“Nút thắt” nhân sự du lịch chất lượng cao

(PLVN) - Ngành công nghiệp không khói của Việt Nam đang tăng trưởng một cách mạnh mẽ, thể hiện qua con số lượng khách liên tiếp “lập kỷ lục” mới qua các năm. Nhưng đồng hành là vô vàn các bài toán nan giải, trong đó “nút thắt” nhân sự chất lượng cao là điểm hạn chế lớn của ngành du lịch.          
Hầu hết các doanh nghiệp phải thuê hướng dẫn viên là người nước ngoài thông thạo ngoại ngữ trong các tour du lịch nước ngoài
Hầu hết các doanh nghiệp phải thuê hướng dẫn viên là người nước ngoài thông thạo ngoại ngữ trong các tour du lịch nước ngoài

Thiếu và yếu

Trong 6 tháng đầu năm, chỉ tính riêng lượt du khách khách đến hai thành phố lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã thấy được sức nóng của ngành du lịch Việt Nam. Thống kê của Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết tổng lượt khách đến thành phố đến tháng 6/2019 đạt 17 triệu lượt người, trong đó có 4,2 triệu du khách quốc tế, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu ngành Du lịch trong 6 tháng đầu năm ước đạt 73.000 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Còn theo báo cáo mới nhất của Sở Du lịch Hà Nội, ước tính 6 tháng đầu năm nay, khách du lịch đạt hơn 2,6 triệu lượt khách; trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 413.446 lượt khách, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.336 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo đó, chỉ riêng lĩnh vực cư trú, tính  đến cuối năm 2020, dự kiến số lượng cơ sở lưu trú trên toàn quốc sẽ đạt sẽ đạt con số 26.800 với 532.000 phòng, tăng trung bình 10% mỗi năm bao gồm tất cả các hình thức nhà nghỉ, khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng…

Sự tăng trưởng đáng kể này gắn liền với tiềm năng lớn về cơ hội việc làm trong ngành nhà hàng khách sạn. Tuy nhiên, đứng trước cơ hội như vậy nhưng số lượng nhân lực chất lượng cao lại thiếu trầm trọng về số lượng, yếu kém về kỹ năng, trình độ và thái độ. 

Đa số cử nhân ngành du lịch đều ít có thời gian trải nghiệm thực tập thực tế
Đa số cử nhân ngành du lịch đều ít có thời gian trải nghiệm thực tập thực tế

Tình trạng này được ghi nhận tại nhiều điểm du lịch trên các đơn vị truyền thông. Đơn cử tại TP Cần Thơ, ông Trần Ngọc Ngà – Phó Giám đốc Nhà hàng khách sạn Ninh Kiều Riverside – chia sẻ luôn gặp khó khăn trong vấn đề tuyển nhân sự: “Có những nhân viên có bằng cấp ngoại ngữ đàng hoàng nhưng “gặp khách Tây thì bỏ chạy hết”, không biết xử lý thế nào”.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Bửu, Giám đốc Khu du lịch Xẻo Nhum (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), cũng cho rằng khó khăn nhất tại khu du lịch của ông không phải là vốn mà là… nhân sự: “Hiện tại mức lương trung bình của nhân viên tại khu du lịch vào khoảng 7 triệu đồng/tháng. Không trả cao vậy thì không thu hút được người làm nhưng dù trả lương cao hơn cũng chưa chắc được người làm chất lượng cao”. 

Không chỉ lao động phổ thông, lao động cấp cao có chuyên môn, nghiệp vụ nghề cộng thêm ngoại ngữ tốt cũng là bài toán nan giải. Một lãnh đạo tại khách sạn Caravelle (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Vị trí Phó Giám đốc Bộ phận ẩm thực của khách sạn có thời điểm để trống hơn 6 tháng vẫn không tìm được người phù hợp. Để có lao động cấp cao thường khách sạn phải bỏ ra một khoản chi phí rất cao. Nhưng cũng có tình trạng phổ biến là nhiều đầu bếp, thợ pha chế khi có tay nghề cao hơn lại có xu hướng “nhảy việc” qua các khách sạn khác trả lương cao hơn”. 

Hiện nhân sự phục vụ tại các khách sạn, nhà hàng đều chưa có kỹ năng ngoại ngữ mà chỉ biết phục vụ đơn thuần
Hiện nhân sự phục vụ tại các khách sạn, nhà hàng đều chưa có kỹ năng ngoại ngữ mà chỉ biết phục vụ đơn thuần

Nhiều cơ sở lưu trú cũng phản ánh bị mất nhân viên do bị đối thủ cạnh tranh mời gọi hoặc nhân viên chuyển sang các ngành dịch vụ khác có thu nhập, chế độ tốt hơn. Ví dụ, đối với các vị trí tổ trưởng, quản lý nhà hàng, quản lý khách sạn, nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải thông thạo ngoại ngữ bên cạnh chuyên môn về nhà hàng, khách sạn.

Nhưng so với tiếng Anh là tiếng phổ thông, nguồn nhân lực du lịch thông thạo các ngôn ngữ khác như tiếng Hàn, Nhật, Trung, Nga, Pháp… thiếu hơn hẳn, chưa kể tới các ngôn ngữ hiếm. Đây cũng là một thiếu sót, gây cản trở cho việc phục vụ du khách tại các nhà hàng, khách sạn hiện nay. Khi ngôn ngữ không thạo, nhà tuyển dụng buộc phải “bù đắp” bằng nhân lực người nước ngoài với mức lương cao hơn gấp nhiều lần so với nhân lực người Việt.

“Nút thắt” nhân sự

Nhận thấy, cốt lõi trong câu chuyện thiếu hụt về lượng và chất trong vấn đề nhân sự ngành du lịch là vấn đề “đào tạo”. Hiện cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp, riêng TP HCM có 63 cơ sở (24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp). Nhưng theo số liệu của Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Đáng chú ý, trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước, chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy. 

Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng phần lớn sinh viên chuyên ngành du lịch ra trường vẫn nặng lý thuyết, thiếu kiến thức thực tế, khi được nhận vào thường phải đào tạo lại từ đầu. Nhưng họ lại yêu cầu mức lương cao, và có xu hướng không gắn bó, “nhảy việc” khi được nơi khác trả cao hơn. Do vậy, nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay sẵn sàng đầu tư chi phí để đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên nhằm đáp ứng yêu cầu công việc bên cạnh việc áp dụng chính sách đãi ngộ cho nhân viên, các biên pháp để giữ chân lao động. Song, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không dễ dàng bởi hạn chế về vốn và doanh thu.

Từ đó cho thấy, đầu tư phát triển du lịch không đơn thuần chỉ chú trọng vào xây dựng cảnh quan mà việc đào tạo đội ngũ nhân sự để hướng đến sự chuyên nghiệp cũng là vấn đề quan trọng cho ngành công nghiệp không khói hiện nay. Tuy nhiên, qua nhiều năm đội ngũ nhân lực ngành du lịch nói chung, lĩnh vực lưu trú nói riêng đã bộc lộ rõ sự yếu kém về chất lượng trong kỹ năng, chuyên môn và ngoại ngữ. Đối với vị trí cấp cao cần người chuyên nghiệp, biết việc – thạo nghề, thông thạo ngoại ngữ, còn thiếu hụt trầm trọng hơn, cần phải tìm kiếm người nước ngoài.

Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo, và cơ quan quản lý nhà nước; cũng là cơ hội – thách thức đối với các ứng viên, sinh viên đang theo học ngành du lịch phải biết định hướng, trau dồi kỹ năng phù hợp với yêu cầu của ngành. Như câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Nước ta cần có 3C để tạo ra bước phát triển đột phá của ngành du lịch: đó là con người, cơ sở hạ tầng và chiến lược”.  

Đọc thêm