Quả vải rất cần thị trường nội địa

(PLO) - Xúc tiến tiêu thụ vải thiều 2017, tỉnh Bắc Giang xác định một nửa sản lượng vải thiều sẽ được tiêu thụ ở thị trường trong nước, sau đó mới tính đến phục vụ xuất khẩu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, do thời tiết diễn biến bất thường vào cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, nên sản lượng vải thiều năm nay của Bắc Giang chỉ ước đạt 100 nghìn tấn, bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích trồng vải thiều tiếp tục được tỉnh này duy trì ở mức khoảng 30 nghìn ha. Trong đó vải thiều sớm khoảng 6 nghìn ha, sản lượng khoảng 26 nghìn tấn; còn lại là vải thiều chính vụ với sản lượng 74 nghìn tấn. 

Theo kế hoạch, thời điểm thu hoạch vải thiều sớm bắt đầu từ nay đến ngày 15 tháng 6, vải thiều muộn của tỉnh Bắc Giang sẽ thu hoạch từ ngày 15 tháng 6 đến 15 tháng 7.

Xúc tiến tiêu thụ vải thiều 2017, ngay từ đầu vụ, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều để các sở ngành địa phương chủ động tham gia ngay từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ vải thiều. Bắc Giang xác định một nửa sản lượng vải thiều được tiêu thụ ở thị trường nội địa, số còn lại sẽ phục vụ xuất khẩu.

Đối với thị trường nội địa, Bắc Giang xác định trọng tâm là các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng các địa phương lân cận; mở rộng thị trường vào các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì xuất khẩu quả vải tươi và vải qua chế biến sang Trung Quốc - nơi phần lớn vải thiều tươi được tiêu thụ ở thị trường này. Đồng thời tập trung nâng cao sản lượng xuất khẩu vào các thị trường khó tính, với giá trị cao như: Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.

Theo ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, để tránh câu chuyện “được mùa mất giá” Bắc Giang triển khai toàn diện các lĩnh vực, từ quy hoạch vùng trồng (xác định khoảng 29 nghìn đến 30 nghìn ha), đến đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất với quy trình sản xuất an toàn để nhằm nâng cao chất lượng quả vải mẫu mã quả vải đẹp hơn. Và đặc biệt quan tâm đến thị trường tiêu thụ đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều. 

“Phải kết hợp từ sản xuất, chế biến, thu mua đến tiêu thụ vải thiều để cho quả vải từ lúc sản xuất đến tiêu thụ ở thị trường được nhanh hơn đến được nhiều thị trường nhất, như vậy mới đảm bảo được giá trị quả vải đầu ra cũng như là giá cả ổn định của quả vải hàng năm” - ông Thái nói.  

Để giải quyết tốt đầu ra cho quả vải, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ NN&PTNT, Công Thương hỗ trợ kết nối cung - cầu vải thiều. Nhất là sự tham gia của những doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu để mở rộng thị trường cho vải thiều, tăng cường quảng bá vải thiều thông qua các chương trình xúc tiến thương mại.

Đọc thêm