Những "quả bom" xăng nhiều nguy cơ phát nổ trong lòng Hà Nội

Không khó để “chỉ mặt” những cây xăng sát khu dân cư, có thể xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào. Ví như, cây xăng trên đường Tam Trinh gần đoạn giao cắt phố Minh Khai, cây xăng ở 259 đường Giải Phóng, cây xăng số 280 phố Ðội Cấn - Liễu Giai, hay tại số 1 Lương Yên, số 49 phố Ðức Giang đều là những “quả bom” rất dễ phát nổ.

Vụ cháy Trạm xăng dầu số 9 - Công ty Xăng dầu Quân đội ở số 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội) vừa qua là một hồi chuông cảnh báo về sự mất an toàn tại các cây xăng. Và việc di dời, cải tiến sự an toàn các cây xăng không đạt tiêu chuẩn, dễ gây nguy hiểm là vô cùng cần thiết.

Hiểm họa rình rập

Không khó để “chỉ mặt” những cây xăng sát khu dân cư, có thể xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào. Ví như, cây xăng trên đường Tam Trinh gần đoạn giao cắt phố Minh Khai, cây xăng ở 259 đường Giải Phóng, cây xăng số 280 phố Ðội Cấn - Liễu Giai, hay tại số 1 Lương Yên, số 49 phố Ðức Giang đều là những “quả bom” rất dễ phát nổ.

Hình ảnh đám cháy cây xăng mới xảy ra
Hình ảnh đám cháy cây xăng mới xảy ra

Đa số các cây xăng này đều nằm sát nhà người dân, cơ quan, văn phòng, các cửa hàng ăn uống, hàn xì…, đồng thời nằm trên các nút giao thông quan trọng, cho nên các phương tiện thường xuyên lấn đường chờ bơm xăng. Thậm chí vì bơm xăng mà tắc đường.

Nhiều người đặt vấn đề, rằng nếu xảy ra cháy nổ, thì mức độ thiệt hại sẽ thế nào?. “Chắc chắn không thể lường hết, bởi không chạy kịp đâu. Bây giờ tôi đi đổ xăng cũng thấy run lắm. Và đối với các văn phòng, sẽ khó mà di dời người một cách nhanh nhất”, anh Lê Hữu Chiến, một người đổ xăng tại cây xăng 179 Đê La Thành cho biết.

Vụ “bà hỏa” viếng thăm cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo vừa qua, đốt luôn hai quán cơm cạnh đó cùng một số ô tô, xe máy đã chứng tỏ sự bất cẩn của không chỉ người dân. Cả những người quản lý cây xăng cũng không khỏi liên đới trách nhiệm.

Sau vụ cháy, không ít người cạnh những cây xăng tỏ ra lo sợ. Mấy ngày nay, nhiều người đi đổ xăng cảm thấy không an tâm. Đặc biệt, tại cây xăng có địa chỉ 84/9 Ngọc Khánh không ít người e dè. Đây là cây xăng của Công ty cổ phần thiết bị xăng dầu Petrolimnex, được thiết kết dính "sát vách" với tòa nhà 5 tầng của công ty này, đồng thời chỉ cách nhà dân chưa đầy 2m.

Chị Vũ Thị Thoa, người dân trong khu vực tâm sự: “Thi thoảng lại thấy báo chí đưa tin về những vụ cháy nổ cây xăng kinh hoàng, hôm xảy ra vụ cháy cây xăng trước cửa Bệnh viện 108 tôi cũng có mặt. Đúng là sợ khủng khiếp.

Nhà gần cây xăng, nên giờ gia đình tôi cứ nơm nớp lo âu. Nếu cây xăng trong ngõ phố của Ngọc Khánh mà cháy, thì với đường hẹp như vậy, tôi không hiểu người ta sẽ chữa kiểu gì”.

Các cơ quan chức năng cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng gần 500 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu; riêng trong khu vực nội thành có hơn 100 cửa hàng. Do quỹ đất chật chội cho nên hầu hết các cửa hàng xăng, dầu không đạt quy chuẩn an toàn. Nhiều cây xăng “mọc” từ trước giải phóng, khi xây dựng thì đạt chuẩn, về sau người dân lấn ra, kinh doanh buôn bán, gây không chỉ nguy hiểm cho cây xăng, mà cho cả chính người dân.

Tìm giải pháp

Chiều 4/6/2013, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã đưa ra nguyên nhân vụ cháy. Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho rằng, trong quá trình bơm xăng từ xe bồn vào bể chứa, đã bị rò rỉ và chảy xuống rãnh nước bên đường, qua quán cơm gặp bếp than tổ ong nên đã bắt lửa.

Đám cháy diễn ra khoảng từ 13h25, và phải đến hơn 17h mới được dập tắt hoàn toàn, thời gian quá dài như vậy khiến dư luận đặt vấn đề thiết bị chuyên dụng của lực lượng cảnh sát PCCC Hà Nội không đủ yêu cầu để chữa cháy cho những tương tự.

Trong khi đó, lực lượng chức năng cho rằng, trang thiết bị hiện nay của lực lượng PCCC Hà Nội đang là những thiết bị tốt nhất, hiện đại nhất. Thế nhưng, do khối lượng xăng tại đây quá lớn nên dập tắt rất khó khăn.

Theo một số người chứng kiến dưới hiện trường, cách chữa cháy chưa chuyên nghiệp, bởi quá ít lực lượng chuyên trách, có quần áo bảo hộ. Đây là vấn đề cơ quan chuyên trách cần sớm khắc phục.

Thực tế, không phải bây giờ sự nguy hiểm của những cây xăng sát khu dân cư mới được cảnh báo.

Trước đó, ngày 5/11/2012, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Số lượng cửa hàng xăng, dầu phải xóa bỏ, di dời là 56...

Kế hoạch là như thế, nhưng đến nay sau một chặng đường khá dài của giai đoạn mà các phương án gần như vẫn nằm… trên giấy.

Tới đây Sở Cảnh sát PCCC sẽ tham mưu UBND TP Hà Nội, phối hợp cùng Sở Công Thương và một số ban ngành triển khai đợt tổng kiểm tra an toàn tại các cây xăng dầu, giúp các đơn vị thực hiện tốt hơn công tác phòng ngừa hỏa hoạn, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Đây được cho là hành động “mất bò mới lo làm chuồng”. Nhưng có vẫn còn hơn không, bởi bất cứ ai cũng có thể thấy những hiểm họa tiềm tàng ở những cây xăng không đủ quy chuẩn.

Và chỉ khi các cây xăng gần khu dân cư, trên các điểm giao cắt giao thông được di dời, bố trí hợp lý, thì khi đó, tính mạng và tài sản của người dân mới không bị đe dọa bởi những “quả bom” này.

Sơn Bình

Đọc thêm