Thất thu thuế do thuốc lá lậu - trách nhiệm thuộc về ai?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc thiếu quản lý cho các sản phẩm thuốc lá nói chung và thuốc lá không khói nói riêng sẽ càng làm tăng tỷ lệ buôn lậu, mà trong đó thiệt hại trước mắt chính là nguồn thu thuế.

Những đề xuất đi ngược chỉ đạo Chính phủ

Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã 3 lần yêu cầu các cơ quan liên ngành khẩn trương nghiên cứu biện pháp quản lý các sản phẩm thuốc lá không khói gồm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử. Đặc biệt, qua hai Công văn số 4861 và Công văn số 8750, Chính phủ cũng đã nêu rõ việc quản lý các sản phẩm thuốc lá không khói là góp phần tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá. 

Tuy nhiên, trong năm qua, các tổ chức chống thuốc lá trên thế giới, điển hình là HealthBridge Canada, Campaign for Tobacco-Free Kids (CFTK), The Union thay vì tham vấn các phương pháp quản lý phù hợp, thì lại đang đưa ra những đề xuất bài trừ các giải pháp giảm thiểu tác hại.

Những đề xuất bài trừ này không chỉ đi ngược lại chỉ đạo của Chính phủ, nghiên cứu thế giới hay ý kiến của cộng đồng khoa học, đồng thời thiếu xem xét thấu đáo đến thực tế xã hội như ở Việt Nam (một quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu và buôn lậu cao).  

Một số sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. (Ảnh minh họa)
Một số sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. (Ảnh minh họa)

Với ngành hàng thuốc lá, nhu cầu tiêu thụ thuốc lá trong nước vẫn nằm ở tỷ lệ báo động và thực trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra nhức nhối. Mặc dù hàng rào thuế quan được cơ quan quản lý đưa ra như một trong những biện pháp kỹ thuật để hạn chế tình trạng buôn lậu nhưng buôn lậu thuốc lá chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thuốc lá nhập lậu có năm chiếm tới 25% trên thị trường, làm thất thu ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dùng. 

Bên cạnh đó, thời gian qua đang xuất hiện một số luồng thông tin chưa đầy đủ từ những tổ chức này, bao gồm sự nhầm lẫn giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, cũng như thông tin thiếu chính xác khi đề cập các sản phẩm thuốc lá không khói đang tấn công lên cộng đồng.

Đến nay, chưa có bất kỳ công ty thuốc lá nào được phép thương mại những loại sản phẩm này, nhưng các tổ chức chống thuốc lá luôn khẳng định những tác hại do các sản phẩm thuốc lá lậu gây ra là từ các công ty thuốc lá chính danh, để từ đó kêu gọi các chiến lược cấm đoán cực đoan.    

Theo ghi nhận, Việt Nam không phải là nước duy nhất mà các tổ chức này hiện diện và can thiệp vào việc đề xuất các chiến lược kiểm soát thuốc lá chung. Tại Mexico, Philippines và một số nước khác trên thế giới cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Khi điều cấm kỵ trong xây dựng chính sách xảy ra, chính sách được soạn thảo không thể đảm bảo tính minh bạch, công bằng và phù hợp mục tiêu quốc gia.

Nguy hiểm hơn, vì chủ trương bài trừ cứng nhắc, các tổ chức này đã hoàn toàn lờ đi mọi nghiên cứu khoa học lẫn kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia. Cách tiếp cận này có thể đưa đến hệ quả “phí chồng phí” trong phòng chống tác hại thuốc lá. 

Cần giải pháp khắc phục tình trạng thất thu ngân sách mỗi năm

Trong một tọa đàm về “Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới” được tổ chức tháng 11/2020, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, không nên có tư duy “không quản được thì cấm”, nhất là trong bối cảnh chính sách Việt Nam đang mở cửa, ủng hộ các xu hướng phát triển công nghệ, mà cần có cách ứng xử phù hợp đối với mặt hàng áp dụng công nghệ và cải tiến chất lượng trên cơ sở tham khảo quy định của các nước phát triển. Ngoài ra, cấm có nghĩa là đang đẩy người tiêu dùng về phía hàng lậu và gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. 

Một trong những hội thảo về thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử do HealthBridge Canada tổ chức.
 Một trong những hội thảo về thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử do HealthBridge Canada tổ chức.

Thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy từ năm 2019 đến nay: tổng số vụ kiểm tra là 2.428 vụ, trong đó số vụ xử lý: 1.976 vụ, số lượng thuốc lá tịch thu: 646.450 bao, số tiền phạt hành chính: 8,63 tỷ đồng, trị giá hàng hoá vi phạm: 61 tỷ đồng, 16 vụ chuyển xử lý hình sự. Những đường dây nhập lậu thuốc lá điếu, thuốc lá không khói liên tục được phát hiện tại các thành phố lớn trên cả nước, từ đường bộ, đường thủy cho đến hàng không.  

Từ những số liệu cho thấy, rõ ràng thiếu quản lý cho các sản phẩm thuốc lá nói chung và thuốc lá không khói nói riêng sẽ càng làm tăng tỷ lệ buôn lậu mà trong đó thiệt hại trước mắt chính là nguồn thu thuế từ ngành hàng này, trong khi phải chi ra con số hàng tỷ đồng để tiêu hủy các nguồn hàng lậu, tuyên truyền cảnh báo cho cộng đồng trước sự tấn công của thuốc lá lậu. 

Vì vậy, việc xây dựng chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá không khói, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, cần tránh những đề xuất, thông tin một chiều xuất phát từ các tổ chức phòng chống thuốc lá. Xét một cách tổng thể, rõ ràng đã đến lúc, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét chính sách quản lý thuốc lá dựa trên khoa học, thực tiễn và độc lập, thay vì đưa ra các quyết định mà có sự tác động từ bên ngoài.