Sự thật về món bánh mì dưa hấu đang gây “sốt“

(PLO) - Thời gian gần đây, người tiêu dùng khắp các tỉnh, thành đang “phát sốt” với bánh mì dưa hấu. Tuy nhiên, đằng sau những chiếc bánh đẹp mắt, an toàn, ngon lành như quảng cáo ấy là sự thật trái ngược.

Sự thật về món bánh mì dưa hấu đang gây “sốt“
Bánh mì dưa hấu làm điên đảo thị trường
Xuất phát từ ý tưởng của một tiệm bánh ở Đài Loan, bánh mì dưa hấu không chỉ “làm mưa làm gió” trên thị trường thực phẩm mà còn đem lại lợi nhuận khổng lồ cho những người kinh doanh nó. Tuy nhiên, sau khi ăn thử, không ít người tiêu dùng phải để lại những lời cảnh báo đáng lưu tâm cho những thực khách tò mò về thứ bánh này. 
Mục sở thị chiếc bánh gây "sốt", chúng tôi hiểu vì sao nhiều bạn trẻ lại yêu thích loại bánh này đến thế. Bánh mì dưa hấu có hình dáng rất ấn tượng. Bánh hình vuông, có màu xanh lá bao trùm bên ngoài. Sau khi cắt, miếng bánh càng trông giống hình dưa hấu với vỏ xanh, ruột đỏ và hạt dưa đen.
 Theo tìm hiểu, công đoạn làm bánh không khác gì bánh mì gối bình thường. Người làm tiến hành trộn đều đường, men nở, muối, bột mì với nhau rồi cho thêm nước, bơ, trứng gà nhào đều bằng máy trộn. Sau đó họ ủ bột để bột nở lên gấp đôi. Với bánh mì gối thông thường, người làm bánh cho hỗn hợp vào khuôn rồi đem nướng. Nhưng bánh mì dưa hấu sẽ phải tạo hình cầu kỳ theo phương pháp thủ công. 
Nghĩa là, họ chia bột ra làm 3 phần, một phần trộn màu đỏ, phần khác trộn màu xanh lá, và cuối cùng là trắng. Tất cả từng phần này sẽ được bọc lại. Sau khi hoàn thành, vỏ bánh có vị trà xanh, ruột đỏ vị dâu tây, ruột vàng vị xoài, còn hạt được làm từ nho khô… Người bán còn thêm hương vị đặc trưng cho chiếc bánh bằng việc quấy một lớp sốt phô mai để chấm riêng. 
Sự thật đằng sau chiếc bánh mì dưa hấu
Được biết, sau khi ra mắt loại bánh này, chủ tiệm ở Đài Loan đã tạo nên cơn sốt trên toàn châu Á. Tiệm bánh ngày nào cũng trong tình trạng quá tải, không chỉ người dân Đài Loan, nhiều khách du lịch cũng thích mua một ổ bánh mì gối dưa hấu để làm quà. 
Nắm bắt được thị hiếu của khách, trang web taobao, một website tiêu dùng của Trung Quốc đã nhanh chóng rao bán bánh mì dưa hấu để đáp ứng nhu cầu của mọi người. Một số bạn trẻ ở Việt Nam cũng đặt bánh mì dưa hấu qua website này và bán lại cho những người yêu thích.
Giải thích về cơn sốt bánh dưa hấu, Mai Lê Phương - một bạn trẻ nhập bánh dưa hấu về bán cho biết, mọi người đa số lấy sỉ từ chị D.T.T.K. Chị là người đầu tiên làm bánh dưa hấu và đưa ra mức giá 90.000 đồng/ổ. Mỗi ngày, tiệm bánh này nhận gần 1000 đơn đặt hàng từ khắp các tỉnh thành, chủ yếu đặt sỉ để đem bán lại, doanh thu có ngày tới 60 triệu đồng. Nhiều nơi khác còn bán giá cao hơn, từ 100.000 – 160.000 đồng/ổ. 
Theo phản ánh, giá thành mua cao thế nhưng hình dáng bánh không đẹp như lời quảng cáo. Thậm chí, nó còn bị gắn mác “treo đầu dê bán thịt chó”. 
Do “ăn theo” nên ai có chút “hoa tay” cũng thử làm bánh mì dưa hấu để kiếm lời. Họ đưa ra mức giá cạnh tranh từ 45.000 – 100.000 đồng/ổ, nhưng chất lượng không đảm bảo. Phương từng nhập bánh từ một nguồn khác với giá rẻ hơn của chị D.T.T.K. Nhưng sau khi nhận hàng bạn phải chịu lỗ, không dám giao cho khách vì bánh quá méo mó, hương vị bánh không giống với ban đầu. 
Cũng như Phương, Hạ My (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Mình thấy mới đầu đăng bán ai cũng đăng hình loại nhập, đến lúc bán thì bánh khác hẳn hình”.
Ngoài ra, bánh mì dưa hấu còn bị người tiêu dùng khiếu nại có nhiều phẩm màu, gây hại cho sức khỏe. Không ít người hiếu kì khi xem hình trên mạng muốn ăn thử bánh theo phong trào, đến khi nhận bánh về thì “ngã ngửa”. 
Chị Huyền (Đống Đa, Hà Nội) hoảng hồn khi nhận được chiếc bánh chưa chín, hình dáng không giống quảng cáo, ruột bánh lồ lộ nhiều phẩm. Sau khi quay clip để phản ánh hình dạng thật của chiếc bánh trên facebook, chị chia sẻ: “Rút kinh nghiệm lần sau mua bán gì phải nhìn thật kĩ. Nhận được bánh mà tôi thấy ghê quá. Nhân bánh bột kiểu gì mà ướt nhèm, phẩm màu thì loang lổ, vỏ ngoài thì cháy xém, ăn thử một miếng thì mùi vị rất kinh. Bán hàng phải có tâm một chút. Bánh này trẻ con ăn nhiều hơn người lớn, mình cũng làm mẹ nên khi nhận hàng mình chấp nhận lỗ luôn, còn hơn cho các bé ăn”. 
Đồng quan điểm, Lê Phan Ngọc Lan (Hàng Mắm, Hà Nội) cho biết: “Bánh mì dưa hấu tuy đẹp mắt nhưng mình khuyên mọi người không nên ăn. Bánh đầy phẩm màu, mẹ mình từng bị đi ngoài vì ăn thử. Mình có bầu nên chồng không cho ăn nữa”.
Giải thích về khiếu nại nhiều phẩm màu, người bán hàng cho hay: “Màu xanh của vỏ bánh do trộn trà xanh, phần ruột dưa hấu trộn siro dâu nhưng đồng thời vẫn phải dùng thêm màu thực phẩm để cho bánh lên màu tươi hơn. Liều lượng màu rất ít và mình vẫn ăn và cho bé nhà mình nhom nhem bình thường”. 
Tìm đến cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh nổi tiếng trên phố Nguyễn Khoái, chúng tôi được biết: Phẩm màu xịn không gây hại cho sức khỏe người dùng, nhưng phẩm màu “đểu” thì khó nói trước được. Ở Hà Nội có rất nhiều cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh, các chủ tiệm bánh handmade thường đến chọn mua đồ về làm. Các nguyên liệu làm bánh cũng có nhiều loại với giá cả khác nhau để người dùng lựa chọn. 
Thông thường, người làm bánh ở nhà thường dùng loại sản phẩm Americolor có giá 60.000 đồng/lọ xuất xứ từ Mỹ, Singapore để tạo màu. Ngoài ra, thị trường vẫn có loại phẩm rẻ hơn như màu Rayner 20.000 đồng/lọ, Vcolor 15.000 đồng/lọ, thậm chí cả phẩm màu Trung Quốc để làm giảm giá thành sản phẩm. 
Không ai biết chắc được tại tiệm bánh sử dụng nguyên liệu gì để tạo màu. Do đó, người tiêu dùng nên cân nhắc kĩ khi ăn./.

Đọc thêm