Thanh toán cho game: Thẻ cào điện thoại có phải là “đường sống” duy nhất?

(PLO) - Ngay sau khoảnh khắc bị “mất phương hướng” do nhà mạng đột ngột “cắt” kênh thanh toán bằng thẻ cào điện thoại, các doanh nghiệp (DN) nội dung số, trong đó có DN game, đang có những động thái tích cực cho thấy, không cần thẻ cào điện thoại, vẫn có những kênh thanh toán khác vừa phù hợp với game vừa tiện lợi cho cơ quan quản lý…
Thẻ game được nhiều người coi là một biện pháp thanh toán tiện cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Thẻ game được nhiều người coi là một biện pháp thanh toán tiện cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

“Cái giá” của sự phụ thuộc…

Như Báo PLVN đã đưa tin, các nhà mạng VinaPhone và Viettel đã bất ngờ gửi thông báo cho các DN nội dung số về việc tạm dừng thanh toán bằng thẻ cào điện thoại để “rà soát hoạt động” kể từ ngày 23/4. Đến 0h ngày 24/4, MobiFone cũng có động thái tương tự. 

Sau cả một thời gian dài phụ thuộc vào kênh thanh toán bằng thẻ cào điện thoại, khi các nhà mạng đột ngột có động thái trên, không có gì khó hiểu khi phản ứng đầu tiên của các DN nội dung số là… bức xúc và kêu khóc, bởi tình cảnh chung của cả ngành là doanh thu sụt thẳng đứng 50 – 60%, thậm chí cá biệt có những nhà phát hành game nhỏ doanh thu bị sụt tới 90%. 

Đây là điều khó tránh khỏi khi mà trước khi thông báo tạm cắt dịch vụ, nhà mạng không có bất cứ cảnh báo hay hướng dẫn nào đối với các DN nội dung số về việc triển khai giải pháp thanh toán thay thế. Hậu quả là không một DN nào kịp trở tay khi chặn kênh thanh toán chủ lực, chiếm tới hơn 90% dòng tiền chảy vào sản phẩm của họ.

Đến lúc phải “tự đứng”

Tuy nhiên, trong lúc các DN nhỏ vẫn đang nháo nhác chạy đi gõ cửa kêu than các nơi thì một số DN nội dung lớn đã nhìn ra vấn đề: Cũng đã đến lúc thị trường nội dung số nói chung và game nói riêng không thể tiếp tục lệ thuộc vào thẻ cào điện thoại và các nhà mạng “chung thân” được nữa, nhất là khi ỉ vào quyền lực của kênh thanh toán này, nhà mạng đã ép giá “ăn chia” đối với các đối tác nội dung số theo một tỷ lệ “đắng ngắt” suốt nhiều năm qua. 

Nhân hành động dứt khoát cắt thanh toán của nhà mạng, một số DN nội dung đã quyết định “biến sự cố thành cơ hội” khi quyết định đầu tư trở lại cho hệ thống phân phối thẻ game của mình, vốn bị gác lại hoặc thu hẹp tối đa kể từ sau khi thẻ cào điện thoại gia nhập thị trường thanh toán cho game. Từ chỗ chiếm hơn 65% thị phần thanh toán vào năm 2012, cho đến trước thời điểm 23/4/2018, tất cả các loại thẻ game chỉ còn chiếm khoảng 6% thị phần, tức là bằng 1/10 so với cách đây 6 năm.

Theo nguồn tin riêng của PLVN, các DN game như Garena, VNG, MyG, MeCorp… đều đang tích cực khôi phục lại hệ thống phân phối thẻ game của mình…

Sự hồi phục mạnh mẽ

Nguồn tin riêng nãy cũng cho biết, trong tiến trình hồi phục để lại “tự đứng trên đôi chân của mình”, Garena tỏ ra rất nhanh nhạy khi ngay trong đợt lễ 30/4 – 1/5 đã thương thảo xong với các đại lý của chính nhà mạng trên toàn quốc và đưa thẻ Garena phân phối qua hệ thống này một cách rộng khắp. Kết quả là doanh số thẻ Garena đang tăng một cách chóng mặt trong nửa đầu tháng 5. 

Tương tự, hiện đang có khoảng 7000 đại lý bán thẻ Zing của VNG qua hệ thống Esale.zing.vn của Công ty Thanh Sơn. Ngoài ra, thẻ Zing hiện còn hợp tác phân phối qua nhiều đối tác như Thế giới di động, Payoo, Tiki, Sendo… Ngoài việc tăng cường hệ thống, phát triển đội ngũ Esales, đại lý thì trong thời gian tới, VNG dự định sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và tăng cường hệ thống nhận diện các điểm bán thẻ Zing để thuận tiện hơn cho người dùng, hay cải thiện độ phủ cho thẻ bằng cách phát triển thêm hệ thống esale đến các vùng sâu, vùng xa…

Ngay cả thẻ game của các DN nhỏ hơn cũng đang liên tục mở rộng độ phủ và tiêu thụ rất tốt, chẳng hạn như thẻ BIT của MyG, thẻ Gate của MeCorp… 

Các tín hiệu ban đầu đang cho thấy rõ điều này. Doanh thu của Garena, VNG, MyG, MeCorp… đều đang phục hồi khả quan, dao động ở mức 60-80% doanh thu trước đây. Họ thậm chí đang kỳ vọng có thể quay trở về mức cũ (như trước khi bị nhà mạng dừng thanh toán) trong vòng 3 tháng tới. 

Các DN game nhỏ có thể đang lưỡng lự và e dè vì từ lâu, họ đã quen với việc lệ thuộc vào nhà mạng, dù cho tỷ lệ doanh thu từ thanh toán thẻ cào điện thoại mà nhà mạng giữ lại lên tới 15 – 16%. Nhưng phải chăng, đã đến lúc thị trường cần các DN game tự có thẻ game riêng của mình? Doanh nghiệp nhỏ, không đủ điều kiện tự phát hành thì có thể kết nối, sử dụng thẻ game của các DN lớn, có đầy đủ giấy phép game và chức năng phân phối thẻ, có giấy phép cung cấp dịch vụ thanh toán cũng như có năng lực hệ thống, tài chính… 

Hướng tiện lợi cho nhà quản lý?

Theo các chuyên gia game, hình thức thanh toán này có nhiều điểm lợi: DN game/nội dung số được tự chủ hơn, thoát cảnh bị các nhà mạng chèn ép. Mặt khác, sau vụ việc Rikvip, bản thân cơ quan quản lý cũng có thể kiểm soát thị trường hiệu quả hơn: Việc nắm số lượng cũng như doanh thu của game có phép phát hành ra thị trường sẽ nhanh hơn, và khi có vấn đề phát sinh thì sẽ dễ dàng khoanh vùng để xử lý mà không lo ảnh hưởng tới toàn thị trường giống như trường hợp sử dụng thẻ cào hay một loại thẻ thanh toán/cổng thanh toán chung. 

Cũng theo phân tích của các chuyên gia, dù việc mở rộng độ phủ cho thẻ game cần có thời gian, nhưng nếu không quyết tâm làm thì việc thanh toán cho game sẽ mãi là quan hệ một chiều giữa nhà mạng và nhà phát hành game. Câu chuyện “ăn chia” không công bằng giữa nhà mạng với DN nội dung số đã gây bức xúc từ rất nhiều năm nay, nên dù có thể gặp khó khăn trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài lại chính là cơ hội để ngành nội dung số thoát ra khỏi sự luẩn quẩn đó và phát triển mạnh mẽ hơn.

Động thái của các DN game đặc biệt có ý nghĩa, khi hiện tại, phương án cho việc có cho thẻ cào điện thoại được thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông hay không vẫn chưa được chốt. Vẫn đang có nhiều luồng quan điểm khác nhau giữa các cơ quan quản lý đối với vấn đề này. Trong đó, nhà mạng, bất ngờ, lại là những người ủng hộ việc cho thanh toán trở lại với lý do: doanh thu thẻ cào điện thoại sụt giảm mạnh sau khi tạm dừng thanh toán cho các dịch vụ nội dung số và game. 

Được biết, mới đây Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã tổ chức một cuộc họp với các DN game để lắng nghe các ý kiến, đề xuất của DN liên quan đến vấn đề này. Quan điểm của đơn vị này là muốn hỗ trợ các DN game nhỏ, vì vậy có thể sẽ đề xuất cho thanh toán thẻ cào điện thoại trở lại, nhưng chỉ là với những dịch vụ có phép. 

Nhưng từ góc độ khác, Cục Viễn thông vẫn nhấn mạnh việc dùng một hàng hóa chuyên dùng như thẻ cào điện thoại để thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông là “vấn đề rất phức tạp và nằm ngoài phạm vi quản lý” của viễn thông. Các hành lang pháp lý hiện chưa rõ ràng, nên nếu “bật đèn xanh” trở lại, việc quản lý được cũng không đơn giản và nguy cơ kẻ xấu lợi dụng thẻ cào điện thoại vào những hành vi bất chính như vụ việc Rikvip vẫn rình rập. 

Tìm kiếm một giải pháp bền vững, tổng thể, bao gồm những hành động ngắn hạn lẫn dài hạn là yêu cầu đặt ra cho Bộ Thông tin và Truyền thông lúc này: làm sao để ngành game phát triển được lành mạnh nhưng vẫn kiểm soát được các rủi ro và nguy cơ, làm sao để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho các DN tham gia – từ các DN nội dung số/game cho đến nhà mạng, làm sao để thị trường có nhiều sự lựa chọn, ít nhất là về kênh thanh toán… là những điểm mà cơ quan quản lý cần cân nhắc hài hòa. 

Đọc thêm