Quỹ Nâng cao sức khỏe có hạn chế được tác hại rượu, bia?

(PLO) - Trong Dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, một trong những phương án mà Bộ Y tế đề xuất nhằm huy động nguồn kinh phí cho phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng chính là lập Quỹ nâng cao sức khỏe.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lập Quỹ nâng cao sức khỏe từ Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá?

Trong Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, về việc huy động nguồn kinh phí cho phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe công đồng, Bộ Y tế đưa ra hai phương án: một là phương án có Quỹ nâng cao sức khỏe và một phương án không có quỹ này.

Cụ thể, kinh phí cho phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng được huy động từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia, được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và nguồn thu hợp pháp khác.

Trong đó, một trong những phương án được Bộ Y tế đề xuất là lập Quỹ nâng cao sức khỏe. Quỹ này được đổi tên và tổ chức lại Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, gồm khoản đóng góp của các đơn vị sản xuất rượu bia như đã kể trên và đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá quy định tại Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Quỹ nâng cao sức khỏe là cơ quan thuộc Chính phủ (hoặc Bộ Y tế), là quỹ quốc gia có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng do Thủ tướng Chính phủ thành lập, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Quỹ.

Quỹ nâng cao sức khỏe hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính của Quỹ cho các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia và các hoạt động nâng cao sức khỏe cộng đồng khác.

Quỹ nâng cao sức khỏe được sử dụng theo các nguyên tắc: Quỹ chỉ được sử dụng cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá và nâng cao sức khoẻ cộng đồng và chi phí quản lý hành chính vận hành Quỹ theo quy định của Chính phủ, bảo đảm cân đối tỷ lệ chi cho các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá, rượu, bia và nâng cao sức khoẻ khác.

Nội dung chi của Quỹ căn cứ vào kế hoạch hoạt động hằng năm, chương trình, chiến lược ngắn hạn, dài hạn, mục tiêu ưu tiên trong từng giai đoạn. Quỹ được thực hiện kiểm toán hàng năm theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng quỹ phải công khai, minh bạch, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tài chính của Quỹ. Định kỳ 02 năm một lần, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động và việc quản lý sử dụng Quỹ nâng cao sức khỏe.

Giải thích về đề xuất này, Bộ Y tế cho biết, giải quyết các vấn đề liên quan đến hậu quả của rượu, bia là một quá trình lâu dài với một chính sách nhất quán, một nguồn lực ổn định, gắn liền với mục tiêu nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, kinh phí cho công tác nâng cao sức khoẻ cộng đồng chưa được Nhà nước bảo đảm. Hiện nay, mới chỉ có hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá có kinh phí từ nguồn thu bắt buộc của các doanh nghiệp thuốc lá. Các hoạt động nâng cao sức khoẻ và phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa được bố trí kinh phí riêng mà chỉ lồng ghép trong các hoạt động chung về y tế.

Trong khi đó, hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang khuyến khích xã hội hóa để huy động nguồn lực xã hội trong phát triển đất nước. Việc tạo lập được một nguồn kinh phí bền vững từ xã hội hóa có ý nghĩa tích cực và có tính nhân văn cao, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa y tế. 

Nghi ngờ về hiệu quả của Quỹ

Bình luận về đề xuất này của Bộ Y tế, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia, rượu đang gặp nhiều khó khăn như giá nguyên liệu tăng, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và đang chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 65%. Chính phủ đã có chủ trương giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có nội dung về giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Do đó việc quy định doanh nghiệp phải đóng góp thêm 1-2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào Quỹ nâng cao sức khỏe là không phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ và sẽ làm cho doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, Hiệp hội quan ngại về tính hiệu quả của việc thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe. Đề xuất lập Quỹ này không nhất quán với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm biên chế khối công chức, viên chức. Đồng thời Quỹ trực thuộc Chính phủ không phải là phương thức hiệu quả nhất để đạt được những kết quả mong muốn, vì theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, Quỹ chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đầy đủ (“Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động của quỹ chỉ hai năm một lần).

Dự thảo đề xuất kết hợp quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và quỹ phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn vào chung một Quỹ sẽ dẫn tới việc sử dụng ngân quỹ do ngành rượu, bia đóng góp để hỗ trợ những vấn đề khác, không liên quan tới ngành. 

“Kinh nghiệm từ hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, cho đến nay đã cho thấy mô hình này không thành công và không phải là phương pháp hiệu quả nhất để giảm tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Nguyên tắc và mục tiêu của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá tập trung vào giảm lượng tiêu thụ thuốc lá, nhưng kết quả lại cho thấy tiêu thụ thuốc lá vẫn đang tăng lên” – Hiệp hội băn khoăn bày tỏ. 

Ngoài ra, việc đánh đồng rượu, bia với thuốc lá là không phù hợp trong khi chính sách chủ trương cho 2 ngành hàng này là hoàn toàn khác nhau: đối với thuốc lá là chủ trương giảm tiêu thụ - do không có bất kỳ phương thức nào để sử dụng thuốc lá an toàn; còn đối với rượu, bia là chủ trương phát triển ngành một cách có trách nhiệm song hành với mục tiêu giảm tình trạng lạm dụng và nghiện đồ uống có cồn – do sản phẩm rượu, bia khi sử dụng có chừng mực là hoàn toàn an toàn cho sức khỏe. 

Do thế, Hiệp hội cũng khuyến nghị, cần phải xem xét, đánh giá đầy đủ về hiệu quả hoạt động của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá trước khi áp dụng mô hình này cho các loại sản phẩm khác như đồ uống có cồn/bia.

Hiệp hội cũng khuyến nghị bỏ đề xuất thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe vì khoản ngân sách hiện đang được các công ty kinh doanh/sản xuất đồ uống có cồn dành cho các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về đồ uống có trách nhiệm nên được ghi nhận để tạo động lực giúp các công ty này tiếp tục tự thực hiện các chiến dịch nói trên. 

Đọc thêm