Siết chặt kinh doanh đa cấp

(PLO) - Chỉ trong 10 tháng đầu năm đã có 25 công ty đa cấp bị “xóa sổ” đưa số DN hiện đang kinh doanh ngành nghề nhạy cảm này xuống còn 42 DN, một nghị định mới về kinh doanh đa cấp cùng đang được xây dựng với những điều kiện khắt khe hơn để được kinh doanh đa cấp…
Theo Dự thảo Nghị định, trường hợp hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo có quy mô từ 200 người trở lên, Sở Công Thương có trách nhiệm cử đại diện tham dự để giám sát. Ảnh minh họa
Theo Dự thảo Nghị định, trường hợp hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo có quy mô từ 200 người trở lên, Sở Công Thương có trách nhiệm cử đại diện tham dự để giám sát. Ảnh minh họa

“Xóa sổ” 25 công ty đa cấp

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, tính đến đầu tháng 11/2016, đã có tới 25 công ty đa cấp bị “xóa sổ”, trong số 25 DN bị xóa sổ có 14 công ty bị thu hồi giấy phép; 11 DN tạm ngừng và chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC). Như vậy, số DN hiện đang hoạt động chỉ còn 42 so với con số 67 DN năm 2015. 

6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ hoạt động BHĐC  đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của các DN nước ngoài là khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần, doanh thu của các DN trong nước là khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần). Các DN đã tiến hành chi trả tiền hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác với số tiền gần 712 tỷ đồng cho người tham gia BHĐC.

Số lượng người tham gia BHĐC đang hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 là khoảng 500.000 người (giảm 57% so với cùng kỳ năm 2015 (hơn 1,16 triệu người). Trong 6 tháng đầu năm, các DN BHĐC đã nộp các loại thuế với tổng số tiền là 452 tỷ đồng.

Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp chủ yếu là: thực phẩm chức năng (51,27%), mỹ phẩm (31,65%), đồ gia dụng (12,33%).

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, thời gian qua, hoạt động BHĐC có nhiều biến tướng, ảnh hưởng đến người dân tham gia mạng lưới. Các vi phạm phổ biến, gồm các vi phạm của các DN đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC; vi phạm của các DN tuy có bán hàng theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính.

Đối với 2 trường hợp sau, do pháp luật đã cấm nên có thể coi là tội phạm và phải bị xem xét xử lý hình sự. Trên thực tế, nhiều sai phạm theo hình thức này đã bị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xử lý hình sự như các vụ việc Golden Rock, Colony Invest, Diamond Holiday, MB24, Tâm mặt trời…

Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, trước năm 2016, vì một số lý do khách quan và chủ quan, công tác quản lý hoạt động BHĐC đạt hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân được chỉ ra là do các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động BHĐC mặc dù đã được sửa đổi theo hướng thắt chặt quản lý nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được các hình thức lách luật tinh vi, phức tạp của các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để trục lợi.

Bên cạnh đó, do hoạt động BHĐC diễn ra trên cơ sở phương thức truyền miệng và không có địa điểm cố định nên công tác quản lý và phối hợp giữa cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.

Hoàn thiện pháp luật

Theo Bộ Công thương, Nghị định 42/2014/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động BHĐC không còn đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Bản dự thảo Nghị định thay thế Nghị định đã được Bộ Công Thương xây dựng với nhiều nội dung bổ sung để  tăng cường kiểm soát, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xử lý vi phạm đối với hoạt động BHĐC, hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của DN BHĐC và người tham gia BHĐC. Nghị định nhằm không để xảy ra tình trạng lợi dụng phương thức kinh doanh đa cấp để huy động vốn trái phép.

Theo Dự thảo DN kinh doanh đa cấp phải là DN thành lập tại Việt Nam, phải ký quỹ tại một NHTM hoạt động tại Việt Nam  với một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng. Tài khoản tiền ký quỹ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của DN và chỉ được rút, sử dụng khi có văn bản đồng ý của Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC.

Dự thảo cũng quy định DN kinh doanh đa cấp phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối để nhà phân phối có thể truy cập và truy xuất các thông tin liên quan đến hoạt động BHĐC của họ. Máy chủ quản lý phải được đặt tại Việt Nam và cung cấp quyền truy cập tài khoản quản lý khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Thông tin về DN, sản phẩm, giá sản phẩm và kế hoạch trả thưởng, quy tắc hoạt động phải công khai trên trang web của DN; có đường dây nóng để giải đáp thắc mắc, khiếu nại của nhà phân phối và người tiêu dùng.Phải xuất hóa đơn bán hàng cho từng nhà phân phối, khách hàng. Thanh toán tiền hoa hồng, tiền thưởng bằng chuyển khoản.

Để bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHĐC, dự thảo nâng mức ký quỹ tối thiểu lên 10 tỷ đồng, hàng năm DN phải thực hiện ký quỹ tương ứng với quy mô mạng lưới hoặc doanh thu của DN. Dự thảo cũng bổ sung quy định DN không được tổ chức các hoạt động trung gian thương mại để mở rộng mạng lưới BHĐC.

Đồng thời  bổ sung quy định cấm người tham gia BHĐC đã từng bị xử phạt do không tuân thủ các quy định về quản lý kinh doanh đa cấp  được tham gia vào hoạt động BHĐC. DN BHĐC phải   đăng ký tại Sở Công Thương  và chỉ được phép   BHĐC sau khi có xác nhận đăng ký BHĐC bằng văn bản của Sở Công Thương.

Trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương, DN BHĐC phải chỉ định một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để chịu trách nhiệm đối với hoạt động BHĐC của DN và thay mặt DN làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó. 

Dự thảo cũng quy định, DN BHĐC chỉ được phép tổ chức hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo tại các tỉnh, TP nơi DN có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Trong trường hợp hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo có quy mô từ 200 người trở lên, DN có trách nhiệm mời Sở Công Thương tham dự và Sở Công Thương có trách nhiệm cử đại diện tham dự để giám sát.

Ngoài việc ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Bộ Công thương cho biết, trong năm 2017, Bộ sẽ triển khai sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC; Đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi, kiến nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu, bổ sung quy định về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật Hình sự 2015. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động BHĐC trên toàn quốc. 

Từ tháng 6/2015 đến tháng 11/2016, Bộ Công Thương đã kiểm tra, khởi xướng điều tra 65 vụ việc đối với các Cty BHĐC, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng. Bộ Công Thương đã tiến hành thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động BHĐC đối với 25 DN.

Theo số liệu báo cáo của địa phương, từ đầu năm 2016 đến nay, 38/57 Sở Công Thương đã tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các DN BHĐC hoạt động trên địa bàn. Đã có 37 Sở Công Thương ra quyết định xử phạt 21 DN đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC với 65 trường hợp vi phạm với số tiền phạt là gần 4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp với tổng số tiền xử phạt gần 5 tỷ đồng (57 Chi cục có kết quả kiểm tra xử lý, 6 Chi cục đang trong quá trình xử lý vi phạm). 

Ngoài ra, trên cả nước đã phát hiện và xử lý 18 DN BHĐC nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC theo quy định với số tiền phạt là 653 triệu đồng.

Đọc thêm