Tết này quýt hồng Lai Vung khan hàng

(PLVN) - Quýt hồng vốn là đặc sản nổi tiếng vùng đất Lai Vung (Đồng Tháp), đưa huyện phía nam Đồng Tháp trở thành “vương quốc quýt hồng”. Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho quýt hồng Lai Vung. 
Sản lượng quýt hồng Tết này sụt giảm nhiều tại Lai Vung
Sản lượng quýt hồng Tết này sụt giảm nhiều tại Lai Vung

Từ nhiều năm nay, bà con nơi đây không chỉ trồng quýt hồng trong vườn cây ăn quả mà còn đưa quýt lên chậu, phát triển thành sản phẩm chưng Tết hút khách. Tuy nhiên, năm nay mặt hàng này sản lượng giảm nhiều, dự báo nguồn cung ra thị trường Tết Nguyên Đán 2020 sẽ khan hiếm.

Do điều kiện về đất trồng mà quýt hồng Lai Vung chỉ tập trung ở bốn xã Vĩnh Thới, Tân Thành, Tân Phước và Long Hậu. Hơn 20 năm trong nghề, đồng thời cũng là người khởi xướng việc đưa quýt hồng lên chậu kiểng, ông Lưu Văn Ràng (ngụ xã Vĩnh Thới) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây quýt thất mùa. 

Thứ nhất, dịch bệnh hoành hành. Thứ hai, đất trồng nơi đây đã lâu năm và nông dân lạm dụng nhiều phân bón nên đất thoái hóa, không màu mỡ như trước. Thứ ba là cây giống chưa được đảm bảo chất lượng. Cuối cùng, nghiêm trọng nhất là biến đổi khí hậu. “Người ta nói nếu muốn phục hồi lại như xưa thì phải chuyển sang trồng loại cây khác, ba bốn năm sau mới trồng quýt tiếp. Hiện không ít bà con đã bỏ nghề, chuyển qua trồng chuối”, ông Ràng kể.  

Nặng tình với ruộng vườn, ông Ràng nghiên cứu phương pháp cải thiện cây trồng. Cho rằng việc ô nhiễm, bụi bẩn là nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến việc hấp thụ dinh dưỡng và khả năng sinh trưởng của cây, ông dùng những tấm lưới bao phủ lên phía trên vườn quýt. Những tấm lưới này ban ngày có tác dụng che ánh nắng mặt trời, hạn chế tác động xấu của tia cực tím; ban đêm che sương mù, giúp cây tránh nhiễm bụi bẩn.

Nhờ áp dụng cách thức này mà những chậu quýt của lão nông vẫn đạt chuẩn và “cháy hàng”. Tết này, vườn nhà ông Ràng dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 220 chậu quýt kiểng, giá từ 1,5-6 triệu đồng/chậu. “Bây giờ trời không cho thì mình phải tự cứu mình thôi. Bà con ai cũng muốn quýt đạt hiệu quả và bội thu khi đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, tài sản vào đó; mà năm nay lại không ít hộ phải chịu thua lỗ”, ông Ràng thở dài. 

Người nông dân phải mất 30 tháng chăm sóc, nuôi cây rất cực nhọc mới chờ được ngày thành quả. Thế nhưng không phải lúc nào cũng thu được kết quả tốt. Cũng là một chủ vườn có tiếng ở xã Vĩnh Thới, ông Hà Thanh Hồng (69 tuổi) rầu rĩ khi vườn quýt trên 400m2 của ông năm nay hao hụt số lượng đáng kể. Nếu năm trước vườn ông cung ứng khoảng 250 chậu quýt kiểng, năm nay số lượng chỉ còn chừng 150 chậu. Lý do từ thời tiết, dịch bệnh dẫn đến tình trạng vàng lá, thối rễ. Cạnh đó, nhiều cây không thể cho trái nên không đạt yêu cầu bán ra thị trường. Đến nay số lượng chậu quýt của ông đã được các thương lái từ TPHCM, Bình Dương… đặt mua gần hết.

Ngoài quýt hồng vô chậu, ông Hồng còn trồng thêm bưởi Diễn, một loại quả đặc sản vốn chỉ có ở miền Bắc, lúc trước mua nhánh từ Hà Nội về trồng. Ông chiết nhánh để trong bọc 3 tháng rồi sau đó đưa lên chậu, trồng khoảng hai năm rưỡi cây bắt đầu cho trái.

Ông cho hay bưởi Diễn cũng dễ trồng như những loại bưởi miền Tây. Loại cây này lại có điểm nổi bật hơn là khả năng kháng bệnh tốt hơn những loại khác. Đến công đoạn xử lý ra hoa cho cây mới gặp khó, phải mất nhiều thời gian. Khi cây bắt đầu ra hoa, ông điều chỉnh nước, mỗi cây cho từ 5-10 trái và khoảng tám tháng sau, vừa đúng dịp Tết bưởi chín, trái lớn có thể nặng đến 1,5kg.

Người dân thường mua chậu bưởi Diễn về để chưng Tết giống như quýt hồng nhưng lại không bán chạy bằng quýt hồng. Dù bưởi Diễn ở đây hiếm nhưng do nhu cầu của bà con chưa cao nên số lượng cây ông Hồng đầu tư không nhiều. “Bưởi Diễn chưng Tết xong có thể ăn được, quả ngọt, không có vị chua, nhưng lại có hậu đắng”, ông Hồng nhận xét.

Đọc thêm