“Phù thủy” gỗ lũa Tây Nguyên

(PLVN) - Đem cái đẹp để thức tỉnh lòng người - đó là một thông điệp lớn mà anh Trần Đức Vinh (SN 1974, ngụ 337 Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã và đang làm thành công. Bằng sự tài hoa và tâm hồn mẫn cảm, anh Vinh đã chuyển tải nỗi lòng của mình thay cho bao người vào những thân gỗ mục, với mong muốn về một cuộc sống an nhiên, hạnh phúc hơn.
Nghệ nhân Trần Đức Vinh bên các tác phẩm gỗ lũa nghệ thuật của mình
Nghệ nhân Trần Đức Vinh bên các tác phẩm gỗ lũa nghệ thuật của mình

Công cha, nghĩa mẹ đong đầy

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay từ nhỏ, anh Vinh đã xin cha mẹ vào chùa học chữ, học kinh từ các sư thầy. Tại đây, anh chứng kiến nhiều người khi đến viếng chùa thường lấy tay sờ lên đầu một khúc gỗ đặt phía trước, rồi lại vuốt lên đầu mình một cách thành kính. Từ đó, anh nghĩ trong gỗ có hồn và nung nấu ý định thực hiện cho được một bộ sưu tập với mong muốn giữ lại hồn của gỗ, giữ lại một chút thiêng liêng của đại ngàn. 

Anh bắt đầu những tháng ngày lang thang khắp núi rừng Tây Nguyên để sưu tập những thân gỗ lũa. Với nhiều người, những khúc gỗ lũa bề ngoài mục nát kia chắc chẳng còn mấy giá trị, nhưng dưới con mắt của anh, chúng hoàn toàn có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật. Để có thể làm sống lại được những khúc gỗ lũa vô tri, anh trò chuyện cùng người thợ điêu khắc, truyền ý tưởng để nhờ bàn tay họ biến chúng thành tác phẩm mang những thông điệp khác nhau. Đến nay, anh Vinh đã theo đuổi công việc này gần 20 năm.

Căn nhà cấp 4 của anh Vinh vừa là quán cà phê Hồn Gỗ, vừa là nơi trưng bày hơn 200 tác phẩm được tạc bằng gỗ lũa. Trong khoảng không gian còn chật hẹp này, anh đã khéo léo sắp đặt từng cụm tượng với những chủ đề riêng. 

Nhắc đến những tác phẩm của anh Vinh, đầu tiên phải kể đến bộ sưu tập “Mẹ ơi!”. “Đó cũng là bộ sưu tập đầu tay và day dứt nhất của tôi. 8 năm chăm mẹ tai biến nằm một chỗ cũng là quãng thời gian tôi day dứt vì mình chưa làm được gì nhiều. Bộ sưu tập này tôi cho ra đời năm 2000 và để dành cho chính người mẹ thân yêu của mình”, anh Vinh thổ lộ.

Khách đến tham quan các tác phẩm gỗ lũa của anh Vinh không chỉ để thưởng thức nghệ thuật mà còn chiêm nghiệm cuộc đời
Khách đến tham quan các tác phẩm gỗ lũa của anh Vinh không chỉ để thưởng thức nghệ thuật mà còn chiêm nghiệm cuộc đời

Bộ sưu tập này có tổng cộng 9 tác phẩm đã tái hiện chi tiết từng giai đoạn trong cuộc đời của người mẹ. Bắt đầu là cảnh người mẹ vui sướng chào đón đứa con của mình đến với cuộc đời này sau hơn 9 tháng mang nặng đẻ đau. Rồi, vì muốn con luôn được ấm no nên mẹ từ một người con gái trẻ trung, đầy sức sống thì nay lưng đã còng, áo đã rách theo thời gian. 

Đến một ngày, khi con cái trưởng thành tự đi tìm cuộc sống, hạnh phúc riêng của bản thân mình thì đã vô tình quên đi hình ảnh người mẹ cô độc ngày ngày vẫn ngồi đó nguyện cầu cho các con ở phương xa luôn được bình yên, hạnh phúc. Rồi khi những người con nhận ra họ có tất cả những gì mình mong ước trong cuộc sống thì cũng là lúc họ mất đi thứ quý giá nhất của cuộc đời mình, đó là mẹ.

Tương tự như bộ sưu tập “Mẹ ơi!”, anh Vinh cũng dành tất cả tâm tư tình cảm khắc họa lại cuộc đời cũng như công lao to lớn của người cha. Bộ sưu tập này được anh cho ra mắt với tên gọi “Tình cha”. 

Trong bộ sưu tập này, anh Vinh đã mô tả lại một cách sinh động cuộc đời của người cha. Tất cả vì tương lai của các con, cha sẵn sàng hy sinh tấm thân mình để che chở đời con trước những cám dỗ, sóng gió cuộc đời. Dù vất vả đến đâu thì ánh mắt của cha vẫn nhìn con đầy trìu mến và đong đầy hy vọng. 

Mỗi tác phẩm là một thông điệp về Chân - Thiện - Mỹ 

Anh Vinh không chỉ muốn những tác phẩm là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của riêng mình, mà nó còn phải mang hơi thở của cuộc sống, phục vụ đời sống. Chính vì thế, anh tiếp tục sáng tạo ra những tác phẩm nhằm phản ánh thực trạng xấu, những vấn đề đáng lên án trong xã hội đương thời. 

Trong bộ sưu tập “Nỗi lòng thai nhi”, anh Vinh tập trung phác họa hình ảnh những thai nhi vô tội không có cơ hội đến với cuộc sống này khi sớm bị cha mẹ chúng ruồng bỏ. Không biết do bàn tay tài tình của người thợ điêu khắc hay do quá xót xa trước hiện thực đau lòng trên mà chúng tôi cảm tưởng những đứa trẻ từ những thân gỗ vô tri như đang kêu khóc, oán than.

Nhìn những đàn voi một thời là biểu tượng của đại ngàn Tây Nguyên nay đành phải dời đi nơi khác với ánh mắt lưu luyến, anh Vinh đã cho ra đời bộ sưu tập mang tên “Về đâu”. Trong tác phẩm này, chú voi đầu đàn đang dẫn những thành viên trong đàn di dời từ một khu rừng trơ trọi không còn khả năng sinh tồn đến một vùng đất mới. Tuy nhiên, ánh mắt nó đang rất phân vân, nửa như muốn rời xa nơi mình đã gắn bó lâu nay, nửa như bản thân nó không biết đi về đâu nữa. Theo sau nó là một chú voi con với ánh mắt ngơ ngác như cất tiếng hỏi: “Mẹ ơi! Chúng ta đi về đâu bây giờ?”.

Ngoài ra, anh Vinh cũng sở hữu cho mình một bộ sưu tập “Phật pháp” khá đa dạng. Với anh, phật pháp là khoa học, là giáo dục con người sống sao cho tốt hơn, chứ không phải là cuồng tin, si mê một cách mù quáng. “Phật là ở trong tâm. Vì thế, mỗi một con người hãy làm việc thiện thì lòng sẽ thanh thản, sẽ thấy mình thoát tục”, anh Vinh chia sẻ.

Từ những mảnh gỗ lũa sần sùi được cọ rửa, xử lý hóa chất, nhìn ngắm, phác họa ý tưởng, rồi việc tìm thợ để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật có hồn là việc làm không dễ. Điều này đòi hỏi phải có thời gian, tiền bạc và cả niềm đam mê, sáng tạo. Thế nhưng, hơn 200 tác phẩm của anh Vinh chỉ để chiêm ngưỡng, không bán hay kinh doanh.

“Cầu mong mỗi người khi đến đây thì dành ra một phút tĩnh lặng, chiêm nghiệm cuộc đời, cuộc sống quanh ta, bởi cuộc sống luôn thúc đẩy con người ta vào sự xô bồ. Vậy nên hãy sống chậm lại và lắng lòng đôi phút để quay về với bản thể của chúng ta”, anh Vinh bộc bạch./.

Đọc thêm