Quảng Ninh: Cán bộ quản lý thị trường dừng xe “không đúng quy trình”, lộ diện doanh nghiệp bán gas chui

(PLO) - Tài xế chiếc xe vận chuyển gas tố cáo 3 công chức của Đội QLTT số 5 thuộc Chi Cục quản lý thị trường Quảng Ninh dừng xe vận chuyển gas không đúng quy định đã khiến Chi Cục quản lý thị trường phải tạm đình chỉ công tác 3 công chức để xác minh, làm rõ. Nhưng, phía sau sự việc là góc khuất về một hành vi kinh doanh gas trái phép của chính người tố cáo.
Quảng Ninh: Cán bộ quản lý thị trường dừng xe “không đúng quy trình”, lộ diện doanh nghiệp bán gas chui

Bán gas chui…

Trước những thông tin về việc 3 công chức thuộc Đội QLTT số 5 sử dụng xe cá nhân để dừng một xe tải vận chuyển gas không đúng quy định, ngày 28/5/2018, Chi Cục quản lý thị trường đã có quyết định tạm đình chỉ công tác của 3 công chức trên trong thời hạn 10 ngày để làm rõ vấn đề theo đúng quy định của pháp luật về quy định cán bộ công chức.

Ngày 30/5/2018, trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thoại, Chi Cục phó Chi Cục QLTT Quảng Ninh cho biết, hiện nay Đội QLTT số 5 đã có báo cáo toàn bộ sự việc gửi lãnh đạo Chi cục, UBND TP Hạ Long và Thường vụ Thành ủy TP Hạ Long theo đúng quy định về quản lý, sử dụng công chức. Chi Cục quản lý thị trường đang kiểm tra, làm rõ và sẽ thông tin đầy đủ cho các cơ quan thông tin về sự việc liên quan đến việc 3 công chức của đơn vị.

Để làm rõ sự việc này, Báo Pháp luật Việt Nam đã làm việc với một số nhân chứng và phát hiện một sự thật khá bất ngờ liên quan đến người đã tố 3 công chức của Đội QLTT số 5.

Theo anh Phan Anh Hà (SN 1973), quản lý kinh doanh của Công ty TNHH Trần Hồng Quân và cũng là đại diện của thương hiệu Hồng Hà Gas tại Quảng Ninh thì sự việc có diễn biến hoàn toàn không giống như những gì người đứng đơn tố cáo phản ánh với các cơ quan truyền thông. Theo đó, ngày 26/5 một số nhân viên của doanh nghiệp gas trên địa bàn TP Hạ Long phản ánh có một xe ô tô mang biển kiểm soát tỉnh Hải Dương là 34C- 10767 vận chuyển gas và chào hàng cho các cửa hàng bán lẻ gas khu vực phường Giếng Đáy, TP Hạ Long theo kiểu “bán hàng lưu động”. Việc bán hàng như trên là không đúng với quy định của pháp luật về kinh doanh sản phẩm khí hóa lỏng. Chiếc xe này đã chào hàng và giao nhận một số bình gas, loại 12kg cho cửa hàng gas Việt Phương và tiếp đó là cửa hàng gas Thành Công tại phường Giếng Đáy.

Hai bình gas mang nhãn hiệu Đại Lộc và SheH Vip do xe bán gas BKS 34C-10767 bán cho cửa hàng gas Việt Phương
Hai bình gas mang nhãn hiệu Đại Lộc và SheH Vip do xe bán gas BKS 34C-10767 bán cho cửa hàng gas Việt Phương

Trước thông tin từ nhân viên thị trường báo về, anh Phan Anh Hà đã gọi diện thoại cho các chủ cửa hàng trên để xác minh và quả đúng như vậy. Lúc đó, chiếc xe bán gas lưu động này đã di chuyển về khu vực cửa hàng gas Thạch Lam (ngã ba Ba Lan, phường Giếng Đáy, Hạ Long) để tiếp tục chào bán hàng. Thông tin về việc bán hàng không đúng pháp luật này đã được đại diện các công ty gas thuộc Chi hội Gas Quảng Ninh báo cáo với Đội QLTT số 5 để kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

Theo chị Nguyễn Thị Huyền, chủ cửa hàng gas Thạch Lam thì chiều 26/5, một chiếc xe tải mang biển kiểm soát của tỉnh Hải Dương đã đến cửa hàng gas của vợ chồng chị Huyền để chào hàng. Đi theo xe có 3 người, bao gồm cả lái xe. Những người này đã mời cửa hàng gas Thạch Lam mua gas nhãn hiệu SheH –VIP và Đại Lộc và chị Huyền đồng ý mua 26 bình gas. Trong lúc chị Huyền về nhà lấy tiền thanh toán, chủ hàng đã thực hiện giao hàng. Đúng thời điểm này, ông Bùi Tố Bắc, Kiểm soát viên thị trường thuộc Đội QLTT số 5 đến và yêu cầu kiểm tra giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh gas. Những người bán gas không hợp tác và bốc toàn bộ số hàng trên lên xe, thu hồi số giấy tờ liên quan và cho xe tải chạy ra quốc lộ 18, theo hướng Tuần Châu – Hà Nội.

Lộ diện doanh nghiệp vi phạm  

Ông Đỗ Văn Tấn, chủ cửa hàng gas Việt Phương cũng khẳng định, chiều 26/5, chiếc xe tải trên đã đến chào bán gas mang nhãn hiệu SheH-Vip và Đại Lộc gas Khi chào hàng họ không đưa bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc mua bán gas và cửa hàng gas của ông Tấn cũng không có hợp đồng mua bán gas với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, được thuyế phục nên ông Tấn cũng đã mua 6 bình. Khi biết sự việc kinh doanh gas không đúng pháp luật của chủ phương tiện vận chuyển gas này, ông Đỗ Văn Tấn đã quyết định ngừng kinh doanh sản phẩm đã nhập từ chiếc xe tải mang biển kiểm soát của tỉnh Hải Dương này. Một chi tiết nữa khiến ông Đỗ Văn Tấn giật mình là khi kiểm tra lại hóa đơn bán hàng do nhóm người “bán gas dạo” cung cấp thì trên hóa đơn không ghi tên doanh nghiệp bán hàng; không ghi rõ nội dung liên quan đến các sản phẩm gas đã được bán.

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, đại diện 6 doanh nghiệp kinh doanh gas trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho biết, sự việc diễn ra như phản ánh của các cửa hàng gas tại địa bàn TP Hạ Long phản ánh đã xuất hiện ở TX Đông Triều và các địa bàn khác của tỉnh Quảng Ninh. Các đơn vị này đã chỉ đích danh doanh nghiệp đang có hành vi bán gas dạo, xâm nhập thị trường bằng việc bán gas giá rất thấp chính là Công ty cổ phần Hải Dương Gas, đơn vị đang sử dụng hai nhãn hàng là SheH – Vip và Đại Lộc gas. Cũng theo đại diện 6 doanh nghiệp gas Quảng Ninh, giúp sức cho việc bán gas dạo của Hải Dương Gas là chủ Công ty THT 68, có trụ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Xe tải 34C-10767 giao hàng cho cửa hàng gas Thành Công (ảnh do bạn đọc cung cấp)
Xe tải 34C-10767 giao hàng cho cửa hàng gas Thành Công (ảnh do bạn đọc cung cấp)

Như vậy, việc công chức của Đội QLTT số 5 kiểm tra phương tiện vận chuyển gas là chiếc xe tải BKS 34C-10767 xuất phát từ phản ánh của công dân và doanh nghiệp về hành vi bán hàng có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh khí hóa lỏng. Song, với những gì đang diễn ra lại cho thấy một kịch bản ngược đời. Những công chức đang tích cực thực hiện việc đấu tranh ngăn chặn gian lận thương mại và kinh doanh trái phép lại rơi vào tình cảnh bị tạm đình chỉ công tác để báo cáo giải trình còn người thực hiện việc mua bán gas có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật lại trở thành “bị hại”. 

Theo Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng VPLS Ánh sáng Công lý, ĐLS Hà Nội thì việc kinh doanh khí hóa lỏng được quy định tại Nghị định 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp phân phối khí  hóa lỏng chỉ được bán hàng cho các đầu mối, tổ chức bán lẻ trong hệ thống phân phối thuộc doanh nghiệp quản lý; phải đăng ký hệ thống phân phối. Việc một doanh nghiệp mang sản phẩm đi “bán dạo”, bán “chui” cho các cửa hàng ngoài hệ thống phân phối đã đăng ký, không có hợp đồng mua bán là trái quy định của pháp luật. Do đó, nếu có bằng chứng rõ ràng về việc vận chuyển gas đi bán dạo như phản ánh thì cơ quan quản lý thị trường phải kiểm tra, xử phạt và ngăn chặn để đảm bảo việc kinh doanh mặt hàng gas đúng pháp luật và an toàn cho người tiêu dùng.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm