Phát hiện hàng loạt doanh nghiệp trộn "độc dược” vào thức ăn chăn nuôi

(PLO) - Tin từ Phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay, đơn vị này phát hiện nhiều doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại đợt thanh tra đột xuất ngày 16/11 tại Hưng Yên và Hải Dương.
Phát hiện hàng loạt doanh nghiệp trộn "độc dược” vào thức ăn chăn nuôi

Cụ thể, tại Công ty CP Dinh dưỡng Việt Nhật (Hưng Yên), đoàn thanh tra phát hiện 11 thùng chứa chất vàng ô và chất tạo màu (nhuộm giấy) có xuất xứ từ Trung Quốc. Tại đây, đoàn thanh tra đã lấy 28 mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra xem có chứa chất tạo nạc (Salbutamol) hay không.

Cùng ngày, đoàn đến Công ty TNHH TACN Trường Phú (đường Nguyễn Lương Bằng, TP. Hải Dương) và niêm phong một số thức ăn khi kiểm tra đã phát hiện chất vàng ô.

Đoàn thanh tra cũng yêu cầu Công ty Trường Phú phải có trách nhiệm thu hồi toàn bộ các sản phẩm đã cung ứng ra thị trường trong thời gian qua để tiến hành tiêu hủy.

Ông Phạm Tiến Dũng, trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, sau khi lấy 8 mẫu sản phẩm thức ăn chăn nuôi của công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi Trường Phú thì có tới 7 mẫu nhiễm chất cấm salbutamol, trong đó có mẫu vượt ngưỡng tới 60 lần (3.703 ppb).

Lực lượng liên ngành bắt quả tang, xử lý, niêm phong với các lô hàng vi phạm chất cấm của Cty Trường Phú.
Lực lượng liên ngành bắt quả tang, xử lý, niêm phong với các lô hàng vi phạm chất cấm của Cty Trường Phú. 

Tại cơ sở chế biến của công ty Trường Phú (địa chỉ tại phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương), đoàn thanh tra phát hiện có 3 thùng chất vàng-ô, trọng lượng ghi trên vỏ mỗi thùng là 30kg hoạt chất Auramine. Trong đó, chủ cơ sở thừa nhận đang sử dụng 46kg, còn 14kg chưa kịp sử dụng hết.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, cứ mỗi 200gr Auramine, sẽ trộn được 1 tấn thức ăn chăn nuôi thành phẩm để bán ra thị trường. Như vậy, với tỷ lệ này thì công ty Trường Phú đã đưa ra thị trường gần 300 tấn thức ăn chứa đầy chất kịch độc. Những chất này gây tồn dư trong cơ thể, không thể đào thải và có khả năng gây ung thư rất cao.

Theo quy định tại Thông tư mới nhất vừa được ban hành ngày 16/11 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, doanh nghiệp Trường Phú sẽ bị xử lý với hai hành vi vi phạm, mỗi hành vi bị xử phạt 140 triệu đồng và tổng tiền phạt là 280 triệu đồng. Ngoài ra, công ty này còn phải chịu mức xử phạt bổ sung, đình chỉ sản xuất 1 tháng và yêu cầu thu hồi toàn bộ các sản phẩm đã cung ứng ra thị trường.

Ăn thịt tồn dư chất vàng ô có thể gây ung thư.
Ăn thịt tồn dư chất vàng ô có thể gây ung thư. 
Cũng trong ngày 16/11, cơ quan chức năng phát hiện 1 thùng phuy màu đen chứa 20 kg chất vàng ô và 10 vỏ thùng phuy chứa hóa chất tạo màu công nghiệp giấy tại kho của Nhà máy Chế biến Thức ăn chăn nuôi và Thủy sản Thăng Long (Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên). Các thùng phuy này nằm trong kho lụp xụp, ẩm mốc. Theo thông tin trên nhãn, mỗi thùng phuy có khối lượng khoảng 30 kg, các chất phẩm màu, không được sử dụng trên thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Theo đại diện Nhà máy Chế biến Thức ăn chăn nuôi và Thủy sản Thăng Long, đơn vị này chỉ là nơi gia công cho Cty CP Dinh dưỡng Việt Nhật (địa chỉ tại Yên Mỹ, Hưng Yên). Toàn bộ công thức, nguyên liệu đầu vào, nhà kho chứa đều do Cty Việt Nhật cấp. Đoàn thanh tra đã lấy 28 mẫu cám tại Nhà máy Thăng Long để truy về Salbutamol.

Trước đó không lâu, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) kiểm tra 15 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, phát hiện 7 doanh nghiệp vi phạm sử dụng chất cấm.

Khu vực phía Bắc có 3 doanh nghiệp là Công ty Thiên Tôn (Hải Dương) sử dụng phẩm màu công nghiệp;Công ty Vinmark (Bắc Giang) sử dụng cả chất Salbutamol và vàng ô; Công ty Đại An Tín (Hải Dương) sử dụng chất Salbutamol.

Cùng ngày, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT bổ sung danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Năm loại được bổ sung gồm: VAT YELLOW 1, VAT YELLOW 2, VAT YELLOW 3, VAT YELLOW 4, Auramine và các dẫn xuất của Auramine hay còn được gọi là cơ bản màu vàng 2 (dùng trong công nghệ dệt nhuộm).

Ngoài ra, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng đang gấp rút lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo dự thảo Thông tư ban hành danh mục kháng sinh, hóa dược được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam./.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin...

Đọc thêm