao thông là điều đáng hoan nghênh nhưng tình trạng các thôn ở xã Cổ Bì tự lập trạm barie để thu phí là sai pháp luật, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

PLVN sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của chính quyền Hải Dương trước vấn nạn này. 

Đọc thêm