Tái xuất thuốc lá điếu nhập lậu: Lợi bất cập hại!

(PLO) - Trước ý kiến một số địa phương đề xuất tái xuất thuốc lá nhập lậu để tăng nguồn thu các chuyên gia pháp lý cảnh báo: nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn tới tình trạng quay vòng thẩm lậu
Tái xuất thuốc lá điếu nhập lậu: Lợi bất cập hại!

Tái xuất – Nguy cơ thẩm lậu cao

Ý kiến cho tái xuất thuốc lá lậu xuất phát từ quan điểm lợi ích kinh tế, tuy nhiên không ít những bất cập trong quá trình thực thi đã được các chuyên gia chỉ rõ.

Theo đại diện Bộ Y tế, Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam là thành viên quy định: “Khoản 4c Điều 15 của FCTC quy định “tiến hành các bước thích hợp để đảm bảo rằng tất cả các phương tiện sản xuất, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và các sản phẩm thuốc lá bị tịch thu được tiêu hủy, sử dụng các phương pháp tiêu hủy không ảnh hưởng đến môi trường ở những nơi có thể, hoặc hủy bỏ theo đúng pháp luật trong nước”; Khoản 5 Điều 26 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định việc xử lý thuốc lá nhập lậu được thực hiện theo quy định của Chính phủ; Quyết định số 2371/QĐ- TTg ngày 26/12/2014 của Chính phủ quy định về việc tiêu huỷ thuốc lá nhập lậu cũng đã quy định rõ: “thực hiện tiêu huỷ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu”.

Thực tế, để bảo quản các sản phẩm sau khi tái xuất không quay trở lại Việt Nam, viết tái xuất phải được thực hiện bằng đường biển và phải xuất đến các quốc gia không có đường biên giới với Việt Nam. Tuy nhiên, thống kê của nhà chức trách cho thấy rất ít các công ty thu mua đáp ứng được quy định này. Bên cạnh đó, việc tìm được thị trường tái xuất cũng là vấn đề khó khăn bởi sản phẩm thuốc lá muốn được nhập khẩu chính thức vào các nước phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật đối với sản phẩm thuốc lá của nước nhập khẩu. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc tái thẩm lậu thuốc lá đã được đưa đi tái xuất trở lại thị trường trong nước.

Theo số liệu của Bộ Công thương, hầu hết các sản phẩm thuốc lá tái xuất đều không được tái xuất sang các nước có ghi trong hợp đồng. Như vậy việc tái xuất vừa không đạt được hiệu quả kinh tế vừa không đạt được mục tiêu của việc tái xuất và đa số các tỉnh trọng điểm về buôn lậu thuốc lá theo báo cáo số 18/BC-BCĐ 389 ngày 8/8/2016 ủng hộ việc tiếp tục thực hiện tiêu huỷ thuốc lá.” – Thứ trưởng Bộ Y Tế - Phạm Lê Tuấn khẳng định.

Đồng tình quan điểm không tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, Bộ Tư Pháp cho rằng, việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu đòi hỏi phải có số lượng lớn, trong khi có nhưng trường hợp tịch thu thuốc lá nhập lậu với lượng ít, trường hợp này phải cần có nơi cất và bảo quản thuốc lá để đợi khi có đủ số lượng mới thực hiện tái xuất, vậy sẽ phát sinh thêm các chi phí khác để cất giữ và bảo quan thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.

Thực tế, Năm 2012, Chính phủ cũng đã từng thí điểm cho tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu theo Quyết định số 1112/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2012. Sau hai năm thực hiện thí điểm cho thấy phương án này có nhiều bất cập trong cả khâu kiểm soát và thực hiện. Việc cho tái xuất thuốc lá đã có dấu hiệu thẩm lậu lại thị trường. Trước đây, tại Quảng Trị lực lượng chức năng đã đánh dấu một lô thuốc lá lậu trước khi cho tái xuất nhưng chỉ một gian ngắn, chính lô thuốc lá ngoại nhập lậu này lại “tái xuất” ngược vào nội địa.

Phản đối đề nghị tái xuất, Hiệp hội Thuốc lá cũng chỉ ra rằng, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ việc thẩm lậu, quay vòng lại tiếp diễn như thời điểm trước đây. Minh chứng điều này, Hiệp hội cho biết, qua công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá đã cho thấy chủng loại thuốc lá điếu nhập lậu vào Việt Nam rất đa dạng, nhưng chủ yếu là thuốc lá JET và HERO, chiếm khoảng 80%. Đây là nhãn hiệu chủ yếu được sản xuất tại Indonesia và nhập lậu vào Việt nam thông qua đường biên giới của nước ta với Lào và Campuchia. Các sản phẩm này không in cảnh báo sức khỏe, không in nơi sản xuất, không in thời gian sản xuất và không có giấy xác nhận chất lượng của một cơ quan nào. Các loại thuốc lá giá thấp như Golden Deer, Ram, Nelson…cũng tương tự như vậy. Do đó nếu các loại thuốc lá nhập lậu được tái xuất, thì nguy cơ quay tái thẩm lậu về Việt nam là rất cao.

“Thuốc lá khi muốn xuất sang nước khác một cách chính thức thì phải in bằng tiếng nước nhập khẩu nên rất khó tìm được thị trường thích hợp. Chính vì vậy, việc tái xuất “đi đâu” là rất khó. Bên cạnh đó, theo quy định thuốc lá nhập lậu không được tái xuất cho các nước cho chung biên giới, không được tái xuất bằng đường bộ. Việc tái xuất thực hiện qua cửa khẩu quốc tế (các cảng biển quốc tế, như vậy, khi thuốc lá lậu chỉ cần vượt qua phao số 0 lại sẽ tìm đường thẩm lậu vào thị trường nội địa”, đại diện Hiệp hội này nhấn mạnh.

Tiêu hủy thuốc lá lậu: phương án hữu hiệu

Theo Ban Chỉ đạo 389, thực hiện quyết định 2371/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 về việc thực hiện thuốc lá nhập lậu được tịch thu đã được các cơ quan chức năng thực hiện đúng quy định pháp luật và có sự tham gia giám sá chặt chẽ của các lực lượng chức năng của các địa phương và hiệp hội thuốc lá. Các lực lượng chức năng không tập trung kiểm tra và tiêu hủy, không cần tổ chức thêm nhân sự làm đầu mối thu gom, giao tái xuất cũng như giám sát các hoạt động có liên quan đến tái xuất và thâm lậu vào thị trường nội địa.

Ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch Hiệp hội cho biết, việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập theo Quyết định số 2371/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 đang phát huy tác dụng tích cực. Ngay sau khi có Quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 19/2015/TT-BTC ngày 03 tháng 02 năm 2015, hướng dẫn cơ chế huy động nguồn kinh phí đóng góp từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá để hình thành Quỹ phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả (gồm có kinh phí hỗ trợ tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu), theo đó nâng mức hỗ trợ kinh phí cho công tác bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả từ 1.100 đ/bao lên 3.500đ/bao 20 điếu, không phân biệt giá các loại thuốc. (Dự kiến mức này sẽ tăng lên 4.500 đ/bao từ 1/1/2017).

Trong năm 2015, năm đầu tiên thực hiện tiêu hủy thuốc lá đếu nhập lậu và hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, đã bắt giữ được 15.064 vụ, tịch thu 10.754.247 bao, tiêu hủy 10.147.156 bao. 32 tỉnh, thành phố đã tham gia vào công tác tiêu hủy. Trong đó có các tỉnh, thành phố tiêu hủy với số lượng trên 100.000 bao là : Long An, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, TP.HCM, Quảng Trị, Kiên Giang, Hải Phòng, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, Quảng Bình, Bình Phước. Đã huy động trên 33 tỷ đồng theo Thông tư 19/2015/TT-BTC và đã chuyển cho các lực lượng trực tiếp bắt giữ và Ban Chỉ đạo 389 địa phương.” – ông Cường cho biết.

Theo Bộ Công thương, việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu đã phát huy tác dụng làm giảm thuốc lá nhập lậu 30% so với năm 2014, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu hợp pháp trong nước phục hồi sản xuất. Nộp ngân sách nhà nước tăng hơn 1.000 tỷ đồng (6,2%).

Để đảm bảo công tác chống buôn lậu thuốc lá có hiệu quả, tránh thất thu ngân sách và chảy máu ngoại tệ, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Công an làm việc với Tổng Cục Hải quan và các cơ quan tại những nước mà trước đây các địa phương đã tái xuất thuốc lá lậu sang để kiểm tra xem có đúng thuốc lá lậu có được tái xuất từ Việt Nam sang thị trường đó không? Các công ty nhập khẩu thuốc lá lậu có thực sự tồn tại không? hay toàn bộ số thuốc lá lậu đó lại tái thẩm lậu vào Việt Nam? Trên sơ sở các căn cứ đó để đưa ra quyết định tiêu hủy hay tái xuất.

Theo BCĐ 389 Quốc gia thuốc lá lậu đã và đang trở thành vấn nạn quốc gia, trung bình hàng năm xấp xỉ gần 1 tỷ bao thuốc lá ngoại nhập lậu vào tiêu thụ trong nước (chiếm 20-22% thị trường), gây thất thu ngân sách hàng năm từ 6.000 đến 6.500 tỷ đồng... Mặc dù lực lượng chức năng trên cả nước, đặc biệt là các địa phương thường diễn ra tình trạng nhập lậu như: An Giang, Tây Ninh, Long An, Quảng Trị, Quảng Ninh, Lạng Sơn... đã tăng cường kiểm soát nhưng số lượng bắt giữ vẫn chỉ như “muối bỏ bể”, chiếm khoảng hơn 1%.Box thông tin

Đọc thêm