Thêm lo ngại tăng trưởng cả năm khó đạt mục tiêu

(PLO) - Theo Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho thấy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, kinh tế quý 4 phải tăng trưởng ít nhất 8,3% và đây là nhiệm vụ bất khả thi. 
Dù nhu cầu của nền kinh tế là lớn nhưng theo nhiều chuyên gia khả năng hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng trong quý 4 là thấp
Dù nhu cầu của nền kinh tế là lớn nhưng theo nhiều chuyên gia khả năng hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng trong quý 4 là thấp

Tăng trưởng cả năm chỉ 6%

Theo Viện VERP, bước sang quý 3, kinh tế đã có những cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm. Dù thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, GDP quý 3 vẫn đạt mức tăng 6,4% giúp tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 5,93%. 

VERP đánh giá kinh tế vĩ mô độc lập nói nông nghiệp suy giảm kết hợp với khó khăn trong trong ngành công nghiệp khai khoáng là nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng thấp. Khu vực nông nghiệp, vốn chiếm 11-13% GDP, ước tính chỉ tăng 0,05% trong 9 tháng đầu năm và chỉ đóng góp được 0,01 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Trong khi đó, lâm nghiệp và thủy sản cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng, khu vực nông, lâm ngư nghiệp chỉ tăng 0,65%, thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Đáng chú ý, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng nhóm ngành này 9 tháng đầu năm đạt 11,22% cao hơn so với hai năm trước (2014: 8,57%; 2015:10,15%). Tuy nhiên, với mức đóng góp lên tới 28,4% trong cơ cấu GDP khu vực công nghiệp, suy giảm ngành khai khoáng đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng khu vực này cũng như tăng trưởng kinh tế. Cộng dồn tới hết tháng 9, ngành khai khoáng ước giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, làm giảm 0,28 điểm phần trăm tăng trưởng.

 TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn quyết định giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Tuy nhiên, theo ông Thành, để đạt được mục tiêu này, kinh tế Quý 4 cần phải tăng trưởng ít nhất 8,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Song, Chính phủ cũng nhấn mạnh vấn đề đặt mục tiêu chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng, và nếu phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 6,3% - 6,5%, chúng tôi cho rằng ngay cả điều này vẫn không khả thi. 

“Vì kinh nghiệm tăng trưởng trong những năm qua cho thấy dù tăng trưởng quý 4 có tăng cao hơn quý 3, cũng không thể vượt 1 điểm phần trăm. Lần duy nhất ghi nhận mức chênh lệch lên tới trên 2 điểm phần trăm là cuối năm 2009, khi Chính phủ tung ra gói kích cầu quy mô lớn nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, nhóm nghiên cứu giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 6,0% cho cả năm 2016.”- TS. Thành cho biết.   

Khả năng hạ lãi suất cho vay? 

Ở thị trường tài chính tiền tệ, theo VERP, huy động tiếp tục tăng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng. Theo đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 20/09/2016 đã tăng 12,02% so với cuối năm 2015. Mức tăng này được đánh giá là cao hơn nhiều so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2015. Sức ép từ cầu tín dụng đã không còn, thay vào đó, huy động dồi dào đã giúp mặt bằng lãi suất trong nước giảm dần trong quý 3.

Viện trưởng Thành cho hay, lãi suất bình quân liên ngân hàng, cả qua đêm và một tuần đều giảm liên tục trong ba tháng vừa qua. Nguồn huy động dồi dào đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn hạ lãi suất huy động, sau một thời gian dài giữ ở mức kịch trần. 

Cuối tháng 9, một số NHTM như Vietcombank, Vietinbank và BIDV đã đồng loạt điều chỉnh giảm các mức lãi suất kỳ hạn dưới 1 năm. Tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng giảm lần lượt 0,2 và 0,3 điểm phần trăm xuống mức 4,8% và 5,3%. BIDV và Vietinbank có mức giảm mạnh hơn, từ 0,3-0,7 điểm phần trăm đối với các khoản tiền gửi kì hạn dưới 1 năm. Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tính tới ngày 20/09/2016 đã tăng 11,8% so với thời điểm cuối năm 2015, cao hơn so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2015.  

“Nguồn huy động dồi dào trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức vừa phải tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để các NHTM có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước. Điều này kỳ vọng góp phần tạo ra một cú huých cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay. Như vậy, đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế có thể được củng cố vững chắc hơn”- TS. Thành khuyến nghị.  

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng nhu cầu hạ lãi suất cho vay của nền kinh tế là có nhưng khả năng thực tế để các ngân hàng thực hiện là rất khó. Theo ông Tuyển, nợ xấu chúng ta đã giải quyết bao nhiêu năm vẫn không được thậm chí vẫn tăng lên. Nợ xấu trong xây dựng cơ bản, trong BOT vẫn là những ẩn số rất lớn đang cản trở đến vốn hữu dụng cho nền kinh tế. 

“Cho nên tôi cho rằng rất khó để giảm lãi suất trong quý 4. Nhưng nếu mà có giảm lãi suất thì cũng sẽ có nguy cơ đẩy lạm phát lên, khi mà áp lực lạm phát trong quý 4 là rất lớn. Tôi cho rằng khả năng giảm lãi suất là rất thấp, giữ được mức như hiện này đã là quá tốt rồi”- chuyên gia Tuyển nhận định.

Mục tiêu duy trì bội chi ngân sách dưới 5% GDP sẽ bị phá vỡ

9 tháng đầu năm 2016 tiếp tục chứng kiến những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thu ngân sách, đặc biệt là ngân sách Trung ương. Ước tính tới 15/09/2016, tổng thu NSNN đạt 665,2 nghìn tỷ đồng, bằng 65,6% so với dự toán đầu năm. Trong khi nguồn thu không có nhiều cải thiện, chi NSNN đã tăng nhanh trong ba tháng vừa qua. Tổng chi NSNN tính tới 15/09/2015 đã đạt 819,4 nghìn tỷ đồng, dẫn tới bội chi ngân sách 154,2 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức 136 nghìn tỷ đồng của năm 2015. 

Chi ngân sách đang có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm và không kịp điều chỉnh xuống tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế trên thực tế, trong khi thu ngân sách, đặc biệt là ngân sách trung ương lại gặp nhiều khó khăn vì phản ánh đúng thực tế tăng trưởng chậm hơn so với dự báo từ đầu năm. Chúng tôi cho rằng mục tiêu duy trì bội chi ngân sách dưới 5% GDP trong năm 2016 sẽ một lần nữa bị phá vỡ. Trong thời gian tới, bên cạnh việc thực tế và khiêm tốn hơn trong việc lập kế hoạch tăng trưởng đầu năm, Chính phủ mới cần có một chiến lược tổng thể và hữu hiệu cắt giảm bộ  máy hành chính và chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ. Ngoài ra, những biện pháp mang tính kỹ thuật khác như thoái vốn dứt khoát tại các DNNN cũng cần được xem xét.

Đọc thêm