Tăng xử phạt trong lĩnh vực du lịch: Doanh nghiệp chưa “tâm phục khẩu phục”!

(PLVN) - Quy định siết chặt việc quản lý du khách của các doanh nghiệp (DN) lữ hành và tăng mức xử phạt nếu để khách Việt bỏ trốn khi đi du lịch nước ngoài hoặc khách nước ngoài trốn tại Việt Nam, đang khiến các hãng lữ hành lo ngại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phòng làm ăn chộp giật 

Ngày 21/5, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch (Nghị định 45). Theo đó, từ 1/8 tới đây, nếu các DN lữ hành để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái phép, mức phạt sẽ lên tới gần 100 triệu đồng. Đồng thời, kèm hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12- 18 tháng. Ngoài ra, các mức phạt tại Nghị định 45 đều tăng so với trước, nhiều hành vi vi phạm sẽ bị tước giấy phép hoạt động.

Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, để du lịch phát triển thành nền kinh tế mũi nhọn, bộ phận lữ hành là bộ phận tiên phong bởi sứ mệnh khai thác thị trường, làm nên sự hấp dẫn, thu hút được khách du lịch cho Việt Nam, cũng là những người chăm sóc cho khách du lịch suốt cuộc hành trình. Vì vậy, những người làm lữ hành phải nắm được pháp luật, hiểu được văn hóa, phong tục tập quán và rất nhiều kiến thức khác.

Cả nước đang có trên 10.000 DN lữ hành cả quốc tế lẫn nội địa, nhưng thực tế nhiều đơn vị lữ hành còn chưa đọc kỹ Nghị định, đến khi bị kiểm tra, xử lý thì viện dẫn thông tin lập lờ như hợp đồng miệng, tin nhắn…

Cũng theo ông Bình, các DN lữ hành cần nắm kỹ Nghị định 45, bởi các quy định rất cụ thể. “Điều này là cần thiết để các DN không thể làm bậy, làm ăn trá hình được. Làm ăn kiểu chộp giật sẽ bị siết chặt, việc tổ chức đi du lịch tự phát trái phép khó mà “đầu xuôi đuôi lọt”,... Tuy nhiên, nếu không nắm vững từng điều khoản, DN rất dễ bị phạt…”, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam lưu ý.

Hồ sơ xin visa “đẹp” vẫn bỏ trốn như thường

Tuy nhiên, đại diện nhiều DN du lịch lại cho rằng hành vi bị xử phạt theo Nghị định 45 chưa rõ ràng khi không đề cập đến các yếu tố khách quan và chủ quan, động cơ của khách hay trách nhiệm của DN du lịch trong các trường hợp khách bỏ trốn.

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, ông Trần Văn Long cho rằng, vấn đề khách Việt Nam bỏ trốn khi đi du lịch nước ngoài là nỗi lo thường trực của bất cứ DN lữ hành outbound (là những chương trình du lịch nước ngoài tổ chức cho khách Việt Nam - PV) nào. Một năm có mấy trăm ngàn khách đi du lịch nước ngoài nên ông Trần Văn Long thừa nhận, dù kiểm tra hồ sơ kỹ đến mấy, hướng dẫn viên có kiểm soát chặt chẽ đến mấy nhưng khách đã có ý định bỏ trốn thì khó mà phát hiện được. Trên thực tế, có hồ sơ xin cấp visa du lịch làm giả 100%.

“Tôi nhớ nhất một khách 65 tuổi đăng ký tour châu Âu nhưng trốn ở lại  Đức, khiến Công ty từng bị Đại sứ quán Pháp dừng cấp visa 4 năm. Hồ sơ visa cho thấy khách có điều kiện kinh tế tốt, gia đình ổn định, nhưng khi điều tra mới biết người này bỏ trốn để ở cùng con gái và chăm cháu. Sau này Công ty buộc phải lách bằng cách bỏ ra 500 triệu đồng ký quỹ để lập DN outbound mới”, ông Long kể.

Theo ông Long, với quy định mới tại Nghị định 45, sắp tới, nếu khách du  lịch bỏ trốn lại nước sở tại DN lữ hành không chỉ bị phạt, mà còn bị rút giấy phép kinh doanh 12 - 18 tháng thì quá nặng, lại bị mang tiếng “làm bậy”, cơ hội khôi phục hoạt động rất khó. “Trong khi, một năm có tới cả chục, thậm chí mấy chục khách bỏ trốn, chẳng lẽ cứ đóng DN này lại mở DN khác để kinh doanh đưa khách đi du lịch nước ngoài?”, ông Long lo lắng.

Đại diện Công ty Kim Liên Travel khẳng định, nhiều DN mặc dù đã làm rất tốt việc kiểm tra xét tuyển hồ sơ, nhưng vẫn có trường hợp khách bỏ trốn nếu họ cố tình. Tuy nhiên, Nghị định 45 lại chưa nói rõ đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên.

“Có những tour chúng tôi đưa khách đi Hàn Quốc và để xảy ra tình trạng  khách bỏ trốn, mà hồ sơ xin visa thì rất “đẹp”: làm việc nhiều năm tại một cơ quan Nhà nước, sổ bảo hiểm đóng dày cộp. Trích xuất camera thì thấy rõ ràng rằng hướng dẫn viên đã đưa đoàn về nghỉ ngơi với đầy đủ quân số, nhưng sau đó, 1-2 giờ sáng thì thấy du khách tự ý đi ra khỏi khách sạn và không quay trở lại. Trong trường hợp ấy thì quả thật là chúng tôi cũng… chịu, không thể nào quản lý được” – đại diện Công ty Kim Liên Travel nói. 

Khách tách đoàn đi shopping, hãng lữ hành có bị phạt?

“Khi sự cố xảy ra (khách bỏ trốn, khách vi phạm quy định của nước sở tại,...) phải báo cáo với ai, cơ quan nào nếu tình huống đó xảy ra ngoài giờ hành chính? Bên cạnh đó các DN cũng đề nghị làm rõ quy định về việc phạt tiền lên đến 40 triệu đồng đối với trường hợp “không quản lý khách du lịch theo chương trình du lịch đã thỏa thuận với khách du lịch”, đặt câu hỏi, liệu việc du khách xin tách đoàn đi mua sắm thì có bị liệt kê vào danh sách vi phạm và bị xử lý hay không?”

Đọc thêm