Tai vạ bản quyền từ những cú nhấp chuột

(PLO) - Hết vụ việc này đến vụ việc khác bị phanh phui, nhưng câu chuyện vi phạm bản quyền ở Việt Nam chưa bao giờ hết nóng. Và hậu quả của nó đôi khi phức tạp và rất khó xử lý, không hề đơn giản như “một cú nhấp chuột”. 
Tai vạ bản quyền  từ những cú nhấp chuột

Câu chuyện “lấy ảnh từ internet”

Mới đây, quyển sách “Chim Việt Nam” đã được NXB Đại học quốc gia Hà Nội quyết định thu hồi và tiêu huỷ toàn bộ. Lý do của việc tiêu hủy này là từ phản ứng của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh khi thấy ảnh của mình “bỗng dưng” xuất hiện trong quyển sách mà không hiểu lý do. Ngay sau đó, PGS. TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, đồng tác giả quyển sách cũng đã thừa nhận việc mình lấy ảnh minh họa từ internet, không tra rõ nguồn gốc để xin phép các tác giả.

Câu chuyện “lấy ảnh từ internet” dường như đã quá quen thuộc và trước đến nay cũng gây không ít “họa” cho những người thực hiện.

Một chương trình lễ hội lớn trong nước, nhưng đạo diễn sơ suất đến mức lấy ảnh minh họa màn hình trình chiếu từ internet, để rồi khi bị tác giả phản ứng, đã “bỡ ngỡ” vì nghĩ đó là chuyện nhỏ. Ngay cả chương trình của Đài truyền hình quốc gia, thế nhưng không ít lần lại bị phát hiện sử dụng ảnh từ internet để làm backdrop cho các chương trình phát sóng. Chuyện nhiều sách ảnh lấy hình từ internet làm “của riêng”, sách in ra để kinh doanh là không hiếm.

Hàng năm, các nhiếp ảnh gia cũng liên tục “than” ảnh mình bị đưa vào sách, banner quảng cáo, ảnh minh họa các cuộc thi, hay chiến lược kinh doanh du lịch, bất động sản… Nhiều người nổi tiếng cũng gặp tình trạng tương tự khi hình ảnh của họ xuất hiện tại các biển hiệu quảng cáo lớn nhỏ của website chuyên về làm đẹp, kinh doanh mỹ phẩm, quần áo, hay ở các… cửa hiệu cắt tóc gội đầu ven đường.

Đó là chưa kể đến vô vàn các sự kiện, chương trình lớn nhỏ lạm dụng việc tải ảnh từ internet, nhưng vì quá nhỏ nên tác giả không buồn lên tiếng. Số những người lên tiếng chỉ là số nhỏ so với con số vi phạm thực sự. 

“Xài chùa” ảnh từ internet cũng đã gây ra không ít câu chuyện “dở khóc, dở cười” không chỉ liên quan đến chuyện bản quyền.

Đơn cử, một quyển sách về lịch sử đã phải tiêu hủy vì “lỡ” lấy ảnh minh họa một sự kiện lịch sử từ internet, nhưng thiếu may mắn lại lấy nhầm ảnh chế, có nội dung hài hước, xuyên tạc. Một lần, một đài truyền hình cũng đã bị dư luận phản ứng mạnh mẽ sau khi phát sóng một chương trình về “dạy làm người”, vì lấy hình tải từ internet là hình của… Trung Quốc, trong khi câu chuyện hoàn toàn là Việt Nam.

Có thể kiện

Nghiêm trọng hơn là hành vi “chôm chỉa” ảnh người khác từ facebook cá nhân cho những mục đích riêng của mình. Mới đây, nữ diễn viên Hoài An đã rất bức xúc cho biết, hình ảnh cá nhân của cô đăng trên facebook đã bị một tài khoản lạ lấy về và đăng lên nhằm mục đích… môi giới hôn nhân.

Nữ diễn viên đã tìm mọi cách liên hệ, gây áp lực, cuối cùng tài khoản nói trên mới chịu gỡ hình ảnh và thông tin xuống. Rất nhiều trường hợp tương tự cũng đã xảy ra với những bức ảnh được đăng trên trang cá nhân mạng xã hội. 

Chị Thùy Dương, một giáo viên ngụ quận 3 đã rất bức xúc khi một ngày thấy ảnh con mình xuất hiện trong một thông báo chiêu sinh lớp học múa của một trung tâm. Tấm ảnh nói trên chị đăng lên cách đây hai tháng khi con chị mới trở về từ lớp năng khiếu. Vì bé xinh xắn, vóc dáng chuẩn nên Trung tâm nói trên đã tự ý tải về để lấy ảnh bé quảng cáo cho chương trình của mình.

Chị Dương kể, chị đã năm lần, bảy lượt gọi điện, nhắn tin yêu cầu trung tâm kia thay ảnh bé đi nhưng phía trung tâm… làm lơ. Sau đó, chị Dương được biết hình ảnh minh họa nọ đã được thiết kế và in làm tờ rơi với số lượng vài ngàn, khó mà thu hồi được. Chị quyết định nhờ luật sư kiện trung tâm này.

“Chôm” ảnh từ internet sử dụng tùy ý, hậu quả phức tạp có thể xảy đến không chỉ cho người bị “chôm”, mà trước hết, người “chôm” sẽ lãnh ngay hậu quả: sự mất danh tiếng, uy tín, lãng phí tiền bạc khi buộc phải tiêu hủy tác phẩm, sản phẩm, thậm chí dính vào kiện tụng, bồi thường… Các vụ việc đình đám, tai tiếng vì tùy ý dùng ảnh trên mạng không phải ít nhưng vẫn liên tục diễn ra. Chung quy lại, tất cả nằm ở vấn đề ý thức. Một khi chuyện lấy ảnh đã trở thành một thói quen, một chuyện đương nhiên, thì đôi khi người “chôm” ảnh cũng quên mất hành vi mình làm là sai trái. 

Nếu thói quen xấu ấy không được thay đổi, đó là một bước cản trở lớn trên con đường đến với hội nhập quốc tế. Bởi, câu chuyện kinh doanh, văn hóa, nghệ thuật, khi bước chân ra môi trường quốc tế không đơn giản chỉ là chuyện xí xóa, tiêu hủy hay xin lỗi… 

Đọc thêm