Sử dụng băng đĩa ở nhà hàng, khách sạn: Làm rõ quy định để tránh thu tác quyền bừa bãi

(PLO) - Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ quy định pháp luật để tránh việc thu tác quyền trùng lặp, bừa bãi.
Sử dụng băng đĩa ở nhà hàng, khách sạn: Làm rõ quy định để tránh thu tác quyền bừa bãi

Thế nào là “sử dụng trực tiếp/gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố”?

Khoản 2 Điều 34 Dự thảo nói trên quy định “sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại… là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh, thương mại khác”.

Cốt lõi trong quy định trên là việc “sử dụng trực tiếp/gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh thương mại”. Tuy nhiên, quy định này lại không làm rõ thế nào là “sử dụng trực tiếp/gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố” mà thực chất chỉ giải thích (đưa ví dụ) về “các hoạt động kinh doanh thương mại”.

Trên thực tế, quá trình triển khai thu tiền nhuận bút, thù lao khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh thương mại thời gian qua cho thấy đây là vấn đề rất vướng mắc, vì vậy cần được xử lý rõ ràng trong Nghị định này.

Ví dụ, về việc thu tiền quyền tác giả của các sản phẩm âm nhạc tại khách sạn/cơ sở lưu trú du lịch, việc yêu cầu các cơ sở lưu trú phải trả tiền tác quyền khi sử dụng các sản phẩm âm nhạc thông qua các ti vi ở trong phòng lưu trú gây nhiều băn khoăn cho đối tượng áp dụng. Bởi, tivi trong phòng khách sạn do khách hàng sử dụng, và không có gì  đảm bảo là khách hàng sẽ sử dụng tivi hay khi sử dụng thì có mở xem các chương trình ca nhạc hay không. 

Trong trường hợp khách hàng không sử dụng/không xem các chương trình ca nhạc trên tivi, đồng nghĩa với việc khách sạn sẽ không khai thác bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động kinh doanh của mình, do đó việc phải trả tiền tác quyền trong trường hợp này là không hợp lý. Nói cách khác, việc thu đồng loạt tiền tác quyền cho các sản phẩm âm nhạc được phát sóng trên tivi thông qua đếm số lượng tivi trong các phòng lưu trú chưa phù hợp với bản chất của việc thu tác quyền các bản ghi âm, ghi hình.

Chỉ trả tiền tác quyền một lần, khi sử dụng tác phẩm

Hơn nữa, ngay cả khi khách hàng mở xem các chương trình âm nhạc phát sóng trên các tivi này thì cũng cần phải làm rõ đây bản chất là việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình hay sử dụng chương trình phát sóng (có nội dung là các tác phẩm ghi âm, ghi hình)? Nếu là sử dụng chương trình phát sóng thì quy định này sẽ dẫn đến cách hiểu: Cơ sở lưu trú phải trả tiền cho sản phẩm ghi âm, ghi hình và cho chương trình phát sóng (suy đoán là phần lớn đang sử dụng các kênh truyền hình trả tiền), tức trả 02 lần tiền tác giả cho một sản phẩm mà mình sử dụng. Điều này là chưa hợp lý.

“Để đảm bảo tính minh bạch trong chính sách và phù hợp với bản chất tác quyền, đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ hơn về các khái niệm “sử dụng trực tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại” và “sử dụng gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại” – văn bản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nêu rõ – “Khi định nghĩa/giải thích cần chú ý bảo đảm các yêu cầu: người sử dụng chỉ phải trả tiền tác quyền khi có sử dụng tác phẩm; người sử dụng chỉ phải trả chi phí một lần một việc sử dụng của mình”.

Ngoài ra, trong Dự thảo Luật này, khoản 3 Điều 20 quy định về việc trả tiền quyền tác giả, quyền liên quan, theo đó người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải “thỏa thuận về việc trả tiền quyền tác giả, quyền liên quan cho người lưu giữ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian và được hưởng quyền tác giả đối với phần nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu của mình”. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp rất khó để xác định người đang lưu trữ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, do vậy yêu cầu người sử dụng các tác phẩm này phải liên hệ và trả tiền quyền tác giả, quyền liên quan cho người lưu trữ sẽ rất khó khăn trên thực tế. 

Hơn nữa, tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian được xem là tài sản chung của cộng đồng, phản ánh các giá trị văn hóa cộng đồng, cần được khuyến khích giữ gìn, bảo tồn. Việc sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian cũng là một trong những hình thức bảo tồn và lưu giữ, góp phần truyền tải đến công chúng, cần được khuyến khích, tạo điều kiện. Do đó, yêu cầu phải trả tiền quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tác phẩm này dường như chưa hợp lý.

Đọc thêm