Nông nghiệp công nghệ cao ở Quảng Bình: Tín hiệu vui từ mô hình điểm ở huyện Lệ Thủy

(PLO) - Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) để cho ra sản phẩm an toàn, giá trị kinh tế cao. Thời gian qua, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng những mô hình điểm, từ đó tạo bước chuyển về chất trong sản xuất nông nghiệp.
Nông nghiệp công nghệ cao ở Quảng Bình: Tín hiệu vui từ mô hình điểm ở huyện Lệ Thủy

Theo chân cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Lệ Thủy, chúng tôi đến thăm HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang ở thôn 1 Thanh Mỹ, Thanh Thủy, Lệ Thủy. Đóng vai trò là hạt nhân tổ chức liên kết, HTX đã đầu tư cơ sở vật chất (gồm đầu tư hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt,…), hướng dẫn kỹ thuật cho thành viên HTX trực tiếp sản xuất và chuyển giao kỹ thuật cho các trang trại, gia trại không thuộc thành viên HTX. Ngoài ra, HTX cũng là đầu mối liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

Đây là mô hình điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của huyện được xây dựng bảo đảm đúng thiết kế quy chuẩn; mỗi thành viên HTX có quy mô sản xuất 600m2 nhà lưới trở lên. Đặc biệt, tại đây có hệ thống tưới nước tự động theo nhiều chế độ phun và nhỏ giọt để phục vụ sản xuất. Bởi vậy, mô hình rất thích hợp áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Giai đoạn I gồm 10 thành viên, Giai đoạn II sẽ mở rộng liên kết sản xuất với các trang trại, gia trại tại các xã Cam Thủy, Hồng Thủy và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho một số gia trại tại Hưng Thủy...

Theo bà Dương Thị Vinh; Đại diện HTX cho biết: “Nhờ hỗ trợ kinh phí từ huyện nên gia đình tôi có điều kiện trồng các loại; dưa lưới, cà chua, rau màu; nuôi lợn rừng, trồng dừa, sim... quanh năm, không lo thất thu vì sâu bệnh hại mà vẫn bảo đảm an toàn”. Theo bà Vinh, các loại thuốc bảo vệ thực vật rất ít được sử dụng ở đây vì có hệ thống lưới bảo vệ tránh côn trùng xâm hại. Nếu có sử dụng thì đều là thuốc thảo mộc, không gây hại sức khỏe con người. 

Với kinh nghiệm sẵn có, nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đầu năm 2017, HTX của bà Vinh mạnh dạn sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ứng dụng CNC. Do được trồng trong nhà lưới, điều kiện chăm sóc tốt nên có nhiều loại rau, quả trái vụ, cho thu nhập cao. Hiện nguồn cung chưa đủ cầu, chủ yếu bán cho khách quen trên địa bàn.

Những năm gần đây, thời tiết khí hậu biến đổi bất thường, vì vậy đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC là bước đi đúng hướng. Theo ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện: thực hiện Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, huyện Lệ Thủy đã tập trung triển khai nhiều biện pháp thiết thực, trong đó có cơ chế hỗ trợ kinh phí… Mặc dù đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu tương đối lớn song sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã và đang được nhiều người quan tâm. 

Với những cách làm trên, hy vọng trong thời gian tới, huyện Lệ Thủy sẽ tạo ra được nhiều mô hình, từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên nhiều lĩnh vực khác, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tăng thu nhập ổn định đời sống cho người nông dân. 

Đọc thêm