Nỗi buồn... khoai tây

(PLO) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán thị trường nông sản có nhiều biến động vì lý do thời tiết, giá cả… khiến nhiều nông dân “khóc dở, mếu dở”.  Những người trồng khoai tây ở ở Quế Võ, Bắc Ninh cũng đang rơi vào tình trạng như vậy dù rằng vụ đông năm 2016 được mùa.
Nỗi buồn... khoai tây

Vì uy tín nên… mất giá?

Nhờ vào điều kiện thổ nhưỡng, kỹ thuật thâm canh và nhiều năm kinh nghiệm của người dân, khoai tây Quế Võ, Bắc Ninh mang lại giá trị kinh tế và được cho là nông sản sạch của vùng Đông Bắc. Theo anh Thanh, chủ hộ trồng khoai tây nhiều năm ở Thôn Chuột, Việt Hùng, Quế Võ, Bắc Ninh cho biết, các giống khoai tây được trồng chủ yếu hiện nay là Marabell, Solara (được nhập khẩu từ Đức) và giống KT2 truyền thống. Kể từ năm 2004, diện tích trồng khoai tây liên tục tăng, đến nay đạt khoảng 1.300-1.500ha mỗi năm, sản lượng bình quân hàng năm xấp xỉ 20.000 tấn. Với giá thành từ 10.000 đồng-15.000đồng/kg, trừ chi phí mỗi ha cũng thu lãi từ 40-50 triệu đồng...

Tuy nhiên, năm 2016 được cho là năm người dân được mùa khoai thì thị trường lại mất giá, khiến bà con nông dân không xoay xở xuất hết sản lượng khoai tây. Tình trạng người dân đem khoai tây bán dọc tuyến quốc lộ 18, trước cổng khu công nghiệp huyện Quế Võ cho thấy rõ nhất tình trạng bất ổn vụ mùa khoai tây Việt bị trượt giá.

Lý giải nguyên nhân này, chị Tâm chủ một số đại lý thu gom khoai tây lớn chia sẻ: “Chính vì khoai tây Quế Võ có uy tín trên thị trường và có sức tiêu thụ mạnh nên tình trạng khoai tây không rõ nguồn gốc đội lốt thương hiệu khoai tây Quế Võ, gây ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm trên thị trường. Nhất là sự trà trộn của khoai tây Trung Quốc được thương lái đưa về bán tại đây khiến giá khoai Quế Võ bị ép xuống chỉ còn 4.000 -5000 đồng/kg”.  

Trao đổi với phóng viên, nhiều nông dân bày tỏ mong muốn Nhà nước cũng như các bộ, ngành đưa ra giải pháp, phương án khắc phục, thay đổi tình trạng nông sản được mùa mất giá, đảm bảo nguồn tiêu thụ cho nông dân cũng như các chủ nông trại. Cấp thiết nhất là giải quyết triệt để thực trạng các mặt hàng nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc lất át mặt hàng Việt. 

 

Làm thế nào phân biệt khoai tây Việt và Trung Quốc?

Người tiêu dùng biết phân biệt khoai tây Việt và Trung Quốc cũng là một cách để giúp nông sản Việt lên ngôi. Về với vùng khoai tây, phóng viên đã được bà con nông dân chia sẻ cách phân biệt. 

Khảo sát trên thị trường tại khu vực chợ Ngã Tư Sở, chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội, khi người tiêu dùng mua và hỏi nguồn gốc của khoai sẽ được các tiểu thương khẳng định chắc chắn đó là khoai tây ta gắn mác khoai tây Bắc Ninh, An Giang với lời chào vô cùng hấp dẫn và mức giá khá bèo từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, khiến người mua dễ bị đánh lừa. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo khi mua khoai tây, phải biết cách phân biệt khoai tây Trung Quốc tránh rước họa nuôi bệnh ngầm trong cơ thể.

Chúng ta thường thấy trên khoai tây có một lớp đất nâu bao phủ, nhưng thực tế tiểu thương khi rửa khoai tây qua đất đen và nhuộm đất đỏ bắt mắt để khoai tây Trung Quốc biến thành khoai tây ta, khiến người tiêu dùng rất dễ bị nhầm lẫn và không thể phân biệt. Giá thành của khoai tây Trung Quốc khi nhập vào Việt Nam rất rẻ, giá từ 3.000 – 4.000 đồng/1kg. Chỉ bằng một vài kỹ xảo như vậy, tiểu thương đã phù phép cho khoai tây Trung Quốc biến thành khoai tây ta và ngay lập tức có giá thành gấp 3 đến 4 lần giá gốc. Song chất lượng khoai không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. 

Bà Chín, chủ buôn cũng là người trông khoai lâu năm tại huyện Quế Võ, Bắc Ninh chia sẻ kinh nghiệm: “Khi chọn khoai chúng ta cần so sánh kích thước của củ khoai tây. Khoai tây Trung Quốc thường to đều nhau, củ thon dài, khoai tây ta như khoai tây Bắc Ninh, được trồng tại Quế Võ thường có kích thước vừa phải, có hình bầu dục hoặc tròn, kích cỡ sẽ không bằng nhau, thậm chí còn khá chênh lệch. Có loại củ to, có loại chỉ bằng viên bi cỡ lớn hay còn gọi là khoai tây bi”.

Qua hình dạng bên ngoài của khoai tây Trung Quốc, bấm móng tay vào cảm thấy vỏ dày, thường có các chấm nhỏ li ti ở bên ngoài và mắt ở củ to. Còn đối với khoai tây ta thì thường có vỏ mỏng hơn, nên rất dễ bị trầy xước và thường có mắt ở củ nhỏ hơn.

Một cách phân biệt khác nữa là ruột khoai tây Trung Quốc bên trong màu trắng trong vì đã bị dùng chất bảo quản, còn khoai tây Việt ruột bên trong sẽ có màu trắng đục, khi chế biến sẽ có màu vàng sánh và ăn rất bùi, đậm vị, nhiều bột dẻo gắn kết nhưng không bở nát. Hay đơn giản hơn, dùng ngón tay lướt trên bề mặt cắt ngang của khoai sẽ nhận thấy rằng khoai Việt khô, khoai Trung Quốc có rất nhiều nước.

Đặc biệt, người tiêu dùng cần lưu ý, để đảm bảo sức khỏe an toàn thực phẩm, nếu khoai tây có da màu xanh hoặc nảy mầm thì không nên mua, vì chúng có thể đã được để quá lâu, mất giá trị dinh dưỡng.

Đọc thêm