Những “điểm mờ” trong thương vụ Grab thâu tóm Uber

(PLO) - Việc Grab mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Xung quanh thương vụ Grab thâu tóm Uber liệu có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, các chuyên gia pháp lý đang có những ý kiến khác nhau.
Grab thâu tóm Uber tại  Đông Nam Á
Grab thâu tóm Uber tại Đông Nam Á

Lo ngại hết thời taxi giá rẻ

Ngày 26/3 vừa qua, ứng dụng đặt xe Grab chính thức phát đi thông báo cho biết hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á. 

Theo thông báo này, Grab đã mua toàn bộ hoạt động kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn của Uber (Uber Eats) tại thị trường Đông Nam Á, đồng thời tích hợp các hoạt động này vào nền tảng di chuyển và công nghệ tài chính của Grab. Uber vẫn giữ 27,5% cổ phần tại Grab, đồng thời CEO của Uber sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.

Với việc “đầu hàng” Grab tại Đông Nam Á, Uber bán toàn bộ mảng kinh doanh và dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats tại các quốc gia: Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. 

Riêng nền tảng Giao nhận thức ăn, Grab thể hiện sự độc tôn ở thị trường khi dự kiến sẽ nhanh chóng mở rộng dịch vụ GrabFood hiện có tại Indonesia và Thái Lan đến thêm 2 quốc gia nữa là Singapore và Malaysia.

Để giảm thiểu những gián đoạn có thể xảy ra, Grab và Uber đang phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng tích hợp đối tác lái xe Uber, khách hàng Uber Eats, đối tác kinh doanh và giao nhận của Uber vào nền tảng ứng dụng Grab.  Ứng dụng Uber tại Đông Nam Á sẽ tiếp tục hoạt động trong 2 tuần tới hay Uber Eats sẽ tiếp tục hoạt động đến cuối tháng 5/2018, sau đó các đối tác giao nhận và nhà hàng của Uber sẽ chuyển qua nền tảng GrabFood.

Ông Anthony Tan, CEO và đồng sáng lập Grab phát biểu: “Việc sáp nhập này đánh dấu sự khởi đầu mới. Cùng với Uber, Grab sẽ có thêm ưu thế để tiếp tục thực hiện cam kết phục vụ tốt nhất cho khách hàng”.

Từ khi xuất hiện ở Việt Nam đến nay, Uber đã đầu tư khoảng 10,7 tỷ USD để phát triển thị trường. Hãng cũng lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với Grab về giá cước, “ưu đãi khủng” cho cả lái xe lẫn khách hàng để giành thị phần, lôi kéo tài xế, đẩy mô hình taxi truyền thống đến bờ vực sống còn. 

Đáng chú ý từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, cả Uber và Grab liên tục báo lỗ. Grab hoạt động kinh doanh ở Việt Nam từ tháng 2/2014, có vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2017 lỗ lũy kế 938,2 tỷ đồng. Đại diện Uber Việt Nam cũng khẳng định hãng đang rơi vào tình trạng không sinh lời, dù tổng doanh thu từ năm 2014 đến giữa năm 2017 khoảng 2.706 tỷ đồng.

Thương vụ Uber bất ngờ sáp nhập vào Grab được cho là sẽ giảm đi tính cạnh tranh bằng việc bạo chi ngân sách, thay vào đó là hướng tới mục tiêu lợi nhuận. Nhiều người dự đoán các chiến dịch khuyến mại khủng, giá cước rẻ sẽ biến mất.

Trên các diễn đàn của lái xe Uber, nhiều câu hỏi được đặt ra trong đó phần lớn đều bày tỏ sự lo lắng về tương lai khi chuyển sang hợp tác với Grab bởi Grab từng thay đổi nhiều về mức chiết khấu dẫn tới sự bức xúc của một số tài xế. 

Khi mới gia nhập thị trường, để thu hút tài xế, Grab áp dụng mức chiết khấu chỉ 15% nhưng khi đã có lượng “tài” ổn định, Grab tăng chiết khấu lên 20% rồi 23,6%, 28,6% và sau đó chỉ hạ xuống khi có sức ép từ các đối tác. Ngay cả một số tài xế Grab cũng băn khoăn về khả năng thay đổi chính sách chiết khấu khi một lượng lớn lái xe Uber gia nhập vào Grab.

Có vi phạm Luật Cạnh tranh?

Một ngày sau tuyên bố của Grab, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp thông tin để làm rõ thương vụ này. 

Theo đó, trên nguyên tắc để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber phải xin phép cơ quan cạnh tranh của các nước tại Đông Nam Á có quy định này.

Văn bản cũng nêu rõ để có căn cứ xem xét, đánh giá việc mua lại theo quy định của pháp luật cạnh tranh, Cục yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ mua lại nêu trên, hợp đồng Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á. Thời hạn cuối cùng để cung cấp thông tin là trước ngày 3/4.

Việc sáp nhập Uber vào Grab tại Đông Nam Á, một số chuyên gia cho rằng nếu xét ở góc độ pháp lý về mua bán - cạnh tranh, thương vụ này có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Nếu Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thấy không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể, hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ, thì thương vụ mới được phép tiến hành.

Điều 22 của Luật Cạnh tranh quy định trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp nộp hồ sơ, về việc có thuộc trường hợp bị cấm hay không, lý do cấm. 

Trong trường hợp giao dịch mua bán, sáp nhập vi phạm Luật Cạnh tranh, hậu quả pháp lý khá nghiêm trọng, mức tiền phạt tối đa lên tới 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi tập trung kinh tế vi phạm. 

Trong một số trường hợp, bên cạnh việc phạt tiền, cơ quan quản lý cạnh tranh vẫn có thể áp dụng các biện pháp phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả khác, như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho doanh nghiệp, hoặc buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua...

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, cho rằng không có cơ sở khẳng định việc Uber sáp nhập vào Grab vi phạm Luật Cạnh tranh.

Ông Đức phân tích: “Thứ nhất, việc sáp nhập là 2 doanh nghiệp ở nước ngoài, còn Grab Việt Nam là pháp nhân Việt Nam độc lập, chỉ có 49% vốn của Grab nước ngoài. Do đó, việc xem xét xác định thị phần thế nào là chưa rõ. Giống như Google chiếm thị phần tra cứu thông tin rất lớn ở Việt Nam, nhưng nếu có việc sáp nhập, hợp nhất thì được áp dụng theo Luật của Mỹ, chứ không áp dụng luật Việt Nam. 

Thứ hai, cơ quan chức năng chưa xác định rõ Uber, Grab là kinh doanh taxi hay kinh doanh dịch vụ công nghệ, nên chưa đủ cơ sở khẳng định thị phần kinh doanh taxi thế nào. Ít nhất cũng phải tách bạch được phần liên kết với các hãng taxi và phần còn lại (nếu có).

Thứ ba, kể cả trường hợp đã xác định rõ, 2 hãng này là kinh doanh taxi và xác định được thị phần liên quan thì cũng còn phải xác định tiếp là tính quy mô doanh thu trên toàn bộ 100% hay chỉ trên 20% doanh thu, là phần mà họ được hưởng và phải nộp thuế (80% còn lại là thuộc về các hãng taxi và tổ chức, cá nhân khác có đăng ký kinh doanh vận tải). 

Thứ tư, tính thị phần riêng loại taxi công nghệ hay tính toàn bộ thị trường taxi. Theo tôi phải tính toàn bộ, vì hoàn toàn cạnh tranh và thay thế nhau, trong đó có thể coi taxi công nghệ chỉ như là một phân khúc thị trường hay một dòng sản phẩm”.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, có rất nhiều hãng taxi, nên người tiêu dùng và lái xe có thể lựa chọn, ít nhất là như thời điểm và địa bàn chưa có taxi công nghệ. Taxi công nghệ cũng có nhiều hãng đang và sẽ triển khai, nên chưa thấy rõ khả năng độc quyền. Trường hợp sau khi sáp nhập, xuất hiện yếu tố độc quyền thì sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan.

Đọc thêm