Những người dệt nên hạnh phúc

(PLVN) - Hàng chục năm nay, người dân làng Hới vẫn duy trì và phát triển nghề chiếu truyền thống của cha ông để lại. Dù gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn bền bỉ “dệt nên hạnh phúc” qua những chiếc chiếu chứa đựng cả tấm chân tình. 
Dù nhọc nhằn giữ nghề nhưng chú Thái vẫn hạnh phúc vì duy trì được nghề truyền thống của tổ tiên
Dù nhọc nhằn giữ nghề nhưng chú Thái vẫn hạnh phúc vì duy trì được nghề truyền thống của tổ tiên

Làng chiếu cổ một thời vang bóng

Đã từ lâu làng chiếu Hới (xã Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình) nổi tiếng với sản phẩm chiếu tinh xảo, cầu kỳ bắt mắt về kiểu dáng và màu sắc. Là làng chiếu cổ lâu đời, sản phẩm của nơi đây đã được bán khắp các tỉnh thành. 

Trước đây, làng Hới đã có nghề dệt chiếu, nhưng dùng bàn dệt đứng. Làm vậy, chiếu không đẹp và chắc. Khi cụ Phạm Đôn Lễ người làng Hới đỗ Trạng Nguyên khoa Tân Mùi (1481), niên hiệu Hồng Đức 12, đời Vua Lê Thánh Tông và được cử đi sứ nhà Minh. Cụ Lễ đã học được các kỹ thuật dệt chiếu tiên tiến của Trung Quốc. Sau đó, cụ về truyền dạy cho nhân dân làng. Từ đấy, chiếu dệt ra đẹp hơn, sợi đan đều hơn. Sản phẩm ngày càng được ưa chuộng và có tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. 

Chiếu Hới nổi tiếng từ xưa đến nay bởi độ kỳ công trong cách làm, chất lượng lại bền chặt và thời gian sử dụng được lâu. Nổi tiếng là thế, nhưng giá cả các sản phẩm chiếu Hới lại rất phải chăng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Vì vậy xưa các cụ vẫn có câu ca: 

“Ai mua chiếu Hới này

ai mua chiếu Hới đây’

ăn cơm ngon

nằm giường hòm

đắp chiếu Hới”

Chiếu Hới là sự hội tụ những tuyệt kỹ tinh xảo của nghề làm chiếu. Chiếu làng Hới xưa có nhiều loại khác nhau: Cải, đậu, đót, trơn, kẻ dọc màu, ít hoa, cạp điều, sợi xe… với các kích thước khác nhau. Chiếu mới sẽ có màu trắng ngà, ưa nhìn, mùi thơm dễ chịu của cói đồng. Chiếu dùng lâu ngả sang màu vàng, trơn nhẵn, độ mềm vừa phải, dễ giặt, thoáng sạch, thoát nước nhanh, phơi mau khô.

Nguyên liệu dệt chiếu là cói và sợi đay. Cói và đay là 2 loại cây được trồng rất thích hợp ở các triền sông, bãi bồi nhiều phù sa. Sau khi thu hoạch, các loại cây này được chế biến qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ để thành nguyên liệu dệt chiếu.

Tùy theo những loại chiếu cần dệt mà nguyên liệu được nhuộm màu khác nhau. Chiếu làng Hới là nơi hiếm hoi vẫn duy trì các mẫu chiếu truyền thống. Đặc biệt, sản phẩm nổi tiếng là chiếu hạnh phúc hay còn gọi chiếu tân hôn. Ngày xưa, các cụ quan niệm chiếc chiếu là vật phước lành trong lễ cưới. Vợ chồng hòa thuận, sinh được con cái đủ đầy cũng phải kén người trải chiếu, đặc biệt chọn chiếu hoa làng Hới.

Là gia đình duy nhất sản xuất chiếu thủ công, chị thấy hạnh phúc vì làm ra những sản phẩm chất lượng gửi tới mọi người
Là gia đình duy nhất sản xuất chiếu thủ công, chị thấy hạnh phúc vì làm ra những sản phẩm chất lượng gửi tới mọi người

Nhọc nhằn giữ nghề 

Nổi tiếng một thời nhưng nay làng Hới chỉ còn vài gia đình sản xuất chiếu để bán. Một phần vì sự xuất hiện của các nhà máy chiếu nhựa, sản xuất công nghiệp ngay cạnh làng, còn lại, vì thu nhập không ổn định, thế hệ trẻ bỏ đi làm ăn phương xa hoặc làm công nhân hết. 

Chú Hà Văn Thái (chủ sản xuất chiếu Thái Hạnh) chia sẻ: “Nghề chiếu nhà tôi có từ thời các cụ để lại. Đến tôi thì học nghề và duy trì đến bây giờ. Trong làng xưa có rất nhiều hộ làm, xong dần bỏ vì kinh tế khó khăn, không duy trì được nghề, giờ làng chỉ còn chưa đến 10 hộ làm chiếu.”

Buông nắm cói đang nhặt dở xuống nền nhà, chú Thái kể rằng: “Trước kia, dệt chiếu đến đâu là hết đến đó, nhưng những năm gần đây thì ế ẩm. Có tháng làm ra nhưng lại không có người hỏi, lòng cũng lo lắng. Nhưng vì yêu nghề của tổ tiên để lại, nên hai vợ chồng nhà tôi vẫn đành bám go chiếu giữ nghề. Chứ không thì tôi buồn lắm, gắn bó mấy chục năm qua, ai nỡ mà bỏ”.

Dù thu nhập bấp bênh, sản phẩm bán ra không đều đặn, giá cả bị cạnh tranh bởi chiếu nhựa công nghiệp. Nhưng những hộ gia đình như chú Thái vẫn quyết tâm dành trọn cho tình yêu nghề. Với mong mỏi chiếu cói làng Hới vẫn có mặt trên thị trường đều đặn mỗi năm. Dù thu nhập không cao, công việc luôn chân luôn tay nhưng được làm nghề truyền thống cha ông để lại là điều hạnh phúc với gia đình chú. 

Mặt khác, từ chính tình cảm của người dùng dành cho chiếu Hới là động lực để gia đình chú giữ nghề, tiếp tục sản xuất phục vụ bà con. Hiện nay, nhà chú sản xuất một ngày trung bình 5 đôi chiếu mỗi ngày. Chủ yếu phục vụ khách quen hoặc đổ buôn cho các đại lý ở các tỉnh. 

“Chiếu cói làng Hới có điểm khác là đươc làm rất kỳ công. Một chiếc chiếu đẹp là cói đều tỏa ra mùi thơm, mơ chiếu nổi đều, không có lỗ. Trung bình, sử dụng được vài năm không bị rách, nát các đường cói dệt. Trên thị trường, tôi đổ ra chỉ đôi chiếu đậu chỉ có giá từ 270.000 - 280.000 đồng. Dù giá thành thấp hơn các loại chiếu khác nhưng là cả tấm lòng của người làng Hới đặt vào cái chiếu cói”.

Tuy phải đứng trước những khó khăn của việc giữ nghề truyền thống, nhưng chú Thái vẫn quyết bám trụ để duy trì sản phẩm chiếu cói. Chỉ mong là sản phẩm chiếu cói làng Hới vẫn được mọi người ủng hộ và tin yêu. 

Cả tâm tình của người làng Hới gửi vào chiếc chiếu hạnh phúc
Cả tâm tình của người làng Hới gửi vào chiếc chiếu hạnh phúc

Cố gắng làm nghề để dệt nên hạnh phúc

Gia đình chị Hà Thị Hương là hộ duy nhất còn lại tại làng Hới duy trì sản xuất chiếu thủ công bằng tay. Hai mẹ con chị vẫn hàng ngày ngồi dệt chiếu tại căn nhà ngang từ xưa mà ông bà để lại. Trong căn phòng nhỏ cạnh bếp, tiếng dập so đều đặn liên tục vang lên. Tay trái, tay phải phối hợp dệt biên liên tục đôi chiếu đẹp nhất cho một đôi khách đặt cho ngày cưới.

Chị Hương chia sẻ rằng: “Chiếu tốt xem biên, người hiền xem mặt”. Câu ca dao quen thuộc của người làng Hới khi dệt chiếu bằng tay. Chiếu được làm bằng tay được gọi chiếu đậu, là sản phẩm truyền thống của làng. Chất lượng nó sẽ tốt hơn ở điểm: các mắt chiếu chắc hơn, đặc biệt biên chiếu chắc, sợi cói không bị tơi, dùng rất bền”.

Chiếu làng Hới có một loại đặc biệt mang tên chiếu “hạnh phúc”. Những chiếc chiếu hoa dành tặng ngày vu quy - quan trọng nhất cuộc đời mỗi người. Nơi đặt để hạnh phúc mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng. 

Chị Hương vẫn nói vui đã bán hạnh phúc. Vì chiếu hoa là thứ mang lại may mắn và sức khỏe cho các cặp đôi mới cưới. Chính vì vậy, chị vẫn duy trì làm chiếu thủ công mà chị coi mình như một người dệt nên những hạnh phúc. Những đôi chiếu được làm tỉ mẩn qua nhiều công đoạn mới được đưa đến các đôi vợ chồng. Từ công đoạn chọn cói thật chắc, thật thơm, đến xâu đay, dập gò, khâu biên, in hoa, phơi nắng. Tất cả như gói ghém cả tâm tình của người làm chiếu.

Những chiếc chiếu thủ công tuy không đáp ứng được sự nhanh chóng về số lượng bằng chiếu công nghiệp. Nhưng từng đường dệt đều là cái tâm của người làm ra.  Họ trân trọng nghề quý báu của cha ông, tôn trọng người dùng, yêu những sản phẩm từ đôi bàn tay lao động.

Đối với chị Hương, dù một ngày chị chỉ làm được hai lá chiếu, nhưng chị vẫn cố giữ lấy nghề. “Gọi là cố vì đó nghề truyền thống, mình muốn giữ lại vốn cổ. Để mọi người vẫn nhớ về một thương hiệu chiếu nổi tiếng một thời. Bán chiếu cho khắp mọi khách tìm về, mình cũng hạnh phúc lắm. Ngày nào còn người mua chiếu cói thì mình vẫn sẽ làm”.

Tầm tháng 6, 7 mùa cưới là nhà chị bận nhất. Khách đặt chiếu cưới rất nhiều. Tuy vất vả, nhưng chị Hương vẫn cố gắng làm ra những đôi chiếu tân hôn thật đẹp như một món quà đầy tình của người làng Hới. Giá cả phải chăng, chăm chút từng đường kim mũi đay để dệt nên những chiếc chiếu hạnh phúc cho nhiều lứa đôi.

Những chiếc chiếu được in hoa màu đỏ, thích mắt là cả món quà từ bàn tay tài hoa của người Hới. Dệt chiếu tuy không có gì xa lạ nhưng đòi hỏi sự kiên trì và tình yêu của người làm ra. Dù họ chỉ quẩn quanh với công việc đơn giản, nhưng với họ đó là cả tình yêu, là sự gửi gắm tâm tình của người con quê lúa cho hạnh phúc mọi người. Đặc biệt, họ là người phục dựng và giữ gìn nét văn hóa nghề truyền thống đặc sắc. 

Về Thái Bình ngắm những đôi chiếu hoa rực rỡ, ngửi mùi thơm đậm đà đặc trưng mới cảm nhận được cả tấm lòng chân tình của những người thợ chiếu như chị Hương và chú Thái. Họ đã dệt hạnh phúc mang đi khắp nơi, dệt cả những yêu thương cho một nghề truyền thống đang dần mai một.

Đọc thêm